Vì sao Nguyễn Phương Hằng không kháng cáo nhưng vẫn được giảm án?
Nhưđã đưa tin, chiều 4/4, TAND cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án Nguyễn Phương Hằng và các đồng phạm.
HĐXX tuyên giảm 3 tháng tù cho Nguyễn Phương Hằng, 4 đồng phạm còn lại mỗi người được giảm 6 tháng tù và bác toàn bộ kháng cáo của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Tại phiên tòa, luật sư của bị cáo Đặng Anh Quân nêu nhiều tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng, khắc phục một phần hậu quả của vụ án. Do đó, luật sư đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Quân.
Đối với 3 bị cáo còn lại là Huỳnh Công Tân, Nguyễn Thị Mai Nhi và Lê Thị Thu Hà, luật sư cho rằng 3 người này phạm tội đơn giản, chỉ làm công ăn lương của Nguyễn Phương Hằng, vai trò phạm tội không đáng kể. Luật sư cũng trình bày hàng loạt tình tiết giảm nhẹ và đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo, cho các bị cáo được hưởng án treo.
Đối với Nguyễn Phương Hằng, dù không kháng cáo, nhưng sau khi bào chữa cho Nhi, Hà, Tân xong, luật sư của 3 bị cáo này cũng xin HĐXX phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Hằng.
Theo luật sư, sau phiên tòa phúc thẩm, bà Nguyễn Phương Hằng đã nộp tiền bồi thường thiệt hại, tiền án phí dân sự sơ thẩm, nên đề nghị Tòa phúc thẩm xem xét hình phạt dưới 3 năm tù đối với bà Hằng.
HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận đề nghị của luật sư, giảm hình phạt cho Nguyễn Phương Hằng từ 3 năm tù xuống còn 2 năm 9 tháng tù; giảm cho Đặng Anh Quân từ 2 năm 6 tháng tù xuống còn 2 năm tù; các bị cáo Huỳnh Công Tân, Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà từ 1 năm 6 tháng xuống còn 1 năm tù.
Sau khi HĐXX tuyên án, nhiều người đặt câu hỏi vì sao Nguyễn Phương Hằng đã chấp nhận bản án sơ thẩm, không kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng vẫn được Tòa tuyên giảm án. HĐXX đã căn cứ vào quy định nào để giảm án cho Nguyễn Phương Hằng?
Theo nhận định của HĐXX phúc thẩm, cấp sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" là có cơ sở, không oan. Hành vi của các bị cáo ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Khi xét xử sơ thẩm, Tòa đã áp dụng đúng các tình tiết giảm nhẹ đối với các bị cáo.
Đối với Nguyễn Phương Hằng, HĐXX nhận định, dù bị cáo Nguyễn Phương Hằng không kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng bị cáo đã nộp tiền án phí, khắc phục hậu quả nên đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là có căn cứ. Từ đó, HĐXX áp dụng Điều 357 Bộ Luật Tố tụng Hình sự, giảm một phần hình phạt cho Nguyễn Phương Hằng.
Theo quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm tại Điều 345 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì Tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị.
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 357 Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định: “Khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:
(a) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; không áp dụng hình phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp;
(b) Áp dụng điều, khoản của Bộ luật Hình sự về tội nhẹ hơn;
(c) Giảm hình phạt cho bị cáo;
(d) Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng;
(đ) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn;
(e) Giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo”.
Tại khoản 3 Điều 357 Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định: “Trường hợp có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều này cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị”.
Như vậy, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên giảm án cho Nguyễn Phương Hằng là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.