Vì sao Việt Nam không ban bố tình trạng khẩn cấp trong đợt dịch bùng phát thứ 4?
Mặc dù Việt Nam không áp dụng biện pháp khẩn cấp nhưng vẫn thành công trong phòng, chống dịch là do 'ý Đảng lòng dân gặp nhau', xuất phát từ mục tiêu nhất quán, xuyên suốt là đặt tính mạng, sức khỏe của người dân trên hết.
Tại tọa đàm "Nhìn lại 2021 - Những chuyển hướng chiến lược" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 4/1, Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM và các tỉnh phía Nam đã lý giải vì sao Việt Nam không ban bố tình trạng khẩn cấp mà điều động một lực lượng chưa có tiền lệ (cả y tế, quân đội, công an) vào Nam chống dịch trong bối cảnh đợt bùng phát thứ 4 của dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp.
Đề nghị cân não
Theo Trung tướng Ngô Minh Tiến, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 tại TPHCM và các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, biến chủng Delta lây lan rất nhanh và sâu trong cộng đồng, đặc biệt là số ca tử vong ngày càng tăng nhanh.
TPHCM với trên 10 triệu dân và các tỉnh phía Nam lúc này tình hình đã quá sức đối với các địa phương nên đề nghị Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, áp dụng các biện pháp theo luật định nhằm kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.
“Đây là đề nghị hết sức cân não, không chỉ cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ mà còn cho các cơ quan, bộ, ngành, chức năng” – Trung tướng Ngô Minh Tiến cho biết.
Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ nhận thấy có mấy vấn đề cần phải quan tâm sau nhiều lần họp và làm việc trực tiếp với các địa phương, nhất là các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước về công tác phòng chống dịch, và thực tế trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Cụ thể là, nếu áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam thì sẽ rất khó khăn cho công tác kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, bởi với thành phố đông dân, không có lực lượng nào có thể bảo đảm được việc giãn cách xã hội, phường giãn cách phường, nhà giãn cách nhà.
Bên cạnh đó là vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là nhu yếu phẩm cho người dân; hệ thống y tế của TP.HCM và các tỉnh phía Nam không đủ sức để bảo đảm phân tầng điều trị và giải quyết các vấn đề về xét nghiệm và chữa trị cho các bệnh nhân theo phân tầng điều trị như hướng dẫn của Bộ Y tế.
Mặc dù đề nghị của địa phương cũng có lý do, chưa kể, nếu như áp dụng các biện pháp khẩn cấp để kiểm soát dịch bệnh thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, tình cảm của người dân lúc bấy giờ, có thể tác động xấu đến dư luận của khu vực và quốc tế. Đặc biệt, nếu Việt Nam ban bố tình trạng khẩn cấp thì các thế lực thù địch sẽ lợi dụng xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch.
Trên cơ sở cân nhắn và phân tích các yếu tố, sự tham mưu của Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng, bám sát vào mục tiêu đặt ra, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, Thủ tướng đã ra quyết định rất kịp thời, sáng suốt, quyết đoán, tức là sử dụng một lực lượng có lựa chọn, chủ yếu là y tế, quân đội, công an để chi viện cho các tỉnh phía nam tham gia phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành, chức năng, nòng cốt là Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã điều động một lực lượng, phương tiện lớn chưa có tiền lệ kể từ sau khi kết thúc chiến tranh đến nay để chi viện cho miền Nam tham gia chống dịch. Tất cả các lực lượng đều hăng hái lên đường chi viện cho miền Nam với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.
“Đây chính là quyết định có yếu tố bước ngoặt. Sau đó chỉ trong vòng 3 tháng (trong khi đối với các nước văn minh, có tiềm lực về kinh tế, tiềm lực về vaccine thông thường phải mất từ 6- 9 tháng), chúng ta đã từng bước kiểm soát, ổn định tình hình dịch bệnh ở TPHCM và các tỉnh phía Nam. Hiện nay chúng tôi đang tổng kết rút kinh nghiệm và rút ra 8 bài học kinh nghiệm, trong đó quyết định không ban bố tình trạng khẩn cấp mà còn áp dụng biện pháp mạnh hơn tất cả biện pháp khẩn cấp sẽ giúp chúng ta đạt được cả về vấn đề chính trị, vấn đề kiểm soát dịch bệnh, kinh tế trong đó nữa. Theo đó mục tiêu kép vẫn đạt. Đây là sáng suốt và thành công lớn trong quyết định chỉ đạo phòng chống dịch vừa rồi” - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam nhấn mạnh.
Ý Đảng - lòng dân
Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo công tác phòng chống dịch trên địa bàn TPHCM và các tỉnh phía nam, Trung tướng Ngô Minh Tiến cho biết, bài học đầu tiên phải kể đến sự chỉ đạo xuyên suốt từ Ban Chấp hành Trung ương đến Chính phủ và các bộ, ngành chức năng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đặc biệt là sự ủng hộ rất quan trọng của các doanh nghiệp.
Mặc dù Việt Nam không áp dụng biện pháp khẩn cấp nhưng vẫn thành công trong phòng, chống dịch là do “ý Đảng lòng dân gặp nhau”, xuất phát từ mục tiêu nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là đặt tình mạng, sức khỏe của người dân trên hết, trước hết.
Tất cả các biện pháp để kiểm soát dịch mặc dù có hạn chế quyền con người, quyền công dân nhưng người dân thấy mục đích này không phải vì chính quyền, Nhà nước, hệ thống chính trị mà trước hết vì dân nên người dân đồng lòng ủng hộ
“Nếu không có người dân đồng lòng ủng hộ với những quyết sách của Chính phủ, sự chỉ đạo của các bộ, ngành chức năng, thì sẽ không thể thành công trong cuộc chống dịch vừa rồi” – Trung tướng Ngô Minh Tiến cho biết.
Trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM và các tỉnh phía Nam hơn 3 tháng, Trung tướng Ngô Minh Tiến chia sẻ, ông cảm nhận rõ lòng yêu nước, sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam, mỗi lúc khó khăn thì muôn người như một đều tập trung cho mục tiêu cao cả nhất. Lúc ấy không kể phân biệt giàu nghèo, không kể là người ở TP.HCM hay các tỉnh, đều có lòng nhân ái tương trợ giúp đỡ lẫn nhau.
Có rất nhiều người trực tiếp đóng góp, có những cá nhân ủng hộ hàng nghìn tấn gạo… Lòng tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn là một truyền thống của dân tộc đã thể hiện rất sinh động ở TPHCM, địa bàn các tỉnh phía Nam trong thời gian qua.
Ấn tượng với sự chỉ đạo thống nhất của các bộ ngành chức năng và sự phối hợp có hiệu quả của hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính trị cơ sở, Trung tướng Ngô Minh Tiến cho biết, tất cả các cơ quan ban ngành, đoàn thể vào cuộc, không kể mình làm gì, miễn huy động là làm. Có người F0 vừa điều trị xong đã tình nguyện ra làm, và đều vì mục tiêu chung.
“Bất luận trong công việc gì, nếu như đặt lợi ích của người dân, tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết và người dân đồng tình ủng hộ thì khó khăn thế nào chúng ta cũng thành công chứ không chỉ trong phòng, chống dịch. Thông qua phòng chống dịch vừa rồi, mỗi ngành sẽ có một kinh nghiệm riêng. Theo tôi, có rất nhiều kinh nghiệm xuất phát từ truyền thống của dân tộc”- Trung tướng Lê Minh Tiến nói./.