Vị thế của Malaysia trong năm Chủ tịch ASEAN

Malaysia có thể tạo ra di sản lâu dài trong năm làm Chủ tịch ASEAN. vì năm 2025 sẽ chứng kiến biến động địa chính trị chưa từng có, đòi hỏi phải có sự điều hướng để vượt qua tình trạng bất ổn kinh tế.

Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Mohamad Alamin phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm ngày ASEAN. Ảnh: Thành Trung - PV TTXVN tại Malaysia

Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Mohamad Alamin phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm ngày ASEAN. Ảnh: Thành Trung - PV TTXVN tại Malaysia

Theo bài phân tích mới đây trên trang Fulcrum, Malaysia sẽ đảm nhận chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2025, tại một bước ngoặt mang tính lịch sử của tổ chức này. Năm tới có thể cũng sẽ chứng kiến biến động địa chính trị chưa từng có, đòi hỏi phải có sự điều hướng cẩn thận để vượt qua tình trạng bất ổn kinh tế.

Năm 2025 có thể được mô tả là một năm mang tính bước ngoặt trên ba mặt trận chính. Thứ nhất, năm 2025 đánh dấu năm cuối cùng của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 toàn diện và Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2025 tương ứng, theo trụ cột kinh tế của Cộng đồng. Cả hai kế hoạch này đều đã được triển khai từ năm 2016.

Ngoài ra, việc thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 - sẽ đặt ra tầm nhìn chiến lược cho khu vực trong 20 năm tới - cũng sẽ diễn ra vào thời điểm Malaysia dẫn dắt ASEAN. Malaysia đặc biệt đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình hình thành tầm nhìn sau năm 2025 với tư cách là đồng chủ tịch của Nhóm đặc nhiệm cấp cao cho Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, kể từ khi thành lập vào năm 2022. Trên hết, năm 2025 cũng được dự đoán sẽ xuất hiện những bất ổn lớn về kinh tế bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Theo chủ đề do nước chủ tịch đề xuất về tính bao trùm và bền vững, Malaysia đã công bố ý định tập trung vào 15 Mục tiêu kinh tế ưu tiên (PED), những mục tiêu sẽ củng cố các sáng kiến hội nhập kinh tế khu vực, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện hơn. Sẽ có một số thành tựu đáng chú ý dưới thời nước này làm chủ tịch. Những thành tựu sẽ bao gồm việc kết thúc thành công một số thỏa thuận cấp cao như các cuộc đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) cũng như các cuộc đàm phán Hiệp định khung về Kinh tế số (DEFA).

Các hiệp định thương mại được nâng cấp phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện tại, bao gồm việc tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực như biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, cũng như giải quyết việc loại bỏ hiệu quả hơn các rào cản phi thuế quan. Trong khi đó, DEFA sẽ hình thành cơ sở cho sự hợp tác khu vực được phối hợp chặt chẽ hơn trong các sáng kiến kinh tế số.

Malaysia cũng đã chỉ ra khuynh hướng mạnh mẽ trong việc tăng cường các sáng kiến tài chính khí hậu. Nước này có vị thế tốt để dẫn đầu khu vực trong các sáng kiến đó một cách hiệu quả, nhờ cách tiếp cận cân bằng đối với quan hệ thương mại và vị thế đã được khẳng định trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hơn nữa, Malaysia đã khẳng định mình là quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực tài chính trái phiếu Hồi giáo (sukuk) xanh, bao gồm đợt phát hành sukuk xanh đầu tiên trên thế giới vào năm 2017 để tài trợ cho việc xây dựng một nhà máy quang điện Mặt Trời ở Sabah. Kinh nghiệm của nước này trong lĩnh vực tài chính bền vững sẽ báo hiệu tốt cho hoạt động quản lý tài chính khí hậu của nước này.

Tuy nhiên, có những thách thức mới, cấp bách hơn ngay trước bước ngoặt lịch sử của ASEAN, đòi hỏi phải có các chiến lược giảm thiểu rủi ro nhanh chóng và hiệu quả. Nền kinh tế toàn cầu đã bị ảnh hưởng bởi làn sóng tăng thuế quan ban đầu dưới thời chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhiệm kỳ đầu tiên và kể từ đó đã trải qua tình trạng biến động liên tục khi phạm vi các biện pháp bảo hộ ngày càng mở rộng. Từ các hạn chế về đầu tư đến các hạn chế về giấy phép xuất khẩu cụ thể của công ty và việc mở rộng các quốc gia nguồn bị giám sát, bối cảnh thương mại đã thay đổi đáng kể và nằm ngoài các cấu trúc của cuộc chiến thuế quan ban đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hơn nữa, bất ổn đang gia tăng khi nhiều nền kinh tế Đông Nam Á bị liên lụy vào các biện pháp bảo hộ trực tiếp này có nguồn gốc từ Mỹ. Ví dụ, Malaysia, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất trong đợt áp thuế mới nhất đối với tấm pin Mặt Trời. Trong bối cảnh thương mại hiện nay, chiến lược ban đầu mà các công ty đa quốc gia sử dụng là chiến lược Trung Quốc+1 nhằm đa dạng hóa các hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ không còn phát huy tác dụng.

Chiến lược có thể cần được phát triển để bao gồm nhiều quốc gia ASEAN hơn so với một số ít quốc gia ban đầu được hưởng lợi nhiều từ sự đa dạng hóa thương mại này hoặc thậm chí tạo ra nhu cầu về chiến lược ASEAN+. Sự phân mảnh lớn hơn của chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có tác động tiêu cực không đáng có đến chi phí và hiệu quả thương mại.

Trong kịch bản này, việc tăng cường các cơ chế hội nhập kinh tế của ASEAN để hoạt động hiệu quả hơn nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Trong Khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2024, có một sự đồng thuận về vai trò ổn định của ASEAN khi bối cảnh kinh tế toàn cầu luôn biến động.

Bày tỏ đánh giá về khu vực nào tin tưởng nhất vào việc ủng hộ thương mại tự do, 29,7% số người được hỏi tin tưởng nhất vào ASEAN. Ngoài ra, 44,8% số người được hỏi cũng cảm thấy rằng phản ứng tốt nhất để giảm thiểu rủi ro từ căng thẳng thương mại địa chính trị là ASEAN tăng cường khả năng phục hồi và sự thống nhất. Tận dụng thế mạnh của chính ASEAN là chiến lược được các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) ưa chuộng. Hơn nữa, việc củng cố quyết tâm kinh tế của khu vực sẽ giúp ASEAN tăng cường vị thế của mình trong thời điểm bất ổn này.

Trong năm cuối cùng của Kế hoạch AEC, khi phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng này, nước Chủ tịch mới nên ưu tiên thúc đẩy các điều khoản có tác động trong các thỏa thuận kinh tế khu vực như nâng cấp thỏa thuận thương mại. Đặc biệt, việc loại bỏ tối đa các rào cản thương mại và đầu tư (cả ở biên giới và sau biên giới) phải là ưu tiên hàng đầu để chuyển đổi thực tế các mục tiêu khu vực sang bối cảnh trong nước. Khái niệm ASEAN-X, với yếu tố xây dựng năng lực đi kèm, cũng có thể giúp thúc đẩy các sáng kiến quan trọng nhằm giảm thiểu rủi ro hiệu quả hơn trong dài hạn.

Với sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên ASEAN, khái niệm này cho phép hai hoặc nhiều quốc gia tiến hành các nỗ lực tự do hóa mà không cần mở rộng nhượng bộ cho các quốc gia khác trong nhóm ngay từ đầu. Điều này có thể áp dụng cho các sáng kiến như khuôn khổ chuỗi cung ứng chất bán dẫn khu vực, nhằm mục đích tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và thúc đẩy các tiến bộ công nghệ.

Malaysia có vị thế độc nhất để có thể để lại di sản lâu dài trong năm làm Chủ tịch ASEAN. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Malaysia nên ưu tiên và triển khai các sáng kiến quan trọng để giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh kinh tế bất ổn hiện nay. Nước này cũng nên tìm cách duy trì sự sẵn sàng cho tương lai của ASEAN để nhóm có thể vượt qua vùng biển địa chính trị đầy biến động.

Đỗ Vân (P/v TTXVN tại Singapore)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/vi-the-cua-malaysia-trong-nam-chu-tich-asean/356742.html
Zalo