Vì sao TP.HCM coi chuyển đổi công nghiệp là động lực tăng trưởng mới?

Đóng góp của TP.HCM vào tăng trưởng kinh tế cả nước ngày càng giảm, riêng công nghiệp đang dần hụt hơi. Giờ đây, TP xác định chuyển đổi công nghiệp là động lực cho hành trình mới.

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) lần thứ 5, ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết vai trò đóng góp của TP.HCM đang sụt giảm về cả GRDP lẫn tỷ lệ xuất khẩu.

Riêng trong lĩnh vực công nghiệp, quy mô giảm khá nhanh. Năm 2023, giá trị gia tăng chỉ chiếm 12 tỷ USD và chiếm 19% GRDP của TP, trong khi tỷ lệ này của cả nước là 32%.

"TP.HCM đang chuyển sang phát triển thương mại, dịch vụ, nhưng công nghiệp lại phát triển chưa bền vững và chuyển đổi chưa hiệu quả. Đây là vấn đề thực tế của TP những năm qua", ông Bình An nhấn mạnh.

Củng cố vai trò đầu tàu kinh tế

Thực tế, kinh tế TP.HCM trong quý II vừa qua đã tăng chậm hơn quý I, khiến tăng trưởng 6 tháng đầu năm thấp nhất khu vực Đông Nam Bộ và 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện tại, tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 23% trong tổng GRDP của TP.HCM.

Phát biểu khai mạc HEF 2024, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng cho biết lĩnh vực công nghiệp của TP đang có dấu hiệu chậm lại, năng lực cạnh tranh giảm, đối mặt nhiều thách thức lớn, làm suy yếu vai trò trung tâm công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

TP.HCM chọn chuyển đổi xanh, toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm, chuyển đổi công nghiệp là động lực, chuyển đổi số là đột phá và hợp tác phát triển là nhiệm vụ quan trọng, tất yếu

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên

Do đó, để thực hiện các mục tiêu chiến lược, TP.HCM chọn chuyển đổi xanh, toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm, chuyển đổi công nghiệp là động lực, chuyển đổi số là đột phá và hợp tác phát triển là nhiệm vụ quan trọng, tất yếu.

Ông Phạm Bình An cho biết TP.HCM đã chuyển đổi công nghiệp từ khá sớm, từ năm 2000 đã dịch chuyển sản xuất công nghiệp, di dời các khu công nghiệp ô nhiễm và doanh nghiệp thâm dụng lao động. Sự ra đời của Khu công nghệ cao và Công viên phần mềm Quang Trung là những ví dụ điển hình.

Đến 2023, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế số đóng góp gần 15% GRDP của TP.HCM, giá trị sản xuất khu công nghệ cao tích lũy đạt 150 tỷ USD. TP.HCM cũng lọt top 100 thành phố có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu.

Tuy nhiên, đến nay TP.HCM mới chỉ có những mô hình ban đầu về chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn cũng còn nhiều vướng mắc. Mặc dù TP có lượng lớn doanh nghiệp, chiếm 1/3 cả nước, nhưng năng lực cạnh tranh nhìn chung còn khiêm tốn, thiếu doanh nghiệp dẫn đầu.

Mặt khác, các ngành công nghiệp của TP.HCM đang phát triển theo chiều rộng, dựa vào lao động và đã đạt ngưỡng giới hạn, trong khi chi phí thuê đất hiện cao nhất cả nước.

 Ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Ảnh: SGGP.

Ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Ảnh: SGGP.

Từ góc nhìn vĩ mô, ông Rich Meclellan - Giám đốc Quốc gia Viện Tony Blair cho rằng một trong những nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến khả năng thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp của TP.HCM là tình trạng chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công.

Những chậm trễ này bắt nguồn từ các khó khăn trong giải phóng mặt bằng, các thủ tục đầu tư công phức tạp và năng lực hạn chế của các nhà thầu. Điều này cản trở việc hoàn thành kịp thời các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, chẳng hạn như các khu đô thị mới và mạng lưới giao thông cần thiết để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư.

Ông cho rằng những yếu tố này có thể làm giảm lợi thế cạnh tranh của TP.HCM và có thể khiến các nhà đầu tư chuyển đến những địa phương có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ chính quyền.

Trở thành trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, từ năm 2016 đến nay, với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP.HCM, ngành công nghiệp đã có những bước phát triển mạnh và vững chắc dựa trên 4 ngành công nghiệp trọng yếu là cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su nhựa; và chế biến lương thực - thực phẩm.

Đây là những ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, tạo tác động lan tỏa tích cực đến các ngành kinh tế khác.

"Bên cạnh những thành tựu đạt được, công nghiệp TP đang đứng trước những thách thức như phát triển thiếu bền vững; gia công, lắp ráp còn chiếm tỷ trọng cao; giá trị gia tăng thấp; có công nghệ sau hơn 30 năm đầu tư phát triển nay đã lạc hậu; sử dụng nhiều tài nguyên; thâm dụng lao động; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp không còn phù hợp, một số khu công nghiệp hiện nay nằm trong vùng lõi của TP", Phó chủ tịch Võ Văn Hoan chia sẻ.

 Sự hiện diện của Thủ tướng tại HEF 2024 được xem là một thông điệp mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm đưa đầu tàu kinh tế của đất nước bứt phá trong thời gian tới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Sự hiện diện của Thủ tướng tại HEF 2024 được xem là một thông điệp mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm đưa đầu tàu kinh tế của đất nước bứt phá trong thời gian tới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Để khắc phục các hạn chế nêu trên, ông khẳng định việc chuyển đổi ngành công nghiệp TP là rất cấp bách và cần thiết.

TP xác định phát triển hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chip điện tử, vi mạch, bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp xanh gắn chuyển đổi số; phát triển hệ thống các dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp như logistics, dịch vụ số (gồm thông tin và truyền thông), dịch vụ tài chính...

Đặc biệt là phải hình thành các ngành công nghiệp mới như công nghiệp năng lượng mới, công nghiệp dược, công nghiệp văn hóa, điện ảnh...

Đồng thời, chuyển đổi công nghiệp TP gắn kết chặt chẽ với các tỉnh thành trong vùng Đông Nam bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Sự chủ động của địa phương là rất cần thiết, nhưng những quyết sách của Trung ương là quan trọng quyết định thành công của quá trình chuyển đổi

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan

Ông Hoan cho biết TP sẽ tiếp tục tập trung khai thác những tiềm năng và lợi thế vào phát triển công nghiệp với vai trò là trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước.

TP sẽ khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực trình độ cao, ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các ngành, sản phẩm công nghiệp.

"Sự chủ động của địa phương là rất cần thiết, nhưng những quyết sách của Trung ương là quan trọng quyết định thành công của quá trình chuyển đổi", ông nhấn mạnh.

Góp ý thêm cho TP.HCM, ông Yariv Ovachia, chuyên gia chính sách toàn cầu, CEO Condip Strategy Advisors cho rằng TP cần có chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các startup. Bởi lẽ, đây là những tổ chức rất năng động trong quá trình đổi mới và sáng tạo nhưng lại vướng nhiều rào cản từ nguồn vốn đến thị trường.

"Đầu tư đúng mức cho các tổ chức này sẽ đem lại những doanh nghiệp lớn mạnh cho tương lai để đóng góp vào sự tăng trưởng nền công nghiệp phát triển hiện đại ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực, vươn tầm châu lục", ông Yariv phân tích.

Vị này cũng đề cao tầm quan trọng của chuyển đổi số. Bằng cách tích hợp công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật vào quá trình công nghiệp sẽ cải thiện đáng kể năng suất, hiệu quả và sự cạnh tranh cho nền kinh tế.

Trong khuôn khổ HEF 2024, TP.HCM cũng khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại Khu công nghệ cao ở TP Thủ Đức. Ông Alon Shlesinger, Giám đốc điều hành INSPIRA cho rằng yếu tố và vai trò chính của trung tâm này là hỗ trợ và xây dựng "con đường cao tốc" cho các doanh nghiệp đi vào "luồng kỹ thuật số".

Để thực thi chiến lược C4IR thành công, ông cho rằng cần thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và cơ quan Chính phủ; cũng như phát triển các chương trình tài trợ và cơ chế hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, đầu tư vào các vườn ươm và chương trình tăng tốc để nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp và thúc đẩy đổi mới công nghệ.

"Nhìn về phía trước, TP.HCM nên tiếp tục phát triển và tinh chỉnh chiến lược chuyển đổi công nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực chính như tích hợp công nghệ, phát triển nhân tài và thu hút các bên liên quan. Việc đánh giá và điều chỉnh liên tục sẽ rất quan trọng để đảm bảo thành công của sáng kiến C4IR và đạt được các mục tiêu công nghiệp dài hạn", ông Alon Shlesinger khuyến nghị.

Hiện, TP.HCM đã triển khai nhiều chính sách chuyển đổi công năng các khu công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. UBND TP vừa ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh với 14 giải pháp sẽ làm rất mạnh trong thời gian tới. TP cũng đã triển khai chiến lược phát triển vi mạch đến năm 2030...

Liên Phạm - Lan Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-tphcm-coi-chuyen-doi-cong-nghiep-la-dong-luc-tang-truong-moi-post1499975.html
Zalo