Vì sức khỏe cộng đồng

Đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kết hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm tại xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé).

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm tại xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé).

Lợi dụng nhu cầu sử dụng hàng hóa, thực phẩm của người dân ngày càng tăng, nhiều đối tượng đã tổ chức vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng, các mặt hàng không đảm bảo VSATTP... gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Trước tình hình đó, thanh tra, kiểm tra, giám sát được xem là một trong những hoạt động quan trọng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP).

Ông Hoàng Xuân Chiến, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh cho biết: Hàng năm, Chi cục chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên đề; đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan như: Công an, công thương, các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thanh, kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực ATTP. Từ năm 2024 đến nay, các đơn vị đã thực hiện kiểm tra, hậu kiểm, giám sát đối với 6.232 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, trong đó, số cơ sở đạt yêu cầu 5.965 cơ sở (chiếm 95,7%).

Nhờ làm tốt công tác thanh, kiểm tra, những năm gần đây, việc tuân thủ các quy định về VSATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh cơ bản được các chủ cơ sở thực hiện nghiêm. Đơn cử, năm 2024, Điện Biên diễn ra nhiều sự kiện lớn, điểm nhấn là Năm Du lịch quốc gia, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực... song cơ quan chức năng không ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm.

Theo ông Hoàng Xuân Chiến, thời điểm đó, ngành Y tế đã cùng các đơn vị liên quan tích cực chỉ đạo thực hiện hoạt động đảm bảo ATTP tại các nhà hàng, khách sạn. Đây là nơi lưu trú của các đại biểu Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, khách quốc tế, lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành; trong đó, giám sát trên 15.000 suất ăn, đảm bảo an toàn, không xảy ra các sự cố về ATTP. Việc này đã góp phần quan trọng vào thành công chuỗi các sự kiện lớn, trọng đại của đất nước, của tỉnh.

Bảo đảm VSATTP là yếu tố quan trọng mang tính quyết định bảo vệ sức khỏe nhân dân. Do đó, cùng với các hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, lực lượng chức năng cũng thường xuyên thanh tra liên ngành việc thực hiện các quy định về ATTP tại bếp ăn bán trú đối với các cơ sở giáo dục. Nhìn chung, các đơn vị được thanh tra cơ bản đã thực hiện nghiêm các quy định về VSATTP. Việc xây dựng kế hoạch, ký kết các hợp đồng thực phẩm, quản lý thực phẩm... đều được thực hiện đầy đủ, đúng quy trình.

Bà Vũ Thị Giang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Năm học 2024 - 2025, nhà trường có gần 200 học sinh thuộc 5 nhóm trẻ. Thực hiện các quy định về lĩnh vực VSATTP, trường đặc biệt lưu ý đến vấn đề lựa chọn và hợp đồng với các cơ sở cung cấp nguồn nguyên liệu cho bếp ăn có uy tín, có nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Bếp bán trú được thực hiện theo quy trình bếp ăn một chiều, có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ để chế biến, nấu ăn được vệ sinh sạch sẽ. Đội ngũ nhân viên nấu ăn có sức khỏe tốt, có kiến thức về sơ chế nấu ăn...

Dù có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên theo đánh giá của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh, các cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh hầu hết có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, mang tính thời vụ, phân tán không tập trung nên một số cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện ATTP. Ý thức chấp hành các quy định về ATTP của một số cơ sở thực phẩm chưa cao. Một số cơ sở kinh doanh thực phẩm chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật, còn vi phạm các quy định về điều kiện đảm bảo ATTP. Do đó, năm 2024, trong số 5.965 cơ sở được thanh tra, kiểm tra, còn 267 cơ sở không đạt yêu cầu về ATTP.

Nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị kinh doanh thực phẩm ẩm mốc, hết hạn sử dụng, thực hiện không đúng quy định về lưu mẫu thức ăn; bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không đảm bảo vệ sinh; nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; người tham gia chế biến không mặc trang phục bảo hộ lao động... Cơ quan chức năng đã ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền gần 450 triệu đồng; tiêu hủy nhiều sản phẩm thực phẩm không đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng với trị giá hàng tiêu hủy trên 30 triệu đồng.

Đảm bảo VSATTP là công việc hết sức khó khăn. Bởi để làm tốt được công tác này, không chỉ cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên ngành mà ý thức, trách nhiệm của người tiêu dùng trong đảm bảo vệ sinh thực phẩm vẫn là chính.

Ông Hoàng Xuân Chiến cho biết, để đảm bảo VSATTP, ngoài nỗ lực của các ngành chức năng, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cần tự giác thực hiện nghiêm quy định pháp luật trong lĩnh vực ATTP. Đối với người dân, hãy là những người tiêu dùng thông thái, không ngừng nâng cao kiến thức; đồng thời, kiên quyết tẩy chay những sản phẩm không bảo đảm ATTP để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và toàn xã hội.

Bài, ảnh: Văn Quyết

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/y-te/vi-suc-khoe-cong-dong
Zalo