Vì sao quá trình chuyển giao ngân hàng yếu kém diễn ra chậm?

Ngân hàng Nhà nước cho biết việc tìm kiếm các ngân hàng đủ điều kiện nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém đang kéo dài, khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia.

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chia sẻ những lý do khiến quá trình tái cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém diễn ra chậm.

Theo đó, NHNN cho biết, việc tìm kiếm, đàm phán với các ngân hàng đủ điều kiện về năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu ngân hàng yếu kém để nhận chuyển giao bắt buộc đang kéo dài, khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia.

Mặt khác, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc cũng cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.

Ngoài ra, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý các ngân hàng yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài.

Việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ.

NHNN cũng cho biết năng lực một số cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế trong điều kiện áp lực xử lý khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu khẩn trương về tiến độ.

Hoạt động chuyển giao bắt buộc yêu cầu vừa thực hiện công tác thanh tra, giám sát vừa thực hiện công tác cơ cấu lại ngân hàng yếu kém.

Mới đây, ngày 18/10/2024, sau nhiều năm rơi vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt, 2 ngân hàng 0 đồng là CBBank và OceanBank đã được chuyển giao bắt buộc cho Vietcombank và MB.

Đây là bước tiến lớn trong việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Việc chuyển giao được đánh giá là nhiệm vụ nhưng cũng là cơ hội tăng trưởng mới cho cả ngân hàng được chuyển giao và ngân hàng nhận chuyển giao.

Đối với ngân hàng trong diện chuyển giao bắt buộc còn lại, NHNN đang rà soát và thực hiện các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc. NHNN tiếp tục thực hiện kiểm soát đặc biệt đối với NHTMCP Đông Á, ngân hàng TMCP Sài Gòn.

NHNN cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp để xử lý cơ bản các tổ chức tín dụng yếu kém.

Cụ thể, NHNN sẽ triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" ban hành theo Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022.

Tập trung triển khai chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các ngân hàng yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các ngân hàng này từng bước phục hồi.

Tiếp tục rà soát nghiên cứu tham mưu sửa đổi, bổ sung văn bản liên quan để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý triển khai Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024.

Chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc hoàn chỉnh phương án chuyển giao bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, trình Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/vi-sao-qua-trinh-chuyen-giao-ngan-hang-yeu-kem-dien-ra-cham-d37583.html
Zalo