Số ca sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng gấp đôi, 7 ổ dịch đang hoạt động

Trong một tuần, Hà Nội ghi nhận 72 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp đôi so với tuần trước đó, thêm nhiều ổ dịch mới phát hiện.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội ngày 27/7 cho biết trong tuần từ ngày 18-25/7, toàn thành phố ghi nhận 72 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 38/126 phường, xã, tăng gấp đôi so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Thủ đô ghi nhận 475 ca mắc, rải rác tại 100/126 phường, xã với 15 ổ dịch.

Hiện toàn thành phố còn 7 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động, trong đó có ổ dịch tại tổ 12 Kiều Mai, Xuân Phương (ghi nhận 8 bệnh nhân); thôn Song Khê, Tam Hưng, Tây Hồ (mỗi nơi 2 ca); Hát Môn, Vĩnh Tuy, Phượng Dực (mỗi ổ dịch 1 ca)...

So với năm trước, số ca mắc sốt xuất huyết giảm mạnh (cùng kỳ năm 2024 ghi nhận hơn 1.400 ca). Hà Nội chưa có trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Dù vậy, CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc đang có xu hướng tăng, đặc biệt kết quả giám sát các ổ dịch cho thấy chỉ số côn trùng ở ngưỡng nguy cơ cao.

Từ đầu năm đến ngày 8/7, cả nước ghi nhận hơn 32.000 ca sốt xuất huyết. Bộ Y tế cho biết, bước vào mùa mưa, tình hình dịch sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng. Hiện miền Bắc đã vào mùa nóng ẩm, mưa nhiều, là thời điểm bắt đầu của dịch sốt xuất huyết lan rộng. Dự báo, tới đây số ca mắc có thể tiếp tục tăng do đã bắt đầu bước vào các tháng cao điểm của bệnh.

Vết bầm tím do tình trạng cô đặc máu của bệnh nhi sốc sốt xuất huyết. Ảnh: Bạch Dương

Vết bầm tím do tình trạng cô đặc máu của bệnh nhi sốc sốt xuất huyết. Ảnh: Bạch Dương

Phía Nam đang vào mùa mưa, cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết khi số ca mắc, số ca nặng, sốc sốt xuất huyết gia tăng... Một số địa phương ghi nhận số bệnh nhân tăng cao, đột biến so với cùng kỳ như TPHCM tăng 158%, 10 ca tử vong.

Đặc điểm của sốt xuất huyết dengue là sốt cao, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm, xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Giai đoạn nguy hiểm của bệnh thường vào ngày thứ 3-7, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Khi đó, bệnh nhân có thể có các biểu hiện đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất ở vùng gan kèm nôn.

Bệnh nhân có hiện tượng thoát huyết tương, tràn dịch màng phổi có thể gây suy hô hấp; phù nề mi mắt. Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt huyết áp…

Một số bệnh truyền nhiễm khác cũng ghi nhận thêm ca bệnh ở Hà Nội như tay chân miệng (thêm 88 ca). Cộng dồn năm 2025 ghi nhận 3.293 trường hợp, chưa có ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2024, số ca mắc tăng gần gấp đôi (năm 2024 có 1.710 ca).

Số ca mắc tay chân miệng trong tuần có xu hướng tăng nhưng hầu hết là ca bệnh tản phát, không ghi nhận ổ dịch phức tạp, theo nhận định của CDC.

Về sởi, Hà Nội ghi nhận 28 trường hợp mắc tại 21 phường, xã, tăng 8 trường hợp so với tuần trước. Cộng dồn năm 2025 ghi nhận 4.295 trường hợp mắc tại 125 phường, xã, 1 ca tử vong. Độ tuổi có số bệnh nhân sởi nhiều nhất là từ 1-5 tuổi (hơn 20%); 18,6% bệnh nhân trên 16 tuổi, thấp nhất là từ 9-11 tháng (7,8%).

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tang-gap-doi-so-ca-sot-xuat-huyet-o-ha-noi-7-o-dich-dang-hoat-dong-2426194.html
Zalo