Vì sao nhiều nơi có tục kiêng ăn thịt vịt vào đầu tháng?

Dù rất mê các món từ vịt, người dân ở nhiều địa phương luôn kiêng ăn thịt vịt vào đầu tháng, vì sao lại có tập tục này?

Ở Việt Nam, thịt vịt được yêu thích đặc biệt do bổ dưỡng, ngọt thơm, ngậy mà không ngán, lại có thể chế biến thành nhiều món hấp dẫn như vịt quay, vịt nướng, vịt kho sả, vịt xào lăn, vịt om sấu, bún măng vịt... Mặc dù rất mê món này, nhiều người vẫn luôn kiêng ăn thịt vịt vào đầu tháng Âm lịch, ít nhất là mùng 1.

Vì sao đầu tháng kiêng ăn thịt vịt?

Nguồn gốc của tục kiêng ăn thịt vịt vào đầu tháng bắt nguồn từ niềm tin vào vận may và sự thuận lợi trong cuộc sống. Theo quan niệm của người miền Bắc và miền Trung, vịt thường sống trong môi trường nước, bơi lội linh hoạt nên gắn liền với ý niệm về sự trôi, chảy, hàm ý về những điều không chắc chắn, không bền vững.

Có người giải thích rằng, có thể vì con vịt đi đứng chậm chạp, lạch bạch nên nếu ăn thịt vịt thì làm gì cũng bị trì trệ chứ không thể nhanh chóng, hanh thông. Vì thế, một số người tin rằng việc ăn thịt vịt vào đầu tháng sẽ dễ gặp chuyện không may, trong công việc và cuộc sống hàng ngày sẽ kém hanh thông, thuận lợi.

Vì sao nhiều nơi có tục đầu tháng kiêng ăn thịt vịt? (Ảnh: Youtube/@bepcuavo)

Vì sao nhiều nơi có tục đầu tháng kiêng ăn thịt vịt? (Ảnh: Youtube/@bepcuavo)

Rất nhiều người khác hoàn toàn không biết vì sao kiêng ăn thịt vịt vào đầu tháng, nhưng vì mọi người xung quanh đều nói ăn thịt vịt đầu tháng sẽ xui xẻo nên họ cũng không ăn, theo tinh thần "có kiêng có lành", kiêng để có tâm lý an tâm, vì nhiều khi chính sự lo lắng, bất an sẽ gây hỏng việc.

Người Việt Nam quan niệm "đầu xuôi đuôi lọt", ngày đầu tháng tốt đẹp thì cả tháng sẽ suôn sẻ và ngược lại. Vào mấy ngày đầu tháng và đặc biệt là mùng 1, người ta kiêng ăn những thực phẩm bị cho là đen đủi như thịt chó, mực, thịt vịt... dù biết rằng không có căn cứ hay bằng chứng khoa học nào về điều này.

Từ góc độ dinh dưỡng, thịt vịt là nguồn thực phẩm giàu protein và nhiều dưỡng chất cần thiết khác như các vitamin nhóm B, sắt, kẽm, axit béo omega-3. Tuy nhiên, phần da vịt có lớp mỡ dày nên nếu ăn nhiều sẽ khiến cơ thể thu nạp quá nhiều chất béo.

Theo Đông y, thịt vịt tính hàn, vị ngọt, hơi mặn, không độc, có tác dụng bổ huyết, giải độc, thanh nhiệt dưỡng âm, lợi thấp nhiệt, điều hòa ngũ tạng, chứa di tinh, khô miệng, điều hòa kinh nguyệt… Do đó, nó có thể dược sử dụng như một bài thuốc để bổ thận, tráng dương.

Tóm lại, tục kiêng ăn thịt vịt vào đầu tháng xuất phát từ yếu tố tâm lý và xã hội, được truyền miệng và duy trì qua nhiều thế hệ, trở thành một phần của bản sắc văn hóa. Đến nay, với sự nâng cao nhận thức về khoa học, nhiều người kiêng như một tập quán lâu đời. Một số người không ăn thịt vịt vào đầu tháng đơn giản vì ngày đó quán vịt đóng cửa.

Tại sao có tục ăn thịt vịt ngày Tết Đoan ngọ?

Tết Đoan ngọ, còn được gọi là Tết Đoan dương hoặc Tết diệt sâu bọ, diễn ra vào mùng 5 tháng 5 Âm lịch. Đây là một trong những dịp lễ truyền thống quan trọng, được tổ chức nhằm cầu mong mùa màng bội thu, xua đuổi sâu bọ và bệnh tật. Một phần không thể thiếu trong ngày Tết Đoan ngọ ở một số địa phương là tục ăn thịt vịt.

Theo dân gian, việc lựa chọn thịt vịt làm món ăn chính trong Tết Đoan ngọ vì lúc này thời tiết nóng bức, mưa nhiều, việc nuôi vịt trở nên thuận lợi hơn. Vịt phát triển tốt và thịt ngon, mềm, thích hợp để chế biến thành nhiều món ăn.

Ngoài ra, thời tiết nóng oi ả của mùa hè là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh do nhiệt. Theo y học cổ truyền, thịt vịt có tính hàn, vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, điều hòa ngũ tạng. Do đó, việc ăn thịt vịt vào dịp này được cho là giúp cơ thể giải nhiệt, đảm bảo sức khỏe.

Món thịt vịt quay thơm ngon, giòn dai. (Ảnh: Netspace)

Món thịt vịt quay thơm ngon, giòn dai. (Ảnh: Netspace)

Chính vì những lý do này, mỗi mùa Tết Đoan ngọ, món thịt vịt thường xuất hiện trên mâm cơm gia đình. Thịt vịt được chế biến thành nhiều món độc đáo, phù hợp với khẩu vị từng vùng miền. Một số món phổ biến có thể kể đến như:

- Vịt luộc: Đây là món đơn giản nhất, giữ được vị ngon tự nhiên của thịt vịt.

- Vịt nướng: Với sự kết hợp của các loại gia vị, vịt nướng thơm lừng, vàng ươm là món ăn không thể thiếu trong các bữa tiệc.

- Vịt om sấu: Đây là món ăn phổ biến trong mâm cơm của người miền Bắc, với sự kết hợp giữa vị chua của sấu và vị béo ngậy của vịt.

- Cháo vịt: Một món ăn dễ nấu, dễ ăn, thường được dùng để khép lại bữa cỗ thịnh soạn.

Nhật Thùy

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-sao-nhieu-noi-co-tuc-kieng-an-thit-vit-vao-dau-thang-ar914325.html
Zalo