Vì sao nhiều người đến TP.HCM khám bệnh từ 3-4h sáng

Cầm trên tay lá phiếu số 424, Phương Nhi là một trong số hàng trăm người có mặt từ rất sớm ở Bệnh viện Chợ Rẫy để lấy số đăng ký khám bệnh.

 Người bệnh đến sớm, mệt mỏi chờ trước khoa Khám bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy, lúc 4h30. Ảnh: Linh Thùy.

Người bệnh đến sớm, mệt mỏi chờ trước khoa Khám bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy, lúc 4h30. Ảnh: Linh Thùy.

Gần 4h sáng, góc đường Nguyễn Chí Thanh, Thuận Kiều (quận 5) đoạn trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy, đã bắt đầu nhộn nhịp tiếng người và xe cộ. Nhiều người đã đến rất sớm để xếp hàng lấy số khám bệnh.

Hầu hết họ đến từ các tỉnh, đi xe lên TP.HCM trong đêm với mong muốn đến sớm, được khám sớm và kịp chuyến xe về trong ngày.

Hy vọng khám sớm, về sớm

Ngọc Phúc (24 tuổi) ngồi co chân, mắt hướng nhìn về phía Trung tâm Ung bướu, nơi mẹ cô đang xếp hàng làm xét nghiệm. Ngay trước mặt, hàng chục người khác cũng đang chờ đợi như cô.

Phúc và mẹ đi xe từ Bình Thuận vào TP.HCM lúc 1h sáng, vào viện xếp hàng từ 4h.

"May mắn là mẹ mình được khám ở trong Trung tâm Ung bướu nên đỡ đông hơn ngoài khoa Khám bệnh. Tuy vậy, lúc mình đến, hàng người chờ xét nghiệm cũng đã dài lắm rồi", Phúc chia sẻ.

 Phía trước Phúc là hàng bệnh nhân chờ làm xét nghiệm truyền hóa chất từ 3-4h sáng. Ảnh: Linh Thùy.

Phía trước Phúc là hàng bệnh nhân chờ làm xét nghiệm truyền hóa chất từ 3-4h sáng. Ảnh: Linh Thùy.

Nửa năm trước, mẹ Phúc được chẩn đoán mắc ung thư đại tràng, phải chuyển tuyến vào điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Đều đặn mỗi 3 tuần, Phúc lại cùng mẹ khăn gói vào TP.HCM chữa bệnh. Mỗi lần đi khám như vậy, mẹ cô gần như không ngủ vì lo lắng dù đến nay, bà đã làm hóa trị đến lần thứ 5.

"Thứ tự khám là ngày đầu xét nghiệm, ngày thứ 2 nghỉ ngơi, ngày thứ 3 truyền hóa chất. Tuy nhiên, đợt nào mẹ cần chụp CT thì có thể thời gian khám kéo dài hơn do ở Chợ Rẫy đông bệnh, phải gửi bệnh nhân sang viện khác để thực hiện, kết quả sẽ trả về muộn hơn. Mẹ và mình vì thế cũng phải vào xếp hàng sớm hơn để tránh kéo dài thêm ngày sau", Phúc nói.

Không có lựa chọn khác

Có mặt tại khoa Khám bệnh từ 3h sáng, Nguyễn Phương Nhi (26 tuổi, Lâm Đồng) ngồi xem điện thoại trong khi chờ đến lượt vào làm thủ tục đăng ký khám bệnh cho cô ruột. Lá phiếu số thứ tự trên tay Nhi là 424.

"Cô của tôi bị suy thận. Bệnh của cô có thể đến khám muộn hơn chút cũng không sao. Thế nhưng, ở quê chỉ có tuyến xe khách đến TP.HCM lúc 3h sáng nên dù có muốn đi trễ hơn cũng không được. Lần nào cô cháu đến bệnh viện cũng từ khi trời còn chưa sáng", Phương Nhi chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Đều đặn nửa năm qua, khi xe đưa đến cổng Bệnh viện Chợ Rẫy, Nhi thuê phòng trọ ngay phía sau bệnh viện cho cô nghỉ ngơi, còn mình vào việnlấy số, chờ làm hồ sơ khám bệnh.

"Lần nào đi khám, chúng tôi cũng phải bắt xe từ 23h. Đi xe giường nằm nhưng tôi vẫn rất khó ngủ. Mỗi lần đến viện, cả cô lẫn cháu ai cũng đuối. Tôi thì không sao nhưng sức khỏe của cô yếu, đi khám bệnh vừa xa vừa đông thế này thì rất cực", Nhi vừa nói, vừa chỉ tay vào dòng người đang xếp hàng trước mặt.

 Mới hơn 5h sáng, đông đúc người bệnh và thân nhân đã ngồi chờ ở phía trước khoa Khám bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Linh Thùy.

Mới hơn 5h sáng, đông đúc người bệnh và thân nhân đã ngồi chờ ở phía trước khoa Khám bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Linh Thùy.

Khác với những lần trước, trong lần khám này, cô của Nhi được chỉ định nhập viện làm phẫu thuật tạo cầu nối thông động tĩnh mạch để chạy thận nhân tạo. Bà quyết định chờ cùng cháu thay vì ra ngoài thuê nhà trọ nghỉ ngơi như mấy lần trước.

"Mình đi khám ở bệnh viện lớn thì đông người, chờ đợi lâu là tất yếu", người phụ nữ bày tỏ.

Không vội xếp hàng lấy số như nhiều bệnh nhân khác, Phương Quỳnh (27 tuổi, Khánh Hòa) ngồi một mình trước sảnh Bệnh viện Chợ Rẫy, chờ bố cũng đang xếp hàng khám sức khỏe tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch gần đó.

"Bố khám xong sẽ qua đây cùng đi ăn sáng với mình, rồi 2 bố con mới bốc số để khám sàng lọc ghép thận. Mình bị suy thận giai đoạn cuối, còn bố đi khám để chuẩn bị hiến thận cho mình", Quỳnh kể.

Nhớ lại một năm trước, Quỳnh bất ngờ phát hiện mình bị suy thận sau lần ngất xỉu tại công ty. Không tin vào kết quả của địa phương, Quỳnh tức tốc vào Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra lại, kết quả vẫn là suy thận giai đoạn 5.

Từ đó, bệnh viện trở thành ngôi nhà thứ hai của Quỳnh. Đều đặn hàng tuần, cô chạy thận 2 ngày ở địa phương rồi vào TP.HCM khám trong 2-3 ngày, sau đó lại tiếp tục chạy thận tại một cơ sở tư nhân khác.

 Quỳnh đeo balo nặng trịch những hồ sơ bệnh án, ngồi chờ ba ở sảnh bệnh viện. Ảnh: Linh Thùy.

Quỳnh đeo balo nặng trịch những hồ sơ bệnh án, ngồi chờ ba ở sảnh bệnh viện. Ảnh: Linh Thùy.

Quỳnh cho hay nếu chỉ cần chạy thận, cô vẫn có thể điều trị tại quê nhà Nha Trang, không cần vào TP.HCM. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện tại, cô phải thường xuyên vào đây để khám bệnh.

"Vì căn bệnh đặc biệt, tôi phải vào bệnh viện lớn ở TP.HCM để khám, nên chịu khó di chuyển một chút cũng được. Hồi trước, khi chưa quen với việc chuyển viện, nhiều lần mình nôn thốc vì vừa chạy thận ở quê xong lại phải lên xe vào TP.HCM khám tiếp. Dù sao mình cũng may mắn hơn nhiều người vì còn có gia đình, còn có sức chạy viện liên tục", cô gái chia sẻ.

Cô gái 27 tuổi bày tỏ hy vọng Bệnh viện Đa khoa tỉnh sớm hoàn thành xây dựng và trở thành bệnh viện tuyến cuối của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ. Đến lúc đó, cô và nhiều bệnh nhân khác có thể yên tâm chuyển điều trị về quê.

Câu chuyện của Ngọc Phúc, Phương Nhi và Phương Quỳnh chỉ là 3 trong số rất nhiều người từ tỉnh đến TP.HCM khám bệnh khi đồng hồ vừa bước sang ngày mới.

Không chỉ ở Chợ Rẫy, tại nhiều bệnh viện lớn ở TP.HCM như Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện Bình Dân, Viện Tim... người dân cũng thường đến xếp hàng lấy số khám bệnh từ rất sớm, 3-4h sáng, có khi từ nửa đêm.

Đa số họ đều phải đi xe khách xuyên đêm từ các tỉnh đến thành phố. Kể cả khi không có bệnh tình nghiêm trọng, không cần vượt đường sá xa xôi đến TP.HCM, nhiều người vẫn chấp nhận khám trái tuyến tại các bệnh viện lớn để đổi lại sự yên tâm về chất lượng khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, lý do nhiều người đến sớm xếp hàng đăng ký khám bệnh là xe khách đưa họ vào TP.HCM từ rất sớm, vì tiết kiệm chi phí, họ vào thẳng bệnh viện để chờ.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, nhiều người khác cũng cho hay họ không biết đăng ký khung giờ khám thông qua hệ thống trực tuyến dù từng nghe qua. Thay vào đó, khi đi khám tại các cơ sở y tế lớn, bệnh nhân và thân nhân vẫn theo thói quen xếp hàng lấy số theo cách truyền thống như trước.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/vi-sao-nhieu-nguoi-den-tphcm-kham-benh-tu-3-4h-sang-post1491540.html
Zalo