Việt Nam gia nhập ASEAN: Dấu ấn ba thập kỷ song hành

Hành trình tham gia ASEAN tròn 30 năm qua là hành trang và kinh nghiệm quý báu để Việt Nam sáng tạo trong ý tưởng và bứt phá trong hành động, cùng ASEAN bước tiếp trong kỷ nguyên mới.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ hai từ phải), Tổng thư ký ASEAN cùng các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại cuộc họp kết nạp Việt Nam vào ASEAN tại Brunei, ngày 28/7/1995. (Nguồn: TTXVN)

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ hai từ phải), Tổng thư ký ASEAN cùng các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại cuộc họp kết nạp Việt Nam vào ASEAN tại Brunei, ngày 28/7/1995. (Nguồn: TTXVN)

Gắn bó trực tiếp, quan trọng hàng đầu

Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 tại Brunei. Thực tiễn 30 năm qua đã khẳng định chủ trương gia nhập ASEAN là một quyết sách đúng đắn, kịp thời, có ý nghĩa lịch sử và chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Gia nhập ASEAN đã giúp Việt Nam phá thế bị bao vây về kinh tế và cô lập về chính trị khi đó; giải quyết nhiều vấn đề tồn tại trong quan hệ với một số nước trong khu vực; chấm dứt tình trạng chia rẽ, đối đầu và xây dựng mối quan hệ mới về chất giữa các nước Đông Nam Á.

Trong bài phát biểu chính sách tại Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN khi thăm Ban thư ký ASEAN (10/3), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Từ khi bắt đầu mở cửa và hội nhập, chúng tôi luôn xác định ASEAN là cơ chế hợp tác đa phương gắn bó trực tiếp, quan trọng đối với Việt Nam”. Kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, “Việt Nam dành ưu tiên hàng đầu cho việc củng cố, tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, nỗ lực đóng góp hết sức vào xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và tự cường, qua đó khẳng định vị thế quốc tế với tư cách một thành viên của gia đình ASEAN”.

Điều đó được thể hiện rõ qua nhiều chính sách gắn với thực tiễn. Ngay sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó có việc thành lập Ủy ban quốc gia về ASEAN và Chỉ thị triển khai các hoạt động tham gia hợp tác khu vực.

Khi Hiến chương ASEAN có hiệu lực (tháng 12/2008), Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 31/1/2009 về Quy chế làm việc và phối hợp giữa các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN, nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp và chuẩn hóa hoạt động của các bộ, ngành theo quy định của Hiến chương.

Sau khi Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành vào ngày 31/12/2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về phương hướng và biện pháp Việt Nam tham gia ASEAN đến năm 2025, xác định rõ mục tiêu, định hướng và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác trong khuôn khổ Hiệp hội.

Để phát huy kết quả đạt được, nâng cao hiệu quả trong tham gia ASEAN, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 59-KL/TW ngày 8/8/2023 về định hướng tham gia ASEAN của Việt Nam đến năm 2030, trong đó nêu rõ: “ASEAN là cơ chế hợp tác đa phương gắn bó trực tiếp, quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam.

Việc tham gia ASEAN nhằm góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; tranh thủ tốt nhất các cơ hội, lợi ích từ hợp tác ASEAN và mạng lưới đối tác của ASEAN, nâng cao hơn nữa uy tín quốc tế, vai trò và vị thế chiến lược của Việt Nam trong quan hệ với đối tác, nhất là các nước lớn”.

Thúc đẩy đồng thuận, duy trì đoàn kết

Suốt ba thập kỷ đồng hành cùng ASEAN, Việt Nam luôn giữ vững tinh thần “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, đóng góp thiết thực vào quá trình trưởng thành và lớn mạnh của Hiệp hội.

Trọng tâm trong những đóng góp đó là nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong việc củng cố đoàn kết, thống nhất nội khối – yếu tố then chốt tạo nên sức sống, vị thế và khả năng thích ứng của ASEAN trước mọi biến động.

Tại Diễn đàn Tương lai ASEAN lần thứ hai vào tháng 2/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết bằng hình ảnh thân thuộc từ câu tục ngữ Việt Nam: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Theo Thủ tướng, đoàn kết, thống nhất là nhiệm vụ căn cốt để xây dựng một ASEAN độc lập, tự cường và vững bước trong tiến trình hội nhập, phát triển.

Việt Nam luôn kiên trì hiện thực hóa chủ trương này bằng cả thông điệp nhất quán và hành động cụ thể, xuyên suốt qua từng giai đoạn, từng cơ chế và từng sáng kiến. Là Chủ tịch ASEAN ba lần (1998, 2010 và 2020), Việt Nam đều để lại dấu ấn rõ nét, với đóng góp quan trọng trong nhiều văn kiện và thỏa thuận then chốt như Tầm nhìn ASEAN 2020, Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cùng các kế hoạch tổng thể và lộ trình xây dựng Cộng đồng.

Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn quan trọng với cách tiếp cận mang đậm tính nhân văn “lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu và động lực” trong tiến trình xây dựng Cộng đồng. Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 đã chính thức đưa định hướng bao trùm do Việt Nam khởi xướng thành tinh thần cốt lõi của Cộng đồng.

Trước những chuyển động ngày càng phức tạp, khó lường, Việt Nam kiên định cùng các nước ASEAN xây dựng đồng thuận và củng cố lập trường nguyên tắc của ASEAN trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Từ Biển Đông, Myanmar, Bán đảo Triều Tiên đến tình hình Trung Đông hay xung đột Nga - Ukraine, Việt Nam góp phần quan trọng thúc đẩy tiếng nói chung, ứng xử hài hòa và cân bằng của ASEAN với mục tiêu xuyên suốt là hòa bình, ổn định và an ninh cho khu vực và thế giới.

Năm 2025 đánh dấu tròn 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995-28/7/2025). (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Năm 2025 đánh dấu tròn 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995-28/7/2025). (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Kiến tạo không gian hợp tác, ASEAN là trung tâm

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 tại Malaysia hồi tháng Năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng thành công của ASEAN sẽ phụ thuộc vào khả năng bảo đảm không gian chiến lược độc lập và tự chủ trong triển khai các quyết sách ở khu vực. ASEAN cần tái khẳng định vai trò trung tâm không chỉ trên danh nghĩa mà bằng hành động.

Với tinh thần trách nhiệm, chủ động, kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam có nhiều sáng kiến và đóng góp quan trọng vào giữ vững các mục tiêu, nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội, góp phần duy trì vai trò chủ đạo của ASEAN đối với hòa bình và phát triển ở khu vực.

Việt Nam cũng để lại dấu ấn rõ nét trong việc thúc đẩy và mở rộng quan hệ giữa ASEAN với các đối tác. Khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam thúc đẩy mở rộng Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) để Nga và Mỹ tham gia. Theo sáng kiến của Việt Nam, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) được hình thành, với thành viên là các nước ASEAN và các đối tác. Việt Nam đảm nhận thành công vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc (2009-2012), ASEAN - EU (2012-2015), ASEAN - Ấn Độ (2015-2018) và ASEAN - Nhật Bản (2018-2021). Năm 2021, tổ chức Diễn đàn cấp cao ASEAN về hợp tác tiểu vùng vì tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững. Hiện nay, Việt Nam đang đảm nhận vai trò điều phối quan hệ ASEAN - New Zealand (2024-2027) và ASEAN – Anh (2022-2025).

Thời gian qua, với nguyên tắc nhất quán bảo đảm cân bằng, hài hòa và cùng có lợi, Việt Nam cùng các nước ASEAN thúc đẩy thành công tiến trình thiết lập và nâng cấp quan hệ giữa ASEAN với nhiều đối tác quan trọng, từ việc thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại với Anh, đến nâng cấp quan hệ với Australia, Ấn Độ, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada và Hàn Quốc. Mới đây, tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và Hội nghị cấp cao ASEAN – GC - Trung Quốc (Malaysia, ngày 27/5), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi mở nhiều ý tưởng mang tính bứt phá nhằm khai thác tiềm năng của không gian hợp tác chiến lược mới liên khu vực.

Nổi bật, triển khai sáng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong hai năm vừa qua, Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn Tương lai ASEAN, tạo ấn tượng sâu sắc về một không gian đối thoại cởi mở, bao trùm, kết nối giới hoạch định chính sách, học giả, chuyên gia, nghiên cứu trong và ngoài khu vực cho thấy nỗ lực thực tâm của Việt Nam trong tạo dựng một Diễn đàn thực sự dành riêng cho ASEAN và do ASEAN dẫn dắt.

Cùng bước tiếp trong kỷ nguyên mới

Chia sẻ với TG&VN gần đây, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về ASEAN của Thái Lan, ông Kavi Chongkittavorn nhận định rằng bước sang thập kỷ thứ tư trong ASEAN, những nỗ lực nổi trội của Việt Nam không hề có dấu hiệu chững lại, “các bạn đang nuôi dưỡng khát vọng rõ ràng trong việc cùng định hướng chương trình nghị sự khu vực”.

Như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Ban thư ký ASEAN: “Đứng trước khởi điểm lịch sử mới, Việt Nam và ASEAN cùng hướng tới những mục tiêu đầy khát vọng. Trong hành trình phát triển tiếp theo với những kỳ vọng mới đặt ra cho ASEAN, Việt Nam nhận thức rõ hơn trách nhiệm tham gia chủ động và đóng góp nhiều hơn cho công việc chung, với phương châm sáng tạo trong tư duy, đổi mới trong tiếp cận, linh hoạt trong triển khai, hiệu quả trong cách làm và quyết liệt trong hành động”.

Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về “hội nhập quốc tế trong tình hình mới” đã định vị hội nhập quốc tế là động lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình tới thịnh vượng, hùng cường. Do đó, tham gia ASEAN cũng đứng trước những yêu cầu mới, chủ động, trách nhiệm, sáng tạo hơn, sẵn sàng đóng góp nhiều hơn vào công cuộc xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh.

Bằng quyết tâm và kinh nghiệm đúc kết trong ba thập kỷ qua, Việt Nam tiếp tục chung tay cùng các nước ASEAN hiện thực hóa sứ mệnh lịch sử của ASEAN, lan tỏa các câu chuyện thành công của Hiệp hội.

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-gia-nhap-asean-dau-an-ba-thap-ky-song-hanh-322143.html
Zalo