Vì sự an toàn của nhân dân
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thay thế cho Nghị định số 100/2020 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Theo đó, nhiều lỗi vi phạm giao thông sẽ tăng mức phạt gấp nhiều lần so với trước, trong đó có những lỗi tăng gấp 36-50 lần. Đây được coi là giải pháp 'đột phá' nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) và xây dựng văn hóa giao thông trong nhân dân.
Tối 31-12-2024, Bộ Công an đã có thống kê về số vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trong năm 2024. Theo đó, toàn quốc xảy ra 21.532 vụ TNGT đường bộ, làm chết 9.954 người, bị thương 16.044 người. Qua phân tích cho thấy, nguyên nhân chính xảy ra TNGT là do đã sử dụng rượu, bia mà tham gia giao thông, đi không đúng phần đường, làn đường, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều...
Thực tế cho thấy, việc tùy tiện khi tham gia giao thông, coi thường pháp luật về TTATGT, nhất là quy tắc giao thông là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn và những cái chết thương tâm không đáng có. Vì vậy, việc tăng nặng mức phạt tiền với các hành vi và nhóm hành vi vi phạm quy tắc giao thông, vi phạm quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực TTATGT và kèm theo là các hình thức xử lý nghiêm như: tịch thu phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn, trừ điểm giấy phép lái xe… quy định tại Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ là một trong những biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, giúp giảm thiểu vi phạm giao thông, giảm thiểu nguy cơ xảy ra TNGT và thiệt hại do TNGT gây ra.
Điều đáng mừng là sau khi Nghị định số 168 được ban hành, đông đảo người dân trên cả nước rất đồng tình với mức phạt mới này, bởi ai cũng cho rằng, đây là việc làm thể hiện sự răn đe, phòng ngừa, cảnh tỉnh đối với những ai vi phạm các lỗi dễ dẫn đến TNGT, gây hậu quả xấu cho xã hội. Bởi những hành vi như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều trên cao tốc, chở hàng hóa cồng kềnh không tuân thủ quy định, mở cửa xe không đảm bảo điều kiện an toàn hoặc lạng lách, đánh võng, điều khiển xe bằng chân, chạy quá tốc độ đuổi nhau, vi phạm nồng độ cồn... đều có thể gây ra TNGT cao, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho người khác và gây mất ổn định trật tự an toàn xã hội.
Những quy định mới này còn xuất phát từ thực tiễn triển khai công tác bảo đảm TTATGT, với mục tiêu cao nhất là nâng cao ý thức và trách nhiệm khi lái xe của người dân, từ đó phòng ngừa và kéo giảm tai nạn, đảm bảo TTATGT. Thực tiễn khi triển khai Nghị định số 100 của Chính phủ đã khẳng định, chỉ có phạt cao mới tạo ra ý thức chấp hành, từ đó thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng văn hóa giao thông. Bởi với số tiền phạt lớn, sẽ tác động tiêu cực lớn đến thu nhập, đời sống của người lao động, để không bị xử phạt, họ phải cố gắng lái xe thật chỉn chu, cẩn trọng và thượng tôn pháp luật.
Và, khi đã có hành lang pháp lý đủ tính răn đe, quá trình thực thi cần đảm bảo minh bạch, thấu tình đạt lý, nhất là phải tăng cường các yếu tố khoa học - công nghệ để người vi phạm nhận ra lỗi của mình với tinh thần “tâm phục, khẩu phục”. Tuy nhiên, để Nghị định số 168 đi vào cuộc sống và nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về các mức phạt mới, giúp người dân hiểu, nghiêm chỉnh chấp hành, tránh vi phạm để bị xử phạt với các mức cao này, ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát lực lượng thực thi công vụ, tránh tình trạng tiêu cực khi xử phạt người vi phạm.