Vị trí khó khăn nhất trong chính quyền Trump

Tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Tổng thống đắc cử Donald Trump đang cân nhắc nhiều ứng viên cho vị trí khó khăn nhất trong chính quyền: Bộ trưởng Tư pháp Mỹ.

Ông Trump ở nhiệm kỳ đầu tiên có bất đồng với nhiều quan chức do chính mình lựa chọn, trong đó bất đồng gay gắt nhất là với Bộ trưởng Tư pháp. Chính trị gia đảng Cộng hòa cách chức một người và không hài lòng một người khác.

Một số nhân viên Bộ Tư pháp (DOJ) lo ngại sự trở lại của ông Trump khiến cơ quan này mất đi tính độc lập truyền thống và công việc chịu ảnh hưởng nặng nề. Không loại trừ khả năng vài đơn vị cùng nhân sự trực thuộc sắp bị cắt bỏ.

Luật sư bảo thủ Mark Paoletta - ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp - vào ngày 11.11 đã đưa ra lời cảnh báo: “Nếu không thực thi chính sách của Tổng thống Trump một cách thiện chí thì đội ngũ DOJ nên rời đi. Nhân viên chống lại chương trình nghị sự chính là phá hoại nền dân chủ Mỹ”.

Ông Trump cùng đội ngũ thân cận xem ghế Bộ trưởng Tư pháp là vị trí giữ vai trò quan trọng nhất, giúp ông triển khai chính sách nhập cư cũng như tiến hành điều tra hàng loạt đối thủ chính trị. DOJ cũng nhận nhiệm vụ bảo vệ các chính sách của chính quyền (từ y tế, môi trường đến kiểm soát súng đạn) trước tòa án.

Ông Trump cùng cựu Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions - Ảnh: CNN

Ông Trump cùng cựu Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions - Ảnh: CNN

Ai sắp phải ra đi?

Công tố viên đặc biệt Jack Smith cùng luật sư, điều tra viên tham gia điều tra ông Trump là mục tiêu xử lý hàng đầu. Số đặc vụ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) từng lục soát Mar-a-Lago tìm tài liệu mật cũng chuẩn bị tinh thần ra đi. Ông Trump từng ngỏ ý cách chức Giám đốc FBI Christopher Wray (do chính ông bổ nhiệm năm 2017).

Theo một nguồn tin, Trump thân thiện hơn với số đặc vụ FBI phụ trách bảo vệ ông.

Điều tra đối thủ chính trị

Phán quyết miễn trừ truy tố với hành động công vụ của tòa án tối cao Mỹ mùa hè qua càng giúp ông Trump được bảo vệ tốt hơn về mặt pháp lý.

Ở nhiệm kỳ đầu, Trump từng phàn nàn chính những quan chức mà ông bổ nhiệm cản trở nỗ lực điều tra đối thủ chính trị. Nhưng giờ đây trói buộc không còn nữa.

Theo hai nguồn tin của đài CNN, số nhân viên DOJ tham gia 2 vụ truy tố ông Trump do công tố viên Smith phụ trách hiện rất lo lắng về rủi ro pháp lý mà họ phải chịu nếu tổng thống đắc cử thực hiện “kế hoạch trả thù”. Một nhân viên tiết lộ họ đang lên sẵn phương án tự bảo vệ mình, vài trường hợp cân nhắc thuê luật sư.

Nhìn lại nhiệm kỳ đầu của ông Trump

Tháng 1.2017, quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates (do cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm) ra lệnh DOJ không được bảo vệ sắc lệnh hành pháp cấm công dân 7 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh Mỹ do ông Trump ban hành không lâu sau khi nắm quyền. Ông Trump ngay lập tức cách chức Yates và thay thế bằng thượng nghị sĩ Alabama Jeff Sessions.

Nhưng Bộ trưởng Sessions làm mất lòng cấp trên vì “tự cứu mình” bằng cách rút khỏi cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, dẫn đến việc DOJ bổ nhiệm công tố viên đặc biệt Robert Mueller phụ trách.

Ông Trump tỏ rõ thái độ không hài lòng bằng dòng tweet vào tháng 7.2017: “Bộ trưởng Sessions có lập trường rất yếu kém về tội ác của Hillary Clinton”. Tháng 11.2018, quan chức này từ chức theo yêu cầu từ tổng thống.

Sau đó luật sư William Barr đồng ý ngồi vào “ghế nóng” do tin tưởng ông Trump “bị đối xử bất công”. Phát biểu trên đài Fox News năm 2020, ông Trump nói rằng Bộ trưởng Barr nên truy tố cựu Tổng thống Obama cùng cấp phó Joe Biden, cũng như nhiều người khác vì vụ điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử.

Mối quan hệ tốt đẹp rạn nứt vào tháng 11 năm đó, Bộ trưởng Barr tuyên bố DOJ không phát hiện bằng chứng gian lận quy mô lớn có thể làm thay đổi kết quả bầu cử. Tuyên bố là đòn giáng mạnh với ông Trump, người từ chối thừa nhận thất bại. Năm nay, ông Barr ủng hộ sếp cũ đắc cử.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vi-tri-kho-khan-nhat-trong-chinh-quyen-trump-225933.html
Zalo