Vì sao tăng T-72 của Nga xuất hiện trên đất Mỹ?
Theo thông tin từ Army Recognition ngày 16/9, các binh sĩ Tiểu đoàn Tình báo Quân sự 203 của Mỹ vừa tham gia một cuộc tập trận tại Trại Grayling, Michigan, sử dụng mẫu xe tăng T-72AG của Ukraine.
Hình ảnh về chiếc xe tăng này được công bố bởi Dịch vụ phân phối thông tin hình ảnh quốc phòng Mỹ (DVIDS), cho thấy nó có nhiều điểm tương đồng với T-72AMT, một biến thể của Ukraine. Tuy nhiên, lý do vì sao một chiếc xe tăng T-72 lại xuất hiện trên đất Mỹ vẫn chưa được giải thích rõ ràng.
Mục tiêu tăng cường tình báo quân sự
Việc nghiên cứu chiếc T-72 này có thể giúp quân đội Mỹ hiểu sâu hơn về các yếu tố thiết kế của xe tăng Nga. Dù đã cũ, T-72 vẫn có nhiều đặc điểm với các mẫu xe tăng hiện đại như T-14 Armata và T-90.
Trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Nga chủ yếu sử dụng T-90 thay vì T-14 do chi phí cao. T-90, phiên bản cải tiến từ T-72, là lựa chọn hợp lý hơn về hiệu quả chiến đấu.
T-90 thừa hưởng thiết kế cơ bản của T-72, bao gồm thân xe thấp, tháp pháo đặc trưng và hệ thống nạp đạn tự động, giúp giảm số lượng kíp lái xuống còn ba người. Cả hai loại xe tăng đều có đội hình kíp lái truyền thống với ba thành viên: chỉ huy, xạ thủ và lái xe. Tuy nhiên, kíp lái ngồi trong tháp pháo và thân xe, khiến họ dễ gặp nguy hiểm trong trường hợp đạn dược nổ.
Dù T-90 đã được cải tiến đáng kể về công nghệ và khả năng bảo vệ, phần lớn thiết kế và bố cục của nó vẫn duy trì từ T-72. Việc nghiên cứu T-72 có thể giúp quân đội Mỹ thu thập thêm thông tin về cách Nga sử dụng nền tảng này trong xung đột quân sự.
Biến thể T-72AMT
T-72AMT là phiên bản nâng cấp của T-72, do Ukraine phát triển và nhận lô đầu tiên vào năm 2017. Biến thể này được sản xuất bởi nhà máy thiết giáp Kiev, tích hợp nhiều cải tiến về vũ khí, khả năng sống sót và hệ thống điện tử.
T-72AMT có chiều dài 9,5 m, rộng 3,5 m và cao 2,2 m, với kíp lái gồm một lái xe, một xạ thủ và một chỉ huy. Xe trang bị pháo chính 125mm, có khả năng bắn từ 6-8 viên đạn mỗi phút, sử dụng nhiều loại đạn khác nhau như đạn xuyên giáp (APFSDS), đạn chống tăng nổ mạnh (HEAT-FS) và đạn phân mảnh nổ mạnh (HE-FRAG-FS).
Gần đây, Ukraine tuyên bố đã thu giữ một chiếc T-72 đã được Nga cải tiến, trang bị hệ thống tác chiến điện tử để đối phó với máy bay không người lái của Ukraine trên chiến trường. Được biết, chiếc T-72 này đã chống lại thành công nhiều cuộc tấn công từ máy bay không người lái FPV của Ukraine.
Dù quân đội Mỹ chưa chính thức xác nhận việc kiểm tra biến thể T-72AMT, cuộc huấn luyện với T-72 cho thấy nỗ lực của họ trong việc hiểu rõ hơn về xe tăng do Liên Xô và Nga sản xuất.