Vị trí chiến lược của Greenland
Người đứng đầu chính quyền Greenland Mute Egede vừa lên tiếng cho biết, vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch này sẵn sàng thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ với Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và khai thác tài nguyên. Tuy nhiên, ông không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Greenland có ý định chấp nhận để Mỹ tiếp quản.
Trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các cường quốc đang gia tăng ở Bắc cực, khi băng tan do biến đổi khí hậu và mở ra các tuyến đường vận chuyển mới, hòn đảo này chiếm vị trí quan trọng đối với lợi ích chiến lược của cả Mỹ và Đan Mạch cũng như các nước châu Âu.
Là hòn đảo lớn nhất thế giới với dân số khoảng 60.000 người, Greenland từng là thuộc địa của Đan Mạch cho đến năm 1953; khi trở thành một phần không thể tách rời của Đan Mạch, người dân nơi đây được cấp quốc tịch Đan Mạch.
Năm 1979, Greenland đạt được quyền tự trị, giành được quyền tự quản lớn hơn trong khi vẫn chịu sự quản lý của Đan Mạch trong các lĩnh vực quan trọng như chính sách đối ngoại và quốc phòng. Ngoài vị trí chiến lược, Greenland còn nắm giữ trữ lượng dầu mỏ và khoáng sản rất lớn chưa được khai thác, mặc dù hoạt động thăm dò dầu mỏ và urani bị cấm tại đây.
Trong bối cảnh băng biển đang thu hẹp dần tại Bắc cực đã thúc đẩy cuộc chạy đua giữa các cường quốc thế giới giành quyền kiểm soát tài nguyên và các tuyến hàng hải tại đây, thì Đan Mạch - vốn chịu trách nhiệm về an ninh và quốc phòng của Greenland, cũng tăng cường các hoạt động kiểm soát đó.
Vấn đề liên quan chủ quyền của Greenland gần đây đã trở thành tâm điểm trong mối quan hệ giữa Đan Mạch và Mỹ sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có những phát ngôn gây sốc rằng ông không loại trừ khả năng can thiệp quân sự để đưa Greenland vào tầm kiểm soát của Mỹ.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, ông Trump đã tuyên bố muốn mua Greenland vào năm 2019 nhưng đề nghị này nhanh chóng bị Greenland và Đan Mạch từ chối. Sau khi đắc cử nhiệm kỳ hai, ông Trump cho biết sẽ áp thuế đối với Đan Mạch nếu nước này từ chối đề nghị mua Greenland, mà theo ông, có ý nghĩa sống còn với an ninh quốc gia Mỹ. Ông Trump từ chối loại trừ khả năng có hành động quân sự hoặc kinh tế để theo đuổi việc giành quyền kiểm soát Greenland.
Tuy nhiên, Đan Mạch đã khẳng định Greenland không phải để bán. Chính quyền Greenland nhấn mạnh: Sự phát triển và tương lai của Greenland do chính người dân quyết định, đồng thời cho biết hòn đảo này sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ như một trong những đối tác thân thiết nhất.
Với hơn 80 năm hợp tác quốc phòng giữa Greenland với Mỹ, người đứng đầu chính quyền Greenland, ông Egede thừa nhận, việc thiết lập quan hệ kinh tế giữa hai bên là điều cần thiết và Greenland đã bắt đầu đối thoại và tìm kiếm các cơ hội hợp tác với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông Egede khẳng định, Greenland luôn sẵn sàng đón nhận các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực khai thác mỏ và chính sách này sẽ vẫn tiếp tục trong những năm tới.
Sau những phát ngôn của Tổng thống đắc cử Mỹ về việc kiểm soát Greenland, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết bà đã liên lạc với ông Donald Trump. Văn phòng của bà đã đề xuất tiến hành một cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử Mỹ nhưng chưa nhận được phản hồi chính thức.
Bà Frederiksen cũng nhắc lại, bà không tin ông Trump sẽ tìm cách chiếm Greenland bằng vũ lực và khẳng định Greenland thuộc về người Greenland. Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen khẳng định, nước này hoàn toàn không có ý định leo thang cuộc khẩu chiến với một vị tổng thống đang sắp bước vào Nhà Trắng.
Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cũng đưa ra quan điểm cứng rắn sau những phát biểu của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc mua lại vùng lãnh thổ Greenland của Đan Mạch, trong đó các nước châu Âu đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của chủ quyền đối với các quốc gia.
Ủy ban châu Âu (EC) ra tuyên bố khẳng định chủ quyền của các quốc gia cần được tôn trọng và đây cũng là giá trị ngoại giao và nguyên tắc cốt lõi mà EC đang hướng tới. EC còn nhấn mạnh điều khoản về phòng thủ chung theo Hiệp ước Lisbon cũng sẽ được áp dụng đối với Greenland trong trường hợp xảy ra các động thái quân sự.
Tuy nhiên, EC bày tỏ mong muốn thúc đẩy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ hơn với chính quyền mới tại Mỹ, hướng tới các mục tiêu chung và lợi ích chiến lược quan trọng. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, đã liên lạc với các đối tác trong khu vực về vấn đề Greenland.
Nhà lãnh đạo Đức khẳng định, việc không xâm phạm biên giới là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế mà các nước nhỏ hay siêu cường đều phải tuân thủ. Pháp cũng khẳng định biên giới chủ quyền của Liên minh châu Âu (EU) khi nhấn mạnh Greenland là một phần lãnh thổ của EU.
Trước việc Tổng thống đắc cử Mỹ D.Trump bỏ ngỏ về một giải pháp quân sự nhằm nắm quyền kiểm soát Greenland, cả Đan Mạch và các thành viên khác trong EU đều khẳng định muốn đối thoại và tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế với Mỹ, đồng thời cũng thể hiện thái độ kiên quyết bảo vệ chủ quyền của hòn đảo có vị trí địa chính trị quan trọng này.