Vì sao Samsung và Apple muốn từ bỏ Qualcomm?

Samsung và Apple đều đồng ý rằng Qualcomm là gánh nặng tài chính.

Qualcomm từ lâu đã có một vị thế quan trọng trong ngành công nghiệp điện thoại thông minh, tuy nhiên, công ty đang đối mặt với nguy cơ bị chính những khách hàng lớn nhất quay lưng, đó chính là Samsung và Apple.

Cả hai ông lớn đều đang từng bước tự chủ linh kiện, cắt giảm sự phụ thuộc vào Qualcomm, và lý do thì rất rõ ràng: chi phí quá cao và khát vọng làm chủ công nghệ.

Samsung và Apple: Từ khách hàng thân thiết đến đối thủ công nghệ

Với Samsung, mối quan hệ với Qualcomm vốn dĩ chưa bao giờ êm đẹp. Trong nhiều năm, gã khổng lồ Hàn Quốc bị buộc phải trang bị vi xử lý Snapdragon cho các mẫu Galaxy cao cấp ở nhiều thị trường, trong khi chip Exynos “cây nhà lá vườn” liên tục bị chê bai vì thua kém về hiệu năng và hiệu suất nhiệt.

Tuy nhiên, Samsung không bỏ cuộc. Với Galaxy S26 dự kiến ra mắt vào năm sau, công ty đang phát triển vi xử lý Exynos 2600 tiến trình 2 nm, nhằm giành lại quyền kiểm soát chuỗi cung ứng. Dù vẫn sẽ chia thị trường giữa Snapdragon và Exynos, nhưng đây là bước đi cho thấy Samsung quyết tâm tự chủ vi xử lý, ít nhất ở thị trường châu Âu và một số khu vực chọn lọc.

 Samsung và Apple muốn từ bỏ Qualcomm để giảm thiểu chi phí.

Samsung và Apple muốn từ bỏ Qualcomm để giảm thiểu chi phí.

Apple từng ký hợp đồng trị giá hàng tỉ USD với Qualcomm để sử dụng modem di động giờ cũng đang chuyển dần sang chip nhà làm. Theo nhiều nguồn tin, mẫu iPhone 16e sẽ là thiết bị đầu tiên tích hợp modem C1 do chính Apple thiết kế. Dù hiệu năng của chip C1 chưa vượt qua được Qualcomm, nhưng Apple không giấu giếm kế hoạch tích hợp rộng rãi modem này lên các mẫu iPhone 17 cơ bản và iPhone 17 Air trong năm tới.

Vì sao hai “ông lớn” đều muốn dứt áo với Qualcomm?

Việc sử dụng linh kiện bên ngoài khiến các hãng phải chịu chi phí cao hơn rất nhiều so với tự sản xuất. Theo báo cáo, riêng việc Samsung sử dụng chip Snapdragon cho toàn bộ dòng Galaxy S25 đã khiến công ty tiêu tốn khoảng 400 triệu USD. Với Apple, điều khiến họ ngán ngẩm hơn cả là chi phí bản quyền modem, một khoản phí mà Qualcomm nổi tiếng là "cứng rắn".

Tuy nhiên, smartphone ngày nay đã phát triển đến mức sự khác biệt hiệu năng giữa các dòng chip không còn quá quan trọng với người dùng phổ thông. Một chiếc điện thoại hoạt động mượt mà, tiết kiệm pin và có kết nối ổn định là quá đủ, và đó là cơ hội để các hãng chấp nhận những “giải pháp chưa hoàn hảo” do chính mình tạo ra.

Dù vẫn là nhà sản xuất chip di động hàng đầu, nhưng tương lai của Qualcomm đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Theo nhiều phân tích, Qualcomm sẽ mất một phần đáng kể thị phần modem di động trên iPhone 17, đồng nghĩa với doanh thu giảm mạnh. Dù công ty chưa rơi vào khủng hoảng, nhưng viễn cảnh mất đi hai đối tác chiến lược chắc chắn khiến các nhà đầu tư lo ngại.

Cả Samsung và Apple đều không giấu tham vọng tự cung tự cấp chip xử lý và modem di động, một bước đi nhằm giảm chi phí, tăng khả năng kiểm soát công nghệ và gia tăng lợi thế cạnh tranh. Trong khi đó, Qualcomm đang bị đẩy vào thế phòng thủ, khi vai trò thống lĩnh thị trường của họ bị đe dọa từ chính những đồng minh thân thiết nhất.

Tiểu Minh

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-samsung-va-apple-muon-tu-bo-qualcomm-post849252.html
Zalo