GDP Trung Quốc quý II tăng hơn 5%, bất chấp áp lực nội địa và căng thẳng thương mại

Bất chấp nhu cầu nội địa suy yếu và căng thẳng thương mại với Mỹ, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng 5,2% trong quý II/2025, vượt kỳ vọng của giới phân tích. Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới duy trì đà phục hồi, trong khi chính phủ tăng tốc các biện pháp hỗ trợ tài khóa và tiền tệ để giữ vững mục tiêu tăng trưởng cả năm.

Xuất khẩu bù đắp tiêu dùng yếu

Theo công bố ngày 15/7 của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, GDP quý II tăng 5,2% so với cùng kỳ 2024, dù thấp hơn quý I (5,4%) nhưng vượt dự báo 5,1% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một khảo sát của hãng tin Reuters. Trong tháng 6, sản lượng công nghiệp tăng 6,8%, nhưng doanh số bán lẻ chỉ tăng nhẹ 4,8%, cho thấy sức cầu nội địa vẫn là điểm nghẽn lớn. Đầu tư tài sản cố định 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,8%, thấp hơn kỳ vọng.

Theo chuyên gia Zhiwei Zhang từ Pinpoint Asset Management, xuất khẩu là động lực chính thúc đẩy GDP quý II. Trong bối cảnh thuế nhập khẩu vào Mỹ có nguy cơ tăng trở lại, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tăng cường đặt hàng từ Trung Quốc, khiến hoạt động xuất khẩu sôi động.

Hàng hóa được xếp tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: CNBC

Hàng hóa được xếp tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: CNBC

Thống kê từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tháng 6 tăng 5,8% so với cùng kỳ 2024. Đặc biệt, xuất khẩu sang Đông Nam Á và châu Âu tăng mạnh lần lượt 16,8% và 7,6%, bù đắp phần nào mức giảm 11,6% tại thị trường Mỹ, khi Bắc Kinh và Washington đang áp dụng thỏa thuận giảm thuế tạm thời trong vòng 90 ngày (từ tháng 6 đến 12/8).

Nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 1,1% trong tháng 6. Dù không đạt dự báo, đây cũng là lần đầu tiên nhập khẩu Trung Quốc tăng lên trong năm nay, đảo ngược xu hướng giảm thời gian qua do nhu cầu nội địa yếu.

Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu Trung Quốc tăng 5,9%, nhập khẩu tăng 3,9%, đưa thặng dư thương mại lên gần 586 tỷ USD, tăng gần 35% so với cùng kỳ 2024. Đây là mức cao kỷ lục bất chấp căng thẳng thương mại.

Sức ép thuế quan và triển vọng nửa cuối năm

Quan hệ thương mại Mỹ - Trung đang có tín hiệu hạ nhiệt sau nhiều vòng đàm phán. Hồi tháng 6, hai nước đạt thỏa thuận khung về giảm thuế, tháo gỡ rào cản phi thuế quan và nối lại một số mặt hàng chiến lược. Xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc, một sản phẩm nhạy cảm đã tăng mạnh 60,3% trong tháng 6, cho thấy Bắc Kinh đang thực hiện cam kết trước hạn chót 12/8.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo triển vọng xuất khẩu nửa cuối năm vẫn chưa rõ ràng. Chuyên gia kinh tế Zichun Huang từ Capital Economics nhận định: “Thuế quan vẫn có thể duy trì ở mức cao. Các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ gặp khó khi mở rộng thị trường toàn cầu bằng chiến lược giảm giá hàng hóa”.

Một khu mua sắm ở Thượng Hải, Trung Quốc

Một khu mua sắm ở Thượng Hải, Trung Quốc

Số liệu cũng cho thấy xuất khẩu thép tháng 6 tăng hơn 10%, lên 9,7 triệu tấn, mức cao kỷ lục trong bối cảnh nhiều quốc gia siết hàng rào bảo hộ với ngành thép Trung Quốc. Trong quý II, tổng xuất khẩu thép đạt 30,7 triệu tấn, cao nhất lịch sử.

Năm 2025, Trung Quốc đặt mục tiêu GDP tăng quanh 5%, tương đương năm ngoái. Để giữ vững mục tiêu này, Trung Quốc đang tăng cường các biện pháp hỗ trợ. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã giảm lãi suất, đồng thời khởi động gói tín dụng ưu đãi cho tiêu dùng và dịch vụ người cao tuổi. Ông Huang Yiping - Cố vấn PBOC cho biết Bắc Kinh cần tung thêm 1.500 tỷ nhân dân tệ kích thích tài khóa, nhằm thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình và bù đắp ảnh hưởng từ thuế nhập khẩu của Mỹ.

Trong khi đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 đạt 49,7 điểm, cao nhất ba tháng, nhưng vẫn dưới ngưỡng 50, phản ánh khu vực sản xuất chưa thực sự mở rộng.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc cần đồng thời triển khai cả kích cầu trong nước lẫn cải cách cơ cấu để đối phó sức ép dài hạn. Dư địa chính sách vẫn còn, song yêu cầu khôi phục niềm tin tiêu dùng và đầu tư mới là chìa khóa cho tăng trưởng bền vững.

Trong bối cảnh bất động sản tiếp tục lao đao và tiêu dùng chưa hồi phục như kỳ vọng, xuất khẩu vẫn đóng vai trò là “cứu cánh” của tăng trưởng Trung Quốc trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu cũng là rủi ro nếu thương mại toàn cầu biến động mạnh.

Chính quyền Bắc Kinh được dự báo sẽ có thêm gói hỗ trợ tài khóa trong quý III, quý quan trọng quyết định liệu nền kinh tế có đạt mục tiêu tăng trưởng 5% hay không.

Giới quan sát quốc tế cho rằng, nếu Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng ổn định và đạt thỏa thuận thương mại dài hạn với Mỹ, triển vọng kinh tế toàn cầu có thể ổn định hơn trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, mọi kỳ vọng vẫn phụ thuộc vào các quyết sách cụ thể từ Bắc Kinh trong thời gian tới.

Kim Ngân

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/gdp-trung-quoc-quy-ii-tang-hon-5-bat-chap-ap-luc-noi-dia-va-cang-thang-thuong-mai-319932.html
Zalo