Vì sao nhiều dự án đường bộ cao tốc chậm tiến độ?
Bộ GTVT cho biết nhiều dự án đường bộ cao tốc triển khai rất chậm do thiếu mặt bằng, khan hiếm nguồn cát, điển hình là dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…
Trong dự thảo báo cáo Quốc hội về tiến độ các dự án đường bộ cao tốc, Bộ GTVT cho biết dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 TP.HCM, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đều có điểm chung là gặp khó khăn về mặt bằng, vật liệu xây dựng… nên đến nay có dự án chưa thể thi công đồng loạt.
Thiếu nguồn cát ảnh hưởng lớn đến dự án
Theo Bộ GTVT dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025), gồm 12 dự án thành phần. Quá trình triển khai dự án gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng công trình.
Vì vậy, trong năm 2023, Chính phủ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tính đến ngày 31-8-2024, vẫn còn gần 5km mặt bằng chưa được bàn giao. “Phần mặt bằng còn lại mặc dù không lớn nhưng tập trung chủ yếu tại khu vực đất ở, cần điều phối vật liệu và các công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời nên ảnh hưởng đến dự án…”- Bộ GTVT cho hay.
Đáng chú ý, việc một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam chậm chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất lúa đối với phần diện tích tăng thêm và nằm ngoài phạm vi đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án, đặc biệt dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn.
Về vật liệu xây dựng, hai đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam mặc dù Thủ tướng nhiều lần làm việc và có văn bản chỉ đạo giải quyết. Cạnh đó, Bộ TN&MT, Bộ GTVT trực tiếp làm việc với các địa phương và có các văn bản hướng dẫn nhưng việc triển khai các thủ tục nâng công suất mỏ, giao mỏ mới cho nhà thầu còn chậm như tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang. Từ đó ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công và thời gian hoàn thành dự án.
Về công tác xây dựng, đến nay giá trị sản lượng hoàn thành toàn dự án cao tốc Bắc - Nam đạt khoảng 49.217 tỉ đồng (khoảng 51% giá trị hợp đồng). Trong đó, dự kiến đoạn từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có yếu tố thuận lợi về mặt bằng, vật liệu, đang thi công vượt tiến độ đã được chủ đầu tư, nhà thầu đăng ký rút ngắn thời gian thực hiện từ 3 - 6 tháng so với hợp đồng ký kết.
Còn dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tính đến ngày 31-8, mới hoàn thành và bàn giao khoảng 98% mặt bằng.
Bộ GTVT đánh giá, so với nội dung Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, tiến độ triển khai di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là công trình điện cao thế rất chậm. Bởi lẽ, công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật vẫn là khâu khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị.
Về tiến độ dự án trên, Bộ GTVT cho biết theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027. Tuy nhiên, đến nay tiến độ triển khai dự án chưa đáp ứng kế hoạch đề ra, đặc biệt trong công tác thi công nền đường, xử lý nền đất yếu, nguyên nhân chủ yếu do thiếu hụt nguồn vật liệu cát đắp.
“Với đặc thù toàn bộ các dự án thành phần đều đi qua khu vực đất yếu cần đắp gia tải, chờ lún trong khoảng 10 - 12 tháng, vì vậy yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ hoàn thành các dự án thành phần chính là nguồn vật liệu đắp…”- Bộ GTVT cho biết thêm.
Có dự án không thể thi công đồng loạt do thiếu mặt bằng
Đối với tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Bộ GTVT cho biết kế hoạch ban đầu bàn giao mặt bằng toàn bộ trong năm 2023. Tuy nhiên, thực tế chỉ có dự án thành phần 3 – đi qua địa phần tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu bàn giao mặt bằng thi công đáp ứng yêu cầu. Dự án thành phần 1 và 2 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến nay mới được bàn giao khoảng 40%, chưa đảm bảo mặt bằng để triển khai thi công đồng loạt trên hiện trường.
Công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng triển khai rất chậm, chưa đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ.
Thêm vào đó, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, do chi phí giải phóng mặt bằng tăng so với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu và điều chỉnh bổ sung nút giao tại Mỹ Xuân - Ngãi Giao để nâng cao năng lực vận tải, kết nối khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải với sân bay Long Thành
Theo đó, tổng mức đầu tư dự án trên dự kiến điều chỉnh tăng khoảng 5.400 tỉ đồng. Hiện nay, Bộ GTVT đang tổ chức thẩm định nội bộ hồ sơ điều chủ trương đầu tư dự án và hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Với cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Bộ GTVT cho biết công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chậm. Hiện dự án thành phần 1 còn khoảng 3km vướng mặt bằng, dự án thành phần 2 còn khoảng 1,5km trên địa phận huyện Krông Bông đang triển khai công tác chặt hạ, tận thu rừng tự nhiên.
Cạnh đó, đường công vụ phục vụ thi công dự án thành phần 2 rất khó khăn, hiện còn một số vị trí cầu vẫn chưa thể tiếp cận để triển khai thi công do đang chặt hạ, tận thu rừng tự nhiên.
Vì vậy, dự án trên khởi công ngày 18-6-2023, nhưng đến nay sản lượng mới đạt 15% giá trị của hợp đồng. Các hạng mục triển khai chủ yếu là đào đắp nền đường, thi công cầu, hầm, cống thoát nước.
Tương tự, dự án đường vành đai 3 TP.HCM đến nay mới thu hồi được khoảng 592/611 ha (đạt 97%). Trong đó, TP.HCM thu hồi 408/410ha đạt 99%, tỉnh Đồng Nai thu hồi 54/65ha đạt 83%, tỉnh Bình Dương thu hồi 76/80ha đạt 95%, tỉnh Long An thu hồi 54/55ha đạt 98%.
“So với nội dung Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, chưa hoàn thành 100% theo yêu cầu của Chính phủ, đặc biệt là tỉnh Đồng Nai. Công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là công trình điện cao thế còn chậm, gặp nhiều khó khăn, phức tạp…”- Bộ GTVT cho hay.
Về nguồn vật liệu, Bộ GTVT cho biết dự án vành đai 3 TP.HCM cần khoảng khoảng 1,9 triệu m3 đất đắp; hơn 9 triệu m3 cát đắp nền đường; cát xây dựng cần khoảng 0,9 triệu m3; đá xây dựng các loại khoảng 4,3 triệu m3.
Qua rà soát, UBND TP.HCM nhận thấy nhu cầu vật liệu đá, cát xây dựng đủ cung cấp cho dự án, còn lại nhu cầu cát đắp nền đường gặp khó khăn do nhiều dự án triển khai đồng thời.
Để bảo đảm nguồn cung cấp cát, Chính phủ chỉ đạo các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre thực hiện các thủ tục cấp phép 16 mỏ cát san lấp trên địa bàn với tổng khối lượng khoảng 10 triệu m3. Đến nay các địa phương mới cấp phép 1/16 mỏ, các mỏ còn lại sẽ hoàn thành thủ tục và cấp cát cho dự án trong năm 2024.
Theo Bộ GTVT, mặc dù trữ lượng cát trong khu vực theo quy hoạch tương đối lớn nhưng không thể đáp ứng theo tiến độ khai thác để thực hiện các dự án. Việc nâng công suất có thể gây tác động đến môi trường, gây sạt lở khu vực hai bên bờ sông.
“Thời gian qua, Chính phủ tổ chức họp, chỉ đạo các địa phương liên quan bố trí đủ nguồn cung cấp cho dự án, tuy nhiên thủ tục phức tạp, kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ cấp cát…”- Bộ GTVT cho hay.
Nghiên cứu thí điểm dùng cát biển cho dự án vành đai 3 TP.HCM
Về cát biển, Bộ GTVT cho biết vẫn đang tiếp tục tổ chức thí điểm mở rộng trên tuyến chính của dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau, thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam. Song song đó, bộ cũng có văn bản gửi các bộ liên quan để phối hợp kiểm tra, giám sát, theo dõi quá trình tổ chức triển khai thực hiện thí điểm mở rộng.
Hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đang nghiên cứu để tổ chức thí điểm sử dụng cát biển đối với khu vực dự án Vành đai 3 làm cơ sở triển khai áp dụng.