Vì sao Quảng Ngãi và Kon Tum kiến nghị cần đầu tư hoàn thiện quốc lộ 24?
Theo lãnh đạo Quảng Ngãi và Kon Tum, việc sớm đầu tư nâng cấp quốc lộ 24 (QL24), không chỉ là đòn bẩy 'cất cánh' tỉnh mới Quảng Ngãi mà còn cấp thiết đảm bảo việc di chuyển cho các cán bộ từ Kon Tum xuống làm việc.
Điểm nghẽn cho các mục tiêu phát triển
QL24 là tuyến giao thông huyết mạch nối Quảng Ngãi với Kon Tum và cả vùng Bắc Tây Nguyên. Tuy nhiên, tuyến giao thông này vẫn chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến hoạt động giao thương, kết nối để thúc đẩy phát triển chưa trọn vẹn.

Đoạn tuyến 62km còn lại trên QL24 chưa được đầu tư, mở rộng ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, giao thương hàng hóa, nhất là giai đoạn sau sáp nhập hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum thành tỉnh Quảng Ngãi.
Tuyến đường mới đầu tư đoạn từ Km0-Km32 (QL1 - thị trấn Ba Tơ) và đoạn từ xã Hiếu đến TP Kon Tum. Riêng 62km nối hai tỉnh đi qua địa hình đồi núi cao hiểm trở nhưng chưa được đầu tư mở rộng. Đặc biệt, đoạn qua đèo Vi Ô Lắk và xã Pờ Ê (Kon Tum) vẫn là đường cấp IV, với mặt cắt hơn 6m, có lề gia cố. Có vị trí "rớt hạng" mấp mé đường cấp V.
Theo ghi nhận của PV, từ thị trấn Ba Tơ đến nút giao với QL24B qua địa phận xã Ba Tiêu ngay sát chân đèo Vi Ô Lắk dài khoảng 20km nền đường có vị trí thâm nhập nhựa, một số đoạn sau duy tu bảo dưỡng đã thảm bê tông nhựa… cơ bản phục việc đi lại, giao thương hàng hóa thuận lợi. Song, mặt cắt hẹp, trong khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.
Trong khi đó, đoạn từ chân đèo Vi Ô Lắk đến xã Hiếu (Kon Plong, Kon Tum) phần lớn là đường đèo dốc quanh co, nhiều vị trí khá hẹp, khúc cua lớn dẫn đến mất ATGT với một bên núi cao, một bên vực sâu.
Thậm chí, có đoạn mặt đường đã bong tróc, hư hỏng. Nhiều vị trí vào mùa mưa nước từ trên cao đổ xuống tràn qua đường, tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn do hạ tầng thoát nước dọc chưa được đầu tư đồng bộ.

Mặt đường QL24 nhỏ hẹp, đèo dốc quanh co với bên núi cao, bên vực sâu.
Đặc biệt, phần lớn trong số 62km này quanh năm sương mù bao phủ. Trong khi hệ thống cảnh báo ATGT trên tuyến như đèn chớp vàng qua các vị trí giao cắt; thiết bị phản quang, gờ giảm tốc… chưa được đầu tư nhiều.
Theo số liệu thống kê, thời gian qua, trên đoạn tuyến thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Ngoài các vụ tai nạn chết người do va chạm giữa xe máy trên địa phận huyện Ba Tơ, đoạn đèo dốc qua địa phận tỉnh Kon Tum còn thường xuyên xảy ra tình trạng lật xe tải, xe khách.
Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở, nền đường nứt toác gây ách tắc giao thông, đặc biệt ảnh hưởng đến các phương tiện có tải trọng lớn trung chuyển hàng hóa giữa hai địa phương.
Ông Phan Mười, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kon Tum cho biết, đoạn tuyến chưa được đầu tư từ Km 32+000 - Km 89+513 và Km 113+588 - Km 118+250 có mặt cắt nhỏ hẹp, nhiều đoạn quanh co hiểm trở. Do đó, các phương tiện di chuyển trên tuyến, đặc biệt là xe tải nặng vận chuyển hàng hóa, vật liệu từ các cảng biển lên Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn, nên ít được tài xế lựa chọn. Hàng hóa từ Kon Tum về Quảng Ngãi cũng gặp tình trạng tương tự. Do đó, các phương tiện thường chuyển sang đi theo QL19, làm tăng chi phí vận chuyển và ảnh hưởng đến lợi nhuận của người dân, doanh nghiệp.
“Không chỉ chưa đảm bảo an toàn giao thông, đoạn tuyến này còn là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, giao thương hàng hóa, đặc biệt là trong việc khai thác tiềm năng du lịch tại khu vực Măng Đen,” ông Mười nhấn mạnh.
Cấp thiết đầu tư hoàn thiện tuyến giao thông huyết mạch
Tại buổi làm việc đầu tiên giữa Ban Thường vụ hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum ngày 15/4, nhằm phục vụ chủ trương sáp nhập hai tỉnh, bên cạnh các nội dung về công tác nhân sự và bố trí nơi ở cho cán bộ, vấn đề hạ tầng giao thông kết nối giữa hai địa phương được lãnh đạo hai tỉnh đặc biệt quan tâm.

Đoạn tuyến 62km quanh năm sương mù dày đặc, trong khi đường dốc quanh co hiểm trở tác động lớn đến phát triển KT-XH, giao thương hàng hóa và các mục tiêu phát triển của tỉnh Quảng Ngãi mới sau ngày 1/9.
Ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum nhấn mạnh: Sau khi hợp nhất, trung tâm tỉnh lỵ mới sẽ đặt tại TP Quảng Ngãi, trong khi khoảng cách giữa tỉnh lỵ với đô thị vệ tinh là TP Kon Tum hiện nay hơn 180km. Riêng các xã biên giới, khoảng cách có thể lên đến trên dưới 300km. Chỉ riêng việc đi lại đã mất hơn một ngày đường.
“Địa hình cách trở, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là tuyến huyết mạch quốc lộ 24 mới chỉ được đầu tư hoàn thiện ở hai đầu, còn đoạn giữa dài 62km toàn đèo dốc, mặt đường lại nhỏ hẹp. Khó khăn này hiện tại hai tỉnh cùng gánh, nhưng sau ngày 1/9, khi đã "về một nhà", thì cần tính toán kỹ lưỡng để việc đi lại thuận lợi hơn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội,” ông Dương Văn Trang nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trang, Trung ương có chủ trương đầu tư cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum, nhưng mới ở bước nghiên cứu tiền khả thi. Thời gian để hoàn thành dự án này đưa vào khai thác nhanh nhất cũng phải đến năm 2028.
QL24 có tổng chiều dài 225km đi qua các tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum. Điểm đầu tuyến tại Quốc lộ 1, Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, điểm cuối tại Quốc lộ 14C, Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Quy mô quy hoạch cấp III, 2-4 làn xe.
Để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến QL24, Bộ Xây dựng giao Cục Đường bộ Việt Nam triển khai công tác bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ trong các năm từ 2022 - 2024 với kinh phí khoảng 41,149 tỷ đồng. Riêng năm 2025, tiếp tục bố trí khoảng 30,8 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa, bảo đảm khai thác an toàn và tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
"Vậy trước mắt việc đi lại, giải quyết công việc của tỉnh mới từ biển lên đến các xã biên giới hàng trăm km sẽ như thế nào. Riêng đoạn tuyến QL24 chưa được đầu tư, mở rộng ảnh hưởng rất lớn đến thông thương, đi lại, nhất là kế hoạch phát triển của tỉnh mới sau này.
Đây là tuyến đường ngắn nhất, thuận lợi nhất kết nối hai tỉnh, nhưng có đến 62km đường đèo và cấp đường cấp IV, mặt đường nhỏ hẹp, đi lại cực kỳ khó khăn. Đây là lý do lớn nhất khiến việc kết nối hai tỉnh gặp khó", ông Trang nói.
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum cho rằng, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn tuyến còn lại của QL24 là rất cần thiết. Sau này, khi cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum đi vào hoạt động thì quốc lộ 24 vẫn là con đường huyết mạch thúc đẩy phát triển của tỉnh. Người dân đi lại bằng xe máy, phương tiện cơ giới vận chuyển nông lâm sản từ núi xuống các nhà máy ở đồng bằng, ven biển. Xe chở nhiên liệu xăng dầu… không được đi vào cao tốc có hầm xuyên núi ở chiều ngược lại.

Lãnh đạo hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum kiến nghị Trung ương sớm bố trí vốn đầu tư hoàn thiện đoạn tuyến còn lại trên QL24 để tạo sự đồng bộ, kết nối liền mạch từ biển đến biên giới.
"Nếu đầu tư mở rộng 62km này sẽ tốn khoảng 1.000 tỷ đồng, nhưng hiệu quả thì rất lớn. Tôi đề nghị việc này cần nghiên cứu sớm để việc kết nối từ biển lên biên giới của tỉnh Quảng Ngãi mới được thuận tiện, dễ dàng và đáp ứng nhu cầu phát triển", ông Trang nhìn nhận.
Cùng quan điểm, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho rằng, việc đầu tư hoàn thiện QL24, nhất là đoạn tuyến còn lại sẽ mở ra trang mới cho các địa phương phía Tây của tỉnh sau sáp nhập. Từ đó, sẽ mở rộng không gian phát triển với định hình là vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp trong tương lai.
Sẵn sàng cho công tác GPMB cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum
Ngoài kiến nghị Trung ương quan tâm bố trí vốn đầu tư QL24, lãnh đạo hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum cũng kiến nghị sớm thực hiện đầu tư cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum. Lãnh đạo hai tỉnh cho biết, sẽ lo đủ nguồn kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng phục vụ công tác bồi thường, GPMB. Đồng thời, bắt tay triển khai ngay công tác này nếu đảm bảo các điều kiện theo quy định.