Vì sao Vinatex (VGT) muốn chuyển nhượng toàn bộ 4,5 triệu cổ phần Dệt may Liên Phương?

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã VGT) mới thông qua phương án chuyển nhượng vốn thuộc sở hữu của Tập đoàn đầu tư tại CTCP Dệt may Liên Phương.

Chuyển nhượng toàn bộ 4,5 triệu cổ phần

Theo đó, Vinatex sẽ chuyển nhượng toàn bộ 4,5 triệu cổ phần, chiếm 19,11% vốn điều kiện thực góp của CTCP Dệt may Liên Phương. Giá khởi điểm để chào bán cạnh tranh là 12.000 đồng/cổ phần.

Vinatex sẽ chào bán cạnh tranh cho dưới 100 nhà đầu tư quan tâm có sự cạnh tranh về giá thông qua công ty chứng khoán. Thời gian dự kiến triển khai từ tháng 9/2024. Tạm tính theo giá khởi điểm mà Vinatex đưa ra, Tập đoàn có thể thu về tối thiểu 54 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi Dệt may Liên Phương.

Theo tìm hiểu, Dệt may Liên Phương được thành lập năm 1960, nằm tại số 18 đường Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B, TP. Thủ Đức, TP.HCM. Công ty sở hữu hơn 40.000m2 nhà xưởng trong khuôn viên rộng gần 80.000m2, sở hữu chuỗi dây chuyền sản xuất vải len chải kỹ khép kín từ công đoạn sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất và may mặc, bao gồm các thiết bị, công nghệ hiện đại, tân tiến đến từ các nước Đức, Ý, Bỉ, Nhật,…

Năm 2023, Dệt may Liên Phương mang về 815,9 tỷ đồng tổng doanh thu hợp nhất và lỗ sau thuế 51,2 tỷ đồng. Năm 2024, Công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất là 800 tỷ đồng và lỗ trước thuế 4,5 tỷ đồng.

Vào năm 2022, Vinatex cũng từng thông báo về kế hoạch thoái vốn 4,5 triệu cổ phần Dệt may Liên Phương với giá khởi điểm tại thời điểm đó là 19.800 đồng/cổ phần nhưng không thành. Đến nay Vinatex đã tiếp tục thực hiện thoái vốn Dệt may Liên Phương với mức giá chào bán thấp hơn 39% so với 2 năm trước.

Vinatex muốn thoái vốn tại nhiều đơn vị thành viên, vì sao?

Vào tháng 8, Vinatex cũng thông báo việc chào bán hơn 2,81 triệu cổ phần CTCP Tổng Công ty May Đồng Nai (Donagamex) đang nắm giữ, tương ứng 25,7% vốn, cho dưới 100 nhà đầu tư với giá khởi điểm 35.000 đồng/cổ phần. Thời gian triển khai từ quý III/2024. Dự kiến Vinatex thu về tối thiểu 98 tỷ đồng sau khi thoái vốn thành công.

Donagamex được chuyển đổi từ Công ty May Đồng Nai, doanh nghiệp Nhà nước thuộc Tổng Công ty Dệt may Việt Nam; hoạt động chính là sản xuất, kinh doanh hàng may mặc các loại; kinh doanh các thiết bị, phụ tùng và các sản phẩm của ngành dệt may. Hiện, Donagamex có 3 công ty con và 1 công ty liên kết.Vốn điều lệ của Donagmex gần 109.4 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2017-2020, Donagamex ghi nhận tăng trưởng bình quân 20% về doanh thu và 80% về lợi nhuận trước thuế, riêng doanh thu 2020 đạt đỉnh 1,495 tỷ đồng và lãi trước thuế 90 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.

Giai đoạn 2021-2023, tình hình kinh doanh Donagamex trồi sụt lên xuống, thậm chí lỗ trước thuế hơn 30 tỷ đồng vào năm 2023, mức thấp nhất gần thập kỷ qua, trong khi năm 2022 vẫn có lãi 17 tỷ đồng.

Tại cuối năm 2023, tổng tài sản của Donagmex đạt gần 333 tỷ đồng, trong đó gửi ngân hàng 70 tỷ đồng và tồn kho gần 55 tỷ đồng. Đối ứng, nợ phải trả gần 163 tỷ đồng, riêng vay ngân hàng chiếm hơn 89 tỷ đồng. Công ty ghi nhận lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2023 gần 29 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 31/12/2023, quy mô tài sản của Donagamex là 332,9 tỷ đồng, bao gồm: tiền mặt và tiền gửi ngân hàng 70,3 tỷ đồng; hàng tồn kho 54,2 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn 76,4 tỷ đồng, chủ yếu là khoản đầu tư vào Cụm công nghiệp Hưng Lộc...

Đáng chú ý, tài sản cố định hữu hình của công ty đã ghi nhận khấu hao 85%, còn lại 55,3 tỷ đồng.Số tài sản trên được hình thành từ 170 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 162,9 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó nợ vay chiếm khoảng 50%.

Với mức chào bán trên 35.000 đồng/cp, Vinatex đang định giá Donagamex ở mức 382,8 tỷ đồng, gấp 2,3 lần giá trị sổ sách.

Trước đó, tháng 5/2024, VGT đã chính thức thông qua kế hoạch thoái vốn tại 8 đơn vị thành viên, trong đó có Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Tân Châu, Công ty CP Sản xuất - Xuất nhập khẩu Dệt may (VTI), Công ty CP Vinatex Đà Nẵng (VDN), Công ty CP Dệt lụa Nam Định, Công ty CP May Nam Định, Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (MDN), Công ty CP May Bình Minh (BMG), và Tổng Công ty Nhà Bè - CTCP (MNB).

Đáng chú ý, VGT quyết định bán toàn bộ 100% vốn góp tại Công ty CP May Bình Minh (BMG). Hiện tại, VGT sở hữu 1.323.000 cổ phiếu BMG, chiếm 25% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Dự kiến, số cổ phiếu này sẽ được chào bán ra công chúng ngay sau khi nhận được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về hồ sơ phát hành.

Theo kế hoạch, 1,3 triệu cổ phiếu BMG sẽ được bán đấu giá công khai với giá khởi điểm 43.700 đồng/cổ phiếu, cao gấp đôi so với giá thị trường hiện tại của cổ phiếu May Bình Minh, khoảng 20.300 đồng. Thương vụ này dự kiến mang về cho Vinatex khoảng 58 tỷ đồng.

Về phía Vinatex, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần ghi nhận gần 8.084 tỷ đồng đạt 45,2% mục tiêu doanh thu năm, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 283 tỷ đồng, hoàn thành 51,5% kế hoạch kinh doanh cả năm.

Tính đến ngày 30/6/2024, VGT ghi nhận tổng tài sản giảm nhẹ 0,8%, còn gần 18.923 tỷ đồng. Trong đó, khoản mục tiền và tương đương tiền, khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận tăng nhẹ lần lượt 8% và 6,2%. Hàng tồn kho tăng nhẹ 6,5% trong khi khoản phải thu ngắn hạn giảm nhẹ 6,1% so với thời điểm đầu năm.

Tại bảng cân đối kế toán, VGT ghi nhận vốn chủ sở hữu giảm nhẹ 2,5%, còn hơn 8.892 tỷ đồng, chủ yếu do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Tập đoàn giảm khá 38,5%.

Nợ phải trả tăng nhẹ so với thời đầu năm, trong đó phải trả người bán ngắn hạn tăng 17,6%. Ở chiều ngược lại, các khoản vay nợ thuê tài chính ngắn/dài hạn ghi nhận giảm nhẹ.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/9, cổ phiếu VGT đang trên đà giảm còn 14.000 đồng/CP.

Trung Hiếu

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/vi-sao-vinatex-vgt-muon-chuyen-nhuong-toan-bo-45-trieu-co-phan-det-may-lien-phuong-78093.html
Zalo