Vị trí đầu tàu của ngành công thương trong kỷ nguyên mới
Theo kế hoạch, Đại hội Đảng bộ Bộ Công thương nhiệm kỳ 2025-2030 trong hai ngày 15 và 16/7 sẽ đánh giá khách quan, toàn diện kết quả nhiệm kỳ vừa qua, rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, thông qua phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong nhiệm kỳ tới.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giới thiệu sản phẩm của Việt Nam với đối tác Trung Quốc trong khuôn khổ Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Trước thềm Đại hội, đồng chí , Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Công thương đã trả lời phỏng vấn của Báo Nhân Dân. Dưới đây là nội dung phỏng vấn.
Thưa Bộ trưởng, nhiệm kỳ 2020-2025, đất nước ta và ngành công thương đã đi qua rất nhiều khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ. Đồng chí có thể đánh giá, những kết quả nào được coi là đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Bộ Công thương?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Có thể thấy, trong giai đoạn 2020-2025, tình hình kinh tế-chính trị thế giới đầy biến động với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có.
Ở trong nước, dù kinh tế đã lấy lại đà tăng trưởng, thích ứng hơn với tình hình mới của thế giới, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do phải chịu “tác động kép” từ các yếu tố bất lợi bên ngoài cũng như hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế kéo dài nhiều năm.
Trong bối cảnh đó, Đảng bộ Bộ Công thương đã phát huy tinh thần đoàn kết, bản lĩnh chính trị vững vàng, trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, lãnh đạo toàn ngành thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ trước, hoàn thành xuất sắc hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ với nhiều điểm sáng và dấu ấn nổi bật, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Theo đó, Đảng bộ đã lãnh đạo toàn ngành hoàn thành xuất sắc các mục tiêu tăng trưởng: Công nghiệp tiếp tục đóng vai trò then chốt, chiếm hơn 30% GDP, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 80%, khẳng định vị thế trung tâm sản xuất khu vực của đất nước.
Ngành điện cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội với tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt hơn 99%. Năm 2024, Việt Nam vươn lên đứng thứ 2 ASEAN, thứ 30 thế giới về phát triển hạ tầng điện.
Ngành dầu khí phát triển đồng bộ từ thượng nguồn đến hạ nguồn; sản lượng xăng dầu đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trong nước; nguồn khí (kể cả LNG nhập khẩu) bảo đảm cung ứng đủ cho sản xuất điện và các ngành công nghiệp.
Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 10%/năm, đóng góp quan trọng vào GDP, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 ước đạt hơn 800 tỷ USD, thặng dư thương mại duy trì mức cao.
Thị trường trong nước giữ vững vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, nhất là khi có biến động lớn từ thị trường bên ngoài, liên tục duy trì đà tăng trưởng bình quân 7%/năm; thương mại điện tử phát triển mạnh, đạt quy mô 25 tỷ USD năm 2024, là động lực thúc đẩy kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia.
Với vai trò là cơ quan đầu mối về hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Công thương đã chủ trì đàm phán, ký và triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), góp phần mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao vị thế hàng Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giai đoạn 2020-2025, Việt Nam đã ký thêm 4 FTA, nâng tổng số lên 17 hiệp định với 65 đối tác, đồng thời đàm phán nâng cấp nhiều FTA hiện có.
Bộ cũng chủ động thúc đẩy hợp tác quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, xử lý linh hoạt các vấn đề thương mại, bảo đảm lợi ích quốc gia và duy trì ổn định quan hệ đối ngoại.
Về thực hiện 3 đột phá chiến lược, Bộ Công thương đã chủ trì xây dựng, trình ban hành hơn 250 văn bản pháp luật và hơn 20 chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trọng yếu.
Bộ cũng tiếp tục xây dựng nhiều dự án luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho các ngành, lĩnh vực mới, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Hạ tầng năng lượng và thương mại được phát triển đồng bộ, hiện đại; nguồn và lưới điện được đầu tư mạnh với sự tham gia của tư nhân, nhiều dự án trọng điểm đã vận hành hiệu quả; hệ thống dầu khí phát triển đồng bộ, bảo đảm cung ứng 15,5 triệu tấn xăng dầu/năm; hạ tầng thương mại phát triển mạnh với hơn 1.200 siêu thị, 300 trung tâm thương mại; thương mại điện tử trở thành kênh phân phối chủ lực; hệ thống logistics mở rộng với khoảng 30 nghìn kho bãi, 6 trung tâm cấp 1.
Xin đồng chí đánh giá tổng quan về công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Bộ Công thương trong nhiệm kỳ vừa qua?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Đảng bộ Bộ Công thương luôn xác định rõ công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ “trọng tâm của trọng tâm”, “nền móng chính trị” toàn bộ hoạt động điều hành.
Trên tinh thần đó, suốt nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng Đảng được nâng lên một tầm cao mới, triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ.
Đảng ủy Bộ Công thương đã đổi mới toàn diện, linh hoạt phương thức lãnh đạo, phù hợp đặc thù từng đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Sinh hoạt chi bộ được gắn với chuyên môn, ứng dụng công nghệ, phát huy dân chủ, nêu gương người đứng đầu.
Công tác phân công, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền được đổi mới theo hướng trọng tâm, linh hoạt, sát thực tiễn.
Bên cạnh đó, việc kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn bộ máy được triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Các đơn vị trực thuộc đã chủ động rà soát, tinh giản biên chế, hợp nhất tổ chức có chức năng tương đồng, giảm chồng chéo, phân tán trong tổ chức và hoạt động, góp phần tinh gọn đầu mối, nâng cao chất lượng hoạt động trong tình hình mới.
Công tác cán bộ được thực hiện đúng nguyên tắc, dân chủ, công tâm, gắn phân cấp với tăng cường giám sát; bố trí đúng người, đúng việc, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với người lao động.
Thưa Bộ trưởng, nhiệm kỳ tới được coi là giai đoạn bản lề đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, bền vững trong kỷ nguyên mới, Đảng bộ Bộ Công thương xác định những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nào nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Để tiếp tục thực hiện thắng lợi, toàn diện nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, Đảng bộ Bộ Công thương sẽ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, củng cố khối đại đoàn kết toàn ngành, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hai là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng và các nghị quyết mang tính chiến lược, cách mạng thuộc “Bộ tứ trụ cột” của Bộ Chính trị để kịp thời thể chế hóa và tổ chức thực thi có hiệu quả.
Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, coi đây là nhiệm vụ “đột phá của đột phá”, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, khả thi, góp phần giải phóng nguồn lực, làm mới và nâng cao hiệu quả các động lực tăng trưởng truyền thống; đồng thời, kiến tạo, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, tạo dư địa cho phát triển kinh tế đất nước.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng thực chất, hiệu quả, dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng với vai trò tích cực, quan trọng của kinh tế tư nhân cũng như vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Chú trọng đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng năng lượng, công nghiệp, thương mại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, đáp ứng yêu cầu hội nhập, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu,...
Bốn là, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham mưu khai thác có hiệu quả cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư vào các ngành trọng điểm của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là trong lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đàm phán nâng cấp các FTA hiện có và ký FTA mới với các đối tác tiềm năng nhằm mở rộng không gian kinh tế đối ngoại.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kinh tế số để phát triển thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng, tạo “bệ đỡ” vững chắc cho tăng trưởng bền vững.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực công tác của ngành.
Tập trung đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đề cao tinh thần nêu gương và trách nhiệm người đứng đầu, tập thể cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị, gắn với nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ chính trị được giao.