Vì sao siêu bão Manyi sẽ bị 'đánh tan' trên Biển Đông?
Chuyên gia lý giải lý do cơn bão số 9 (siêu bão Manyi) vào Biển Đông đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Ngày 20/11, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia vào sáng cùng ngày áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão số 9, bão Manyi) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên vùng biển phía tây bắc quần đảo Hoàng Sa.
Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Dự báo trong 12 giờ tới,vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển theo hướng tây nam suy yếu và tan dần.
Trước đó, hôm 17/11, siêu bão Manyi ở trên vùng biển phía đông khu vực miền Trung Philippines, sức gió mạnh nhất 201 km/h, cấp 16 (cấp siêu bão), giật trên cấp 17, theo hướng tây bắc với tốc độ 20 km/h.
Lý giải nguyên nhân siêu bão Manyi giảm cấp nhanh, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, khi vào Biển Đông bão số 9 - Manyi gặp các điều kiện bất lợi như nhiệt độ mặt nước biển thấp, khối không khí lạnh khô.
Theo ông Hưởng, do ảnh hưởng của không khí lạnh, trong 24 giờ qua nhiều nơi của Thừa Thiên Huế mưa lớn như Bình Điền 145 mm, Rào Trăng 134 mm. Ở Bình Định, có nơi mưa gần 210 mm.
Cơ quan khí tượng cảnh báo độ ẩm đất ở nhiều khu vực của Thừa Thiên Huế, Bình Định đã đạt ngưỡng bão hòa, cùng với dự báo tiếp tục mưa nên nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất tại các huyện A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc, TP Huế, Hương Thủy, Hương Trà của tỉnh Thừa Thiên Huế và Hoài Ân, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, TP Quy Nhơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn, Vân Canh của tỉnh Bình Định.
Ngoài ra, ở vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông và khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông rải rác.
Vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh.