Vì sao Mỹ tạm dừng cấp vũ khí cho Ukraine?
Việc Mỹ tạm dừng hoặc giảm viện trợ vũ khí cho Ukraine để ưu tiên dự trữ quốc phòng đã đẩy Kiev vào thế khó hơn bao giờ hết.
Nhà Trắng xác nhận hôm thứ Ba rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã "đóng băng" lô hàng vũ khí phòng không và vũ khí dẫn đường chính xác đang chuẩn bị được gửi đến Ukraine.
Người phát ngôn Nhà Trắng Anna Kelly cho biết: "Quyết định này được đưa ra nhằm đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu sau khi Bộ Quốc phòng xem xét lại sự hỗ trợ và trợ giúp quân sự của quốc gia chúng tôi cho các quốc gia khác trên toàn cầu".

Tổng thống Ukraine Zelensky bên cạnh hệ thống tên lửa phòng không “Patriot”. (Ảnh: Reuters)
Giới hạn kho dự trữ và ưu tiên “lợi ích nước Mỹ”
Theo tiết lộ của Bộ Quốc phòng Mỹ, sau hơn hai năm hỗ trợ khẩn cấp cho Kiev, kho tên lửa phòng không, đạn dược pháo binh cỡ lớn, cũng như các hệ thống phòng thủ hiện đại như Patriot và HIMARS giảm mạnh.
Các cuộc kiểm kê nội bộ cho thấy mức độ sẵn sàng chiến đấu của nhiều đơn vị Mỹ đang suy yếu nghiêm trọng. Một quan chức Lầu Năm Góc thừa nhận: “Chúng tôi không thể để Mỹ rơi vào trạng thái bị động trước các mối đe dọa toàn cầu khác”.
Việc Mỹ đang đình chỉ cung cấp vũ khí cho Ukraine như một phần của chính sách "Nước Mỹ trên hết", đặc phái viên của Washington tại NATO Matthew Whitaker nói với Fox Business. Ông tuyên bố rằng Mỹ cần đảm bảo rằng họ có đủ hệ thống phòng không trong kho vũ khí của mình trước bất kỳ điều gì khác.
Danh sách này có thể bao gồm hàng chục tên lửa đánh chặn Patriot, tên lửa không đối không Stinger và AIM, hàng trăm hệ thống Hellfire và GMLRS, cũng như hàng nghìn quả đạn pháo 155mm.
Quyết định này được cho là xuất phát từ cuộc đánh giá nội bộ về kho dự trữ vũ khí của Mỹ theo lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Pete Hegseth.

Pháo thủ Ukraine chuẩn bị bắn lựu pháo M777 về phía quân đội Nga tại một vị trí trên tuyến đầu ở khu vực Donetsk, Ukraine. (Ảnh: Reuters)
“Đây chính là hình ảnh của ‘Nước Mỹ trên hết’. Trước tiên, chúng ta phải quan tâm đến nhu cầu của Mỹ... Và cần đảm bảo rằng Mỹ có năng lực phòng thủ chiến lược cần thiết để thể hiện sức mạnh”, ông Whitaker nói với người dẫn chương trình Maria Bartiromo của Fox Business.
Giới quan sát cho rằng, động thái này phản ánh tư duy “Nước Mỹ trước tiên” (America First) mà Tổng thống Trump nhấn mạnh trong suốt chiến dịch tranh cử và nhiệm kỳ hiện tại. Việc ưu tiên bổ sung kho dự trữ không chỉ mang tính quân sự, mà còn liên quan đến kinh tế và chính trị nội bộ, nhất là khi các cử tri Mỹ ngày càng hoài nghi về hiệu quả và chi phí của viện trợ nước ngoài.
Một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa coi đây là bước đi cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ Đảng Dân chủ và thậm chí một số thành viên Cộng hòa ôn hòa lại chỉ trích động thái này, cho rằng Mỹ đang “bỏ rơi” đồng minh và gửi đi tín hiệu tiêu cực về cam kết toàn cầu.
Ukraine bị đẩy vào thế khó
Với Ukraine, quyết định của Mỹ như một "gáo nước lạnh" giữa lúc Kiev đang rất cần tăng cường năng lực phòng thủ. Thời gian gần đây, Nga liên tục mở rộng tấn công bằng tên lửa hành trình, máy bay không người lái cảm tử và pháo binh hạng nặng, nhắm vào các thành phố lớn như Kiev, Kharkov và Odessa. Việc thiếu hụt đạn pháo 155 mm và các hệ thống tên lửa phòng không khiến Ukraine lâm vào thế bị động, giảm khả năng bảo vệ các cơ sở hạ tầng chiến lược.
Bộ Ngoại giao Ukraine ngay lập tức triệu tập đại diện ngoại giao Mỹ tại Kiev, yêu cầu làm rõ và hối thúc Washington nối lại viện trợ vũ khí.
Tổng thống Volodymyr Zelensky nhiều lần kêu gọi các đồng minh phương Tây duy trì cam kết, đồng thời nhấn mạnh “chiến trường Ukraine chính là tiền tuyến bảo vệ an ninh châu Âu và trật tự quốc tế.”
Trong khi đó, Nga tuyên bố đang chiếm ưu thế trên thực địa. Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Moskva đang giành được ưu thế trên thực địa, nhờ việc phương Tây “mệt mỏi” và “phân tâm”. Nga đẩy mạnh các chiến dịch ở miền Đông và miền Nam Ukraine, đồng thời đẩy mạnh tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng, vận tải và kho quân nhu.
Trong bối cảnh Mỹ giảm viện trợ, các quốc gia châu Âu buộc phải tăng tốc sản xuất và hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Theo thống kê mới nhất, Liên minh châu Âu (EU) đã cung cấp hơn 72 tỷ euro cho Kiev kể từ khi chiến sự bùng phát, vượt mức viện trợ trực tiếp của Mỹ. Các quốc gia như Đức, Ba Lan, Pháp và Cộng hòa Séc đang nỗ lực mở rộng dây chuyền sản xuất đạn pháo và tên lửa, đồng thời tăng tốc chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraine.
Tuy nhiên, châu Âu vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn, khi năng lực sản xuất các hệ thống vũ khí tiên tiến như Patriot hoặc HIMARS còn hạn chế. Phần lớn công nghệ cốt lõi vẫn phụ thuộc vào Mỹ, khiến khả năng thay thế hoàn toàn trong ngắn hạn gần như không thể.
Tờ ABC News cho biết, Mỹ đóng góp khoảng 130 tỷ USD tổng viện trợ cho Ukraine kể từ năm 2022, trong đó 74 tỷ đô la là viện trợ quân sự. Cộng lại, các quốc gia Liên minh châu Âu đóng góp nhiều hơn về tổng thể - 157 tỷ USD - nhưng ít hơn Mỹ về mặt quân sự.
Tổng thống Zelenskyy cho biết đầu năm nay rằng viện trợ của Mỹ chiếm 30% vũ khí của Ukraine.