Vị thế Việt Nam sau 30 năm gia nhập ASEAN

HNN - Ngày 28/7/1995, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN. Trên chặng đường 30 năm đồng hành cùng ASEAN, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp chủ động, tích cực, trách nhiệm vì một ASEAN vững mạnh, đoàn kết, có vai trò, vị thế ở khu vực và trên thế giới.

 Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thế mạnh

Trải qua gần 60 năm tồn tại và phát triển (1967 - 2024), từ bước khởi đầu khiêm tốn, ASEAN đã thành công trong việc đưa khu vực Đông Nam Á từ chia rẽ, đối đầu, nghi kỵ trở thành một cộng đồng khu vực của 10 quốc gia Đông Nam Á với hơn 650 triệu người sống trong hòa bình, hội nhập và phát triển, ngày càng có vị thế, tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Hiện nay, ASEAN là một trong những khu vực được đánh giá là hấp dẫn nhất đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dự báo đến năm 2027, GDP của ASEAN có thể đạt mức trên 4.000 tỷ USD và đến năm 2030, khoảng 60% dân số ASEAN có tiềm năng gia nhập tầng lớp trung lưu. ASEAN được đánh giá là một thị trường tiêu thụ rộng lớn, là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới.

Sự hiện diện và tầm quan trọng của ASEAN ngày càng mở rộng không chỉ đối với khu vực Đông Nam Á, mà còn vươn ra phạm vi toàn thế giới, nhất là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. ASEAN đang thể hiện vai trò trung tâm dẫn dắt, như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Đáng chú ý, ASEAN và các quốc gia thành viên luôn nhận thức sâu sắc rằng, Đông Nam Á và các quốc gia trong khu vực khó có thể tránh khỏi sự can dự và cạnh tranh ảnh hưởng từ các cường quốc bên ngoài. Do đó, ngay từ khi mới được thành lập, ASEAN đã chủ động thiết lập, mở rộng quan hệ với các nước lớn, theo đuổi chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa, đồng thời linh hoạt áp dụng các sách lược cân bằng.

Trong những năm gần đây, ASEAN đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết cường quốc hàng đầu thế giới, như Trung Quốc (năm 2021), Mỹ (năm 2022), Nhật Bản (năm 2023), Ấn Độ (năm 2023). Đồng thời, từng bước củng cố sự đoàn kết trong nội bộ, nhất là trong ứng phó với các vấn đề nhạy cảm của khu vực. Hiện nay, ASEAN đang là “điểm sáng” của tăng trưởng kinh tế và thu hút FDI. Tăng trưởng kinh tế của ASEAN trong năm 2023 đạt 4,4% và dự báo đạt khoảng 5% trong năm 2024 - vẫn giữ là một trong những khu vực có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới (GDP của nền kinh tế thế giới chỉ đạt khoảng 3%). Cùng với sự gia tăng can dự, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc thông qua các dự án địa - chiến lược, như Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc và FOIP của Mỹ cũng góp phần làm gia tăng vị thế địa - chiến lược, tài nguyên địa - chính trị của ASEAN/Đông Nam Á nếu ASEAN và các nước thành viên ngày càng đoàn kết, tự chủ chiến lược và gia tăng khả năng thích ứng, cạnh tranh.

Vai trò, vị thế của Việt Nam hiện nay

Trong gần 30 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của Hiệp hội. Trước hết, sự tham gia của Việt Nam vào ASEAN không chỉ giúp chấm dứt sự đối đầu ở khu vực Đông Nam Á từng tồn tại dưới thời kỳ Chiến tranh lạnh, mà còn là “hạt nhân” thúc đẩy sự thống nhất và đoàn kết khu vực bằng nỗ lực kết nạp các nước còn lại ở Đông Nam Á, bao gồm Cam-pu-chia, Lào và Mi-an-ma, vào “ngôi nhà chung” ASEAN.

Việt Nam đã có những đóng góp nổi bật trong 3 lần đảm trách vai trò Chủ tịch ASEAN (Ủy ban Thường trực ASEAN giai đoạn 2000 - 2001), Chủ tịch ASEAN 2010 và 2020.

Năm 2001, Việt Nam đã thúc đẩy thông qua Tuyên bố Hà Nội về Thu hẹp khoảng cách phát triển, chính thức khởi động triển khai Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.

Năm 2010, thông qua Kế hoạch Tổng thể đầu tiên về Kết nối ASEAN (MPAC 2015); mở rộng cơ chế Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) để Nga và Mỹ tham gia cũng như hình thành khuôn khổ hợp tác quốc phòng giữa ASEAN với các Đối tác thông qua cơ chế ADMM+.

Năm 2020, trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ, Việt Nam đã thúc đẩy Cộng đồng ASEAN gắn bó và ứng phó hữu hiệu, kịp thời trước các thách thức chưa từng có của đại dịch COVID-19, giữ vững đoàn kết, duy trì đà liên kết của ASEAN, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho người dân cũng như đẩy mạnh các nỗ lực phục hồi.

Việt Nam còn tham gia đóng góp quan trọng vào các quyết sách nhằm định hướng phát triển của ASEAN như Tầm nhìn ASEAN 2020 (năm 1997), thúc đẩy hoàn tất ý tưởng ASEAN-10, thông qua Chương trình Hành động Hà Nội (năm 1998), Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (năm 2003) về xây dựng Cộng đồng ASEAN, Hiến chương ASEAN (năm 2007), Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 (năm 2015), và trong giai đoạn hiện nay là xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến 2045.

Việt Nam đã đảm trách vai trò điều phối viên, góp phần đẩy mạnh quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả giữa ASEAN với nhiều Đối tác quan trọng như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và chuẩn bị tiếp nhận điều phối 2 đối tác là New Zealand và Anh từ sau tháng 7/2024 trong nhiệm kỳ 3 năm.

Việt Nam luôn nằm trong top đầu các quốc gia có tỷ lệ thực hiện các cam kết về liên kết kinh tế khu vực ASEAN, đồng thời, là nước tham gia khởi xướng ý tưởng hình thành Cộng đồng Văn hóa - xã hội ASEAN, dành quan tâm cao cho việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN hòa hợp, gắn bó, có bản sắc, lấy người dân làm trung tâm. Cam kết của Việt Nam đối với ASEAN là nhất quán, xuyên suốt.

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (tiếng Anh: Asia-Pacific Economic Cooperation, viết tắt là APEC) là diễn đàn của 21 nền kinh tế thành viên vành đai Thái Bình Dương, có các nước ASEAN với mục tiêu tăng cường mối quan hệ về kinh tế và chính trị. Việt Nam là một trong số không nhiều nền kinh tế hai lần được các thành viên tín nhiệm ủng hộ đảm nhiệm vai trò chủ nhà Năm APEC vào 2006 và 2017. Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị cấp cao APEC Hà Nội năm 2006 và Đà Nẵng năm 2017.

Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Lowy (Ô-xtrây-li-a) năm 2023, Việt Nam xếp ở thứ 12/26 quốc gia và vùng lãnh thổ về sức mạnh tổng hợp quốc gia. Việt Nam vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ mười ở khu vực châu Á và lớn thứ tư trong ASEAN với quy mô GDP trên 400 tỷ USD; được xếp vào danh sách một trong 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới và thuộc nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu. Dự báo đến năm 2030, Việt Nam có thể được xếp trong danh sách 29 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Năng lực quân sự của Việt Nam cũng gia tăng nhanh chóng. Cũng theo đánh giá của Lowy - năm 2023, Việt Nam xếp thứ 12/26 quốc gia và vùng lãnh thổ về năng lực quân sự ở châu Á.

Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có năng lực ngoại giao xếp thứ chín tại khu vực châu Á và xếp thứ hai trong ASEAN. Đáng chú ý, ngoại giao Việt Nam không chỉ góp phần quan trọng trong đấu tranh chính trị, pháp lý về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ, mà còn tham gia xây dựng, định hình các thể chế đa phương, từng bước phát huy vai trò hòa giải các vấn đề quốc tế, trong đó có ASEAN. Việc Việt Nam tổ chức thành công Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai vào tháng 2/2019, đảm nhiệm và hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021…

Phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN (26/4/2024), một sáng kiến của Việt Nam nhằm tạo ra khuôn khổ đối thoại mới về tương lai phát triển của ASEAN, có độ mở và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp người dân, bạn bè, đối tác của ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Việt Nam luôn coi ASEAN là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, an ninh, kinh tế, quốc phòng, luôn nỗ lực hết mình vì Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, có vai trò, vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới”.

Chủ trương này đã được thể hiện kiên định gần 30 năm qua và Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình vì mục tiêu này, đóng góp cho chặng đường phát triển mới của ASEAN.

Lê Nguyên Anh (tổng hợp)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/vi-the-viet-nam-sau-30-nam-gia-nhap-asean-156024.html
Zalo