Vì sao người dân thấp thỏm lo chuyện đóng mới thuyền du lịch trên sông Hương?

Nhiều thập kỷ qua, hàng trăm hộ dân vạn đò ở Thừa Thiên Huế đã dùng chính những con thuyền của mình để cải hoán thành thuyền rồng du lịch truyền thống phục vụ nhu cầu của du khách đi tham quan trên sông Hương.

Để đảm bảo an toàn giao thông thủy nội địa theo quy định, hiện nay và trong thời gian tới, tất cả phương tiện thuyền rồng truyền thống phục vụ du lịch trên sông Hương hết hạn đành phải "khai tử"… Hàng trăm hộ dân với gần cả ngàn lao động kéo theo vẫn không khỏi lo âu khi phải thay mới phương tiện mưu sinh.

Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, có 128 phương tiện thuyền du lịch đang hoạt động trên sông Hương; trong đó có 118 thuyền rồng du lịch truyền thống tham gia các hoạt động vận chuyển khách du lịch và phục vụ ca Huế. Theo quy định tại Nghị định 111/2014/NĐ-CP của Chính phủ, đến cuối năm nay, số thuyền hết hạn sẽ là 75 chiếc. Và chẳng bao lâu nữa, sông Hương sẽ vắng bóng mẫu thuyền rồng truyền thống này.

Đến cuối năm 2024 sẽ có 75 thuyền rồng du lịch hoạt động trên sông Hương hết niên hạn sử dụng.

Đến cuối năm 2024 sẽ có 75 thuyền rồng du lịch hoạt động trên sông Hương hết niên hạn sử dụng.

Trong khi đó, cũng căn cứ theo quy định, kể từ tháng 6/2024 qua, các chủ thuyền hoạt động chở khách du lịch trên sông Hương phải có giấy đăng kiểm, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, bảo hiểm nhân sự, thuyền trưởng phải có bằng lái. Các đơn vị quản lý bến thủy nội địa, đoạn quản lý đường sông, Thanh tra Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên-Huế phải chấp hành và thực hiện đúng theo quy định để đảm bảo phòng ngừa tai nạn đường thủy có thể xảy ra. Những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chủ tàu không thực hiện đúng sẽ có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Thời gian tới, theo định kỳ 3 năm/lần, các thuyền sẽ cho lên đà (cho thuyền lên khỏi mặt nước) để kiểm tra phần bên dưới đáy thuyền, đề phòng các bất trắc do thuyền rồng gây ra. Đặc biệt, các bến thuyền rồng phục vụ du lịch tại bến thuyền Thiên Mụ, bến thuyền Lê Lợi và bến thuyền Tòa Khâm - nơi tập trung lượng lớn du khách trong nước và quốc tế trước khi xuất bến để chờ đón khách du lịch phải được kiểm tra giấy chứng nhận đăng kiểm và các giấy tờ liên quan.

Theo ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều năm qua, tỉnh đã rất quan tâm đến việc đóng thuyền du lịch trên sông Hương bởi hiện đã có rất nhiều thuyền rồng đã hết niên hạn sử dụng. Việc ban hành một mẫu thuyền du lịch mang tính chất đồng bộ để các doanh nghiệp và người dân nghiên cứu, có cở sở đóng mới là rất cần thiết. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) và Sở GTVT cùng các đơn vị liên quan phối hợp xây dựng, thẩm định mẫu thuyền mới và cũng đã có nhiều phương án được đưa ra. Tuy nhiên, theo góc độ của ngành GTVT, có mẫu thuyền rất phù hợp thì lại vượt quá khả năng tài chính của người dân. Điều này gây khó khăn cho các gia đình đã hoạt động thuyền rồng hàng chục năm qua và tiếp tục muốn đóng thuyền mới để mưu sinh.

Ông Trần Ngọc N., chủ một chiếc thuyền rồng hoạt động gần 30 năm trên sông Hương cho biết, chiếc thuyền của gia đình ông hết niên hạn và phải dừng hoạt động. Đó là cả một gia sản mà vợ chồng ông phải chắt chiu, vay mượn để đóng và làm phương tiện mưu sinh hàng chục năm qua. Giờ đây, theo quy định, vợ chồng ông đành phải tiếp tục vay mượn để đóng thuyền mới, tiếp tục mưu sinh trên sông nước.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng liên quan đã có nhiều cuộc họp bàn và thống nhất xây dựng mẫu thuyền mới phục vụ du lịch theo cơ chế mở, chứ không nhất thiết theo một mẫu cố định nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo tài chính cho người dân. Ngoài các yêu cầu bắt buộc về kỹ thuật của phương tiện thủy nội địa, Sở VH-TT cũng đã chủ trì phối hợp với các ngành thẩm định về hình dáng mẫu thuyền. Về hình dáng, các mẫu thuyền phải đảm bảo bố cục cân đối, hài hòa giữa các bộ phận. Màu sắc hài hòa, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên; hình tượng tứ linh, văn hóa truyền thống Huế được trang trí đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả về thẩm mỹ… UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có văn bản thống nhất 6 mẫu thuyền của 4 doanh nghiệp xin đóng mới.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc xây dựng mẫu thuyền du lịch trên sông Hương đã có hướng tiếp cận mở so với trước đó, nếu chỉ một mẫu thuyền chung thì rất khó cho người dân nên chỉ cần đảm bảo các tiêu chí khung. Vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế có quy chế chấn chỉnh hoạt động ca Huế và những quy định về thuyền du lịch.

Cụ thể, đối với việc nâng cao chất lượng ca Huế trên sông Hương, tỉnh quy định mỗi chương trình ca Huế theo quy định phải dài ít nhất 60 phút trở lên (không kể phần dịch ra tiếng nước ngoài đối với các buổi biểu diễn dành cho khách người nước ngoài). Chương trình phải có tối thiểu 7 diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đơn; 8 diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đôi, các loại thuyền du lịch khác và ca Huế thính phòng tại các khách sạn, nhà hàng... Tỉnh nghiêm cấm tình trạng tranh giành khách, ghép khách dưới mọi hình thức; bán các loại băng, đĩa trái phép khi tham gia biểu diễn ca Huế trên sông Hương; lợi dụng hoạt động ca Huế trên sông Hương làm tổn hại đạo đức, lối sống, làm suy giảm giá trị nghệ thuật ca Huế...

Đối với phương tiện thuyền du lịch, để nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm văn hóa đặc trưng của địa phương, tỉnh cũng có các giải pháp, trong đó phải thay các phương tiện hết hạn nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch tham gia các tour du lịch trên sông, biển. Tuy nhiên, vấn đề này cũng phải gắn với dân sinh, phải suy xét đến nguồn lực của các chủ thuyền. "Nếu người dân không tham gia được thì khó cho họ, bởi phần lớn các hộ dân ở đây đã có nhiều năm mưu sinh từ hoạt động vận chuyển hành khách và các dịch vụ trên sông Hương. Chúng tôi cũng đã làm việc với một số doanh nghiệp theo hướng họ là những người đầu tư cùng với người dân để hợp tác đóng thuyền du lịch mới", ông Nguyễn Thanh Bình cho hay.

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/vi-sao-nguoi-dan-thap-thom-lo-chuyen-dong-moi-thuyen-du-lich-tren-song-huong--i752031/
Zalo