Vì sao Ukraine không thể 'đơn độc' đối phó Nga dù sản xuất vũ khí với mức độ kỷ lục?

Trong những năm đầu tiên của cuộc xung đột, Ukraine đã phụ thuộc rất nhiều vào các loại vũ khí phương Tây để trang bị cho lực lượng của họ. Hiện giờ khi giao tranh ngày càng ác liệt, ngành công nghiệp quốc phòng của nước này đang nỗ lực sản xuất vũ khí với mức độ lớn chưa từng có.

Ukraine sản xuất vũ khí với mức độ kỷ lục

Khi Nga bắt đầu phát động chiến dịch quân sự đặc biệt năm 2022, Ukraine chỉ có duy nhất pháo tự hành Bohdana do nước này tự sản xuất. Nhưng đến năm 2024, Kiev tuyên bố đã sản xuất các hệ thống pháo với số lượng nhiều hơn tất cả các quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gộp lại.

Binh sỹ Ukraine gặp nhiều thách thức do thiếu đạn dược. Ảnh: Getty

Binh sỹ Ukraine gặp nhiều thách thức do thiếu đạn dược. Ảnh: Getty

Ước tính, giá trị vũ khí mà ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine có thể sản xuất đã tăng vọt từ 1 tỷ USD năm 2022 lên 35 tỷ USD trong thời điểm hiện tại, ngay cả khi Nga tiến hành tấn công ồ ạt vào các nhà máy của nước này.

Trong bối cảnh sự hỗ trợ từ Mỹ và châu Âu ngày một suy giảm, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với khả năng duy trì hoạt động của quân đội trong cuộc chiến với Nga, cũng như gia tăng khả năng phòng thủ và tự vệ của Kiev trong trường hợp các bên đạt được thỏa thuận hòa bình.

Càng tự sản xuất được nhiều vũ khí, Ukraine càng ít bị ảnh hưởng trước những thay đổi của tình hình chính trị quốc tế hoặc những thách thức trong chuỗi cung ứng xuyên biên giới. Nước này coi ngành công nghiệp quốc phòng là một trong những nguồn thu nhập chính cho nền kinh tế đang suy thoái và Kiev cũng đang kỳ vọng sẽ trở thành một trong những nhà cung cấp vũ khí của phương Tây hậu xung đột.

"Ukraine sẽ luôn cần vũ khí mạnh mẽ do chính mình tự sản xuất để trở thành một quốc gia hùng mạnh", Tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh.

Tổng thống Zelensky cho biết hơn 40% vũ khí được sử dụng ở tuyến đầu với Nga hiện được sản xuất tại Ukraine. Ở một số lĩnh vực, chẳng hạn như phương tiện không người lái trên không, trên biển và trên mặt đất cũng như lĩnh vực tác chiến điện tử, con số này gần bằng 100%. Ngoài các loại vũ khí tiên tiến, các doanh nghiệp quốc phòng Ukraine cũng đang chế tạo số lượng lớn các loại vũ khí truyền thống như hệ thống pháo binh, xe bọc thép, mìn và đạn dược các loại.

Rob Lee, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại cho hay: “Ở các nước phương Tây, những sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính hoặc nhân viên CNTT giỏi nhất đối mặt với rất nhiều sự cạnh tranh. Còn tại Ukraine, phần lớn những kỹ thuật viên ưu tú nhất đã chuyển sang làm trong lĩnh vực quốc phòng”.

Vì sao Ukraine vẫn khó đối phó Nga?

Nhưng ngay cả khi khôi phục ngành quốc phòng, tăng cường sản xuất vũ khí trong nước, Ukraine vẫn khó đối phó với các cuộc tấn công của Nga. Kiev không thể sản xuất đủ đạn dược để duy trì hoạt động của các hệ thống pháo hay hệ thống phòng không cũng như không có đủ tên lửa đánh chặn cần thiết để chống lại tên lửa Nga.

Dù việc sản xuất vũ khí được thúc đẩy mạnh mẽ nhưng ngân sách của Ukraine lại khá eo hẹp. Năm nay, chính phủ nước này chỉ có thể mua chưa đến một nửa số vũ khí mà các nhà doanh nghiệp quốc phòng sản xuất, ông Oleksandr Kamyshin, cố vấn của Tổng thống Zelensky cho biết.

“Thật buồn khi bạn không thể sản xuất và không có gì để chiến đấu. Nhưng điều thất vọng hơn là bạn có khả năng sản xuất, song lại không thể tài trợ cho việc mua sắm”, ông Oleksandr Kamyshin nói.

Để khai thác năng lực dự phòng của Ukraine, một số chính phủ phương Tây đang tài trợ cho việc mua vũ khí từ các công ty quốc phòng Ukraine theo cái gọi là “mô hình Đan Mạch” - thay vì cung cấp vũ khí phương Tây cho Kiev, họ cung cấp kinh phí để mua vũ khí từ các nhà sản xuất quốc phòng Ukraine. “Đầu tư trực tiếp vào các công ty này có thể là cách sử dụng tốt nhất các nguồn lực sẵn có nhằm thay đổi cán cân sức mạnh trên chiến trường”, nhà phân tích Rob Lee lưu ý.

Cuộc xung đột tại Ukraine đã trở thành nơi thử nghiệm một loạt vũ khí mới, cung cấp cho các nước NATO những bài học giá trị về cách chúng hoạt động trong trận chiến. Ukraine đã thừa hưởng nhiều loại vũ khí từ thời Liên Xô nhưng khả năng sản xuất các loại vũ khí này nhanh chóng suy giảm.

Một công ty tư nhân đã phát triển pháo tự hành Bohdana vào năm 2016, nhưng không nhận được đơn đặt hàng nào trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự, ông Vitaliy Zagudaiev - tổng giám đốc Nhà máy chế tạo máy công cụ hạng nặng Kramatorsk cho biết. Sau khi xung đột nổ ra vào năm 2022, Kramatorsk đã được yêu cầu tháo dỡ nguyên mẫu duy nhất do nỗi lo ngại về việc hệ thống này sẽ bị chiếm giữ.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Zagudaiev lại nhận được chỉ thị lắp ráp lại hệ thống pháo để sử dụng ở tuyến đầu. Được triển khai cùng với pháo tự hành Caesar do Pháp chế tạo, Bohdana đã tấn công các vị trí của Nga trên Đảo Rắn ở Biển Đen, buộc Moscow phải từ bỏ khu vực này vào mùa hè đầu tiên của cuộc chiến.

Kramatorsk đã nhận được hàng loạt đơn đặt hàng hệ thống pháo Bohdana. Nhưng do nằm ở miền Đông Ukraine nên nhà máy này thường xuyên nằm trong tầm ngắm của Nga. Lo ngại hỏa lực bắn phá của đối phương, công nhân nhà máy bắt đầu di dời trang thiết bị sản xuất đến các cơ sở mới ở phía tây đất nước. Nhưng trước đó hơn một nửa số trang thiết bị của họ đã bị phá hủy, khiến thời gian giao hàng bị kéo dài. Để khắc phụ tình trạng này, công ty Kramatorsk đã tự sản xuất thiết bị và khôi phục dây chuyền lắp ráp.

Hoạt động sản xuất được phân tán để giảm thiểu tác động từ các cuộc tấn công của Nga. Nếu một cơ sở bị tập kích, các cơ sở khác vẫn có thể tiếp tục sản xuất. Do quá trình sản xuất được thực hiện 24/24, sản lượng pháo Bohdana đã sớm bắt kịp nhu cầu sử dụng. Hệ thống pháo Bohdana thường được lắp ráp vào phút cuối để giảm thiểu khả năng bị nhắm mục tiêu trước khi chuyển đến tiền tuyến.

Ông Zagudaiev cho biết, nhà máy hiện đang sản xuất hơn 20 khẩu Bohdana mỗi tháng. Trong khi đó Nga có thể sản xuất khoảng 40 khẩu pháo mỗi tháng, nghiên cứu của Viện Kiel cho biết.

“Một trong những bài học rút ra từ cuộc chiến này là nhu cầu rất lớn về các hệ thống pháo. Bạn không chỉ cần những hệ thống tinh vi mà còn phải đủ khả năng duy trì sản xuất để trụ vững trong một cuộc chiến cường độ cao”, chuyên gia Rob Lee nhấn mạnh.

Những hệ thống pháo như Archer do Thụy Điển chế tạo hoặc lựu pháo Panzer 200 của Đức có hệ thống điện tử tinh vi hơn nhưng lại mất rất nhiều thời gian để sản xuất và có giá thành đắt đỏ. Trong khi đó, pháo tự hành Bohdana tự hành có giá 2,8 triệu USD rẻ hơn nhiều so với hệ thống pháo Archer có giá 8,76 triệu euro hoặc Caesar có giá khoảng 4 triệu euro.

Hơn nữa, Bohdana rất dễ sửa chữa và bảo dưỡng. “Bất kỳ bộ phận nào cũng có sẵn trong vòng 24 giờ. Chúng tôi có các lữ đoàn cơ động làm việc trên toàn bộ tiền tuyến để thay thế kinh kiện và sửa chữa bất cứ khi nào cần”, ông Zagudaiev nhấn mạnh.

Khoảng 85% các bộ phận của Bohdana hiện được sản xuất tại Ukraine, trong đó có cả nòng súng, bị hao mòn theo thời gian. Ông Zagudaiev cho biết, nhà máy đang phát triển khung gầm riêng cho hệ thống để giảm thêm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Năm 2024, nhà máy đã bắt đầu sản xuất một khẩu pháo kéo, rẻ hơn phiên bản tự hành và hữu ích trong quốc phòng.

Việc chế tạo hệ thống pháo Bohdana cho thấy ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine đã có những bước tiến vượt bậc. Nhưng những nỗ lực sản xuất đạn 155mm theo tiêu chuẩn NATO vẫn còn gặp nhiều trở ngại.

Công ty tư nhân Armor của Ukraine đã thành lập một cơ sở sản xuất đạn cỡ 155mm với giấy phép và bản vẽ do Tập đoàn Czechoslovak chuyển giao, ngoài ra còn cung cấp thuốc phóng, ngòi nổ và mồi nhử cho quân đội Ukraine.

Công ty đã lên kế hoạch sản xuất 100.000 viên đạn 155mm trong năm nay và 300.000 viên vào năm 2026. Tuy nhiên, dự án đang bị hoãn lại vì công ty chưa nhận được tiền tài trợ từ chính phủ, giám đốc điều hành Armor, ông Vladyslav Belbas cho biết.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Wall Street Journal

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vi-sao-ukraine-khong-the-don-doc-doi-pho-nga-du-san-xuat-vu-khi-voi-muc-do-ky-luc-post1200346.vov
Zalo