Vì sao răng mọc lệch?

Không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, răng mọc lệch còn gây rối loạn chức năng ăn nhai và tiềm ẩn nhiều vấn đề sức khỏe răng miệng lâu dài. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ những thói quen phổ biến trong cuộc sống, đôi khi khởi phát âm thầm từ giai đoạn mọc đoạn răng sữa, thay răng và dần tiến triển nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.

Hình thái xương hàm và cấu trúc răng có mối liên hệ chặt chẽ với yếu tố di truyền. Nếu bố mẹ từng gặp tình trạng hô, móm hay lệch khớp cắn, trẻ cũng dễ có đặc điểm tương tự khiến răng mọc lệch, chen chúc hoặc sai vị trí ngay từ giai đoạn thay răng.

Nếu bạn mất răng vĩnh viễn mà không can thiệp phục hình kịp thời, cấu trúc cân bằng của toàn hàm sẽ dần bị phá vỡ. Các răng bên cạnh có xu hướng nghiêng vào khoảng trống, trong khi răng đối diện có thể trồi lên do thiếu điểm tiếp xúc. Sự dịch chuyển này khiến trục răng lệch khỏi vị trí chuẩn, dẫn đến sai khớp cắn và ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai. Về lâu dài, tình trạng này không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn làm tăng nguy cơ sâu răng, viêm nướu và rối loạn khớp thái dương hàm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một số thói quen trong giai đoạn đầu đời của trẻ như ngậm núm bình sữa, mút ngón tay thường xuyên có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của răng và cấu trúc hàm mặt, dễ dẫn đến tình trạng răng mọc lệch, hô hàm hoặc sai khớp cắn, để lại hậu quả kéo dài đến tuổi trưởng thành.

Chế độ ăn thiếu dưỡng chất, đặc biệt khi thường xuyên sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, có thể làm suy yếu cấu trúc xương hàm và mô nướu. Thiếu các vi chất như vitamin A, D, K, sắt hay folate dễ ảnh hưởng đến quá trình phát triển răng hàm mặt ở trẻ nhỏ và làm giảm độ chắc khỏe của răng ở người trưởng thành, từ đó làm tăng nguy cơ răng mọc lệch, sai khớp cắn và các bệnh lý nha chu.

Một số dị tật bẩm sinh như hàm dưới kém phát triển (thiểu sản xương hàm) có thể khiến khuôn mặt mất cân đối, khớp cắn sai lệch và răng mọc chen chúc do thiếu không gian. Bên cạnh đó, răng khôn mọc lệch cũng là nguyên nhân phổ biến gây áp lực lên các răng lân cận, làm xáo trộn toàn bộ trục răng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các vấn đề như viêm nướu, viêm quanh răng, u lành tính hoặc tổn thương mãn tính trong khoang miệng có thể làm suy yếu mô nâng đỡ răng. Khi mô nướu và xương ổ răng bị tổn thương, răng dễ bị lung lay, dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu và mất cân đối toàn hàm.

Khi nướu suy yếu do viêm nhiễm mãn tính, lão hóa, hút thuốc lá hoặc vệ sinh răng miệng không đúng cách, cấu trúc nâng đỡ răng sẽ dần mất ổn định, khiến răng dễ bị xô lệch, lung lay. Để duy trì sức khỏe nướu và ngăn ngừa tình trạng lệch răng, cần chú trọng chăm sóc răng miệng hằng ngày, bổ sung vitamin C và thăm khám nha khoa định kỳ.

Hoàn tất chỉnh nha không đồng nghĩa với kết quả sẽ duy trì vĩnh viễn. Nếu không đeo hàm duy trì đúng chỉ định hoặc bỏ qua việc chăm sóc răng miệng sau niềng, răng sẽ dịch chuyển khỏi vị trí đã ổn định, dần hình thành lệch khớp cắn trở lại.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Brunch, Naver

Trang Nguyen

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/vi-sao-rang-moc-lech/
Zalo