Vì sao trời lạnh lại gia tăng bệnh nhân đột quỵ?

Miền Bắc đang trải qua mùa đông lạnh giá. Nhiệt độ ngoài trời giảm khá sâu và thay đổi đột ngột trong ngày đang dẫn đến gia tăng các trường hợp đột quỵ. Theo một nghiên cứu cho thấy, nếu nhiệt độ thay đổi 3 độ C thì tỷ lệ đột quỵ tăng 6%.

Đó là thông tin được đề cập tại Hội nghị khoa học toàn quốc về Đông- Tây y kết hợp trong phòng chống đột quỵ não và phục hồi chức năng sớm do Hội Đông y Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội.

Tại các Trung tâm điều trị đột quỵ lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108… thời gian gần đây, số trường hợp nhập viện do đột quỵ tăng khoảng 20%. Thời tiết lạnh giá không chỉ gây co thắt mạch máu làm tăng huyết áp, mà còn làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến nguy cơ đột quỵ do xuất huyết não và nhồi máu não. Đặc biệt, thói quen tắm khuya đang khá phổ biến đã trở thành nguyên nhân gây ra nhiều trường hợp đáng tiếc.

Hội nghị khoa học toàn quốc về Đông- Tây y kết hợp trong phòng chống đột quỵ não và phục hồi chức năng sớm

Hội nghị khoa học toàn quốc về Đông- Tây y kết hợp trong phòng chống đột quỵ não và phục hồi chức năng sớm

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đột quỵ- tim mạch Cần Thơ cho biết: “Từ nóng chuyển sang lạnh, làm cho cơ thể con người bị co mạch ngoại vi, làm gia tăng thụ động lưu lượng tuần hoàn lên các cơ quan sâu như não và tim. Nếu cơ thể chúng ta có bệnh lý nền như tăng huyết áp hoặc phình mạch máu não thì nguy cơ vỡ túi phình rất cao. Do vậy, trong giai đoạn đầu mùa Đông, các bác sĩ điều trị đột quỵ rất bận bịu với tình trạng gia tăng xuất huyết não".

Khi bị đột quỵ, cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt để can thiệp kịp thời. Việc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để điều trị đột quỵ thường chỉ có tác dụng trong 4-5h đầu sau khi có các triệu chứng méo miệng, nói ngọng, liệt chân-tay. Bên cạnh đó, y học cổ truyền có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phòng ngừa, giảm nguy cơ mắc bệnh và hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ não.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đột quỵ- tim mạch Cần Thơ

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đột quỵ- tim mạch Cần Thơ

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam chia sẻ: “Một trong những nguyên nhân gây đột quỵ là cơ thể bị nhiễm lạnh đột ngột. Không nên tắm quá muộn vào buổi tối. Nếu không phòng chống lạnh thì có thể bị đột quỵ bất cứ khi nào, nhất là có các yếu tố nguy cơ như uống rượu, tăng huyết áp không được kiểm soát, đái tháo đường không được kiểm soát, máu nhiễm mỡ cao... Nếu không may bị đột quỵ não thì sau điều trị, các phương pháp tập luyện dưỡng sinh của đông y, dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc thì sẽ rất hiệu quả…”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam

Đột quỵ não là bệnh đứng thứ 3 thế giới về tỉ lệ tử vong và là nguyên nhân chính gây tàn phế, di chứng nặng nề. Các chuyên gia khuyến cáo cần giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ trong mùa lạnh; Lưu ý việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây sốc nhiệt. Khi tham gia hoạt động thể chất, nên mặc nhiều lớp áo, khi cơ thể ấm lên sau vận động thì có thể cởi bỏ bớt và mặc vừa đủ giữ ấm cơ thể. Ngoài việc kiểm soát huyết áp, cần ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế chất béo, đường, muối; Thường xuyên vận động thể lực, tập thể dục nhẹ nhàng từ 30 phút đến một tiếng mỗi ngày để hỗ trợ tim mạch, nhưng cần tuân theo nguyên tắc không hoạt động quá sức.

Văn Hải/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/vi-sao-troi-lanh-lai-gia-tang-benh-nhan-dot-quy-post1144044.vov
Zalo