Vì sao Mỹ thường cấm xe tăng duyệt binh?

Ý định tổ chức duyệt binh hoành tráng trùng vào ngày sinh nhật Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khơi dậy tranh luận về việc sử dụng xe tăng trong các sự kiện như vậy và rủi ro của chúng.

Xe tăng Abrams của Mỹ trong một cuộc diễu hành ở Ba Lan năm 2024. Ảnh: Getty

Vào ngày 14/6 năm nay, quân đội Mỹ lên kế hoạch cho một cuộc duyệt binh quy mô lớn tại thủ đô Washington, D.C., kỷ niệm 250 năm thành lập quân đội. Trùng hợp, ngày đó cũng chính là sinh nhật của ông Trump.

Theo CBS News, cuộc duyệt binh dự kiến có sự tham gia của hơn 6.600 binh sĩ, 50 trực thăng, 150 phương tiện quân sự, có thể có xe tăng và thiết bị quân sự khác, với chi phí hàng chục triệu USD.

Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải lo ngại từ các quan chức thành phố, đặc biệt là bà Muriel Bowser, thị trưởng Washington D.C., khi bà nhấn mạnh rằng xe tăng lăn qua đường phố “sẽ không tốt”.

Sự lo ngại này đặt ra câu hỏi: Vì sao Mỹ thường cấm xe tăng trong các cuộc duyệt binh? Bài viết sẽ phân tích 3 khía cạnh đáng chú ý: lý do cấm xe tăng duyệt binh, cách chúng gây hại cho đường phố, và giải pháp để sử dụng xe tăng mà không phá hủy cơ sở hạ tầng.

Tại sao Mỹ thường không cho dùng xe tăng để duyệt binh và diễu binh?

Một xe tăng của quân đội Mỹ đi qua trước tòa nhà quốc hội trong lễ diễu hành kỷ niệm thành lập quân đội vào tháng 4/1939. Ảnh: Zuma

Mỹ từ lâu đã hạn chế dùng xe tăng trong duyệt binh trên đường phố. Theo Popular Mechanics, xe tăng bị cấm tham gia duyệt binh ở Mỹ hơn nửa thế kỷ để bảo vệ cơ sở hạ tầng đô thị. Xe tăng, như M1A2 Abrams nặng 68 tấn, gây áp lực lớn lên nhựa đường và bê tông. Hậu quả là nhiều đoạn đường bị biến dạng, buộc thành phố phải đóng cửa để sửa chữa suốt nhiều tuần.

Ngoài ra, chi phí tổ chức duyệt binh với xe tăng cũng là một rào cản lớn. Theo CBS News, vào nhiệm kỳ đầu của ông Trump, một kế hoạch duyệt binh bị hủy do chi phí ước tính 92 triệu USD, bao gồm vận chuyển thiết bị, chỗ ở cho quân đội và hậu cần. Việc di chuyển xe tăng và máy bay quân sự, với chi phí hàng chục nghìn USD mỗi giờ, làm tăng gánh nặng tài chính cho quân đội.

Hơn nữa, duyệt binh với xe tăng mang tính nhạy cảm về văn hóa và chính trị. Theo Popular Mechanics, duyệt binh với xe tăng thường dễ gây liên tưởng đến các quốc gia đối thủ của Mỹ như Nga hay Trung Quốc, điều mà giới chức Washington muốn tránh. Mỹ ưu tiên các hoạt động giao lưu cộng đồng thay vì phô trương sức mạnh.

Xe tăng gây hại cho đường phố như thế nào?

Một xe tăng Nga “cày nát” mặt đường nhựa ở Moscow năm 2020. Ảnh: Yuri Pasholok

Theo Popular Mechanics, hình ảnh chiếc T-34/85 của Nga “cày nát” mặt đường Moscow trong lễ duyệt binh năm 2020 là minh chứng rõ ràng cho sức tàn phá của xe tăng.

Nguyên nhân nằm ở thiết kế đặc trưng: Thay vì bánh xe, xe tăng sử dụng hệ thống bánh xích kim loại để phân bổ trọng lượng. Tuy nhiên, trên đường nhựa, bánh xích xe tăng tạo áp lực gấp 30 lần so với ô tô thông thường. Khi di chuyển, chúng xé toạc lớp nhựa đường, đặc biệt ở khu vực có nhiệt độ cao.

Theo trang Primekss, một thử nghiệm cho thấy chiếc M1A2 Abrams (68 tấn) di chuyển 50 km/h có thể để lại vết lún sâu 5 cm trên đường nhựa tiêu chuẩn. Trong khi đó, xe tăng T-34/85 nhẹ hơn (32 tấn) cũng đã khiến mặt đường Moscow biến dạng sau vài lần diễn tập. Sự tàn phá nhiều nhất xảy ra khi xe tăng chuyển hướng, quay đầu. Bằng cách hãm và kéo lê một bên bánh xích, chúng có thể gây tổn hại nặng cho mặt đường.

Video được cho là một chiếc Leopard 1 Biber, nặng 45 tấn, quay đầu trên một đoạn đường ở Pháp. Nguồn: rtdmnst

Điều này giải thích tại sao năm 2018, Lầu Năm Góc chỉ cho phép sử dụng xe bánh xích nhẹ (như Humvee) trong kế hoạch diễu binh, theo Guardian.

Cách khắc phục để có thể dùng xe tăng duyệt binh

Một trong những cách đơn giản và hiệu quả nhất là lắp thêm các đệm cao su vào bánh xích của xe tăng. Những miếng đệm này giúp giảm ma sát với mặt đường và phân tán lực tiếp xúc, từ đó hạn chế đáng kể tình trạng rãnh sâu và bong tróc lớp nhựa đường.

Ngoài ra, việc trải tạm các tấm bảo vệ lên mặt đường trước khi xe tăng di chuyển cũng là một lựa chọn khả thi. Tùy theo điều kiện cụ thể, các tấm nhôm, thép tổ ong hoặc thảm chống mài mòn có thể được triển khai, tạo ra lớp chắn lực hiệu quả mà vẫn dễ dàng thu dọn sau buổi duyệt binh. Tuy nhiên, những cách trên khá lích kích, phải sản xuất riêng một số phụ kiện với số lượng ít, và không phù hợp khi thời gian tập luyện kéo dài.

Nếu cuộc duyệt binh là sự kiện được lên kế hoạch lâu dài và lặp lại hàng năm, giới chức có thể cân nhắc thiết kế đường theo tiêu chuẩn quân sự, như quy chuẩn UFC 3-250-01 của Bộ Quốc phòng Mỹ. Quy chuẩn này cung cấp các thông số chi tiết về độ dày, vật liệu và khả năng chịu lực cho đường có xe tăng di chuyển, đảm bảo sự cân bằng giữa hiệu quả tổ chức và an toàn hạ tầng đô thị.

Daily NK (trang tin chuyên về Triều Tiên) hồi tháng 7/2024 có trích dẫn nguồn tin nội bộ và phân tích ảnh vệ tinh cho biết, một số tuyến đường tại sân bay Mirim – nơi luyện tập diễu binh – đã được gia cố nhằm đảm bảo mặt đường không bị nứt, hỏng khi các loại phương tiện quân sự nặng như xe tăng, xe bọc thép luyện tập và diễu binh.

Trên mạng xã hội Reddit, có ý kiến cho rằng một số tuyến đường dùng cho duyệt binh ở Moscow dường như được làm bằng vật liệu cứng, chịu lực lớn hơn bình thường. Hiện không có nguồn uy tín nào xác nhận thông tin này.

Nguyễn Thái - (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vi-sao-my-thuong-cam-xe-tang-duyet-binh-204250905192202403.htm
Zalo