Hạn chót áp thuế của Tổng thống Trump cận kề, các nước phản ứng ra sao?
Thời gian tạm hoãn 90 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump về áp thuế đối ứng đối với khoảng 180 đối tác thương mại sẽ kết thúc vào ngày 8/7. Các quốc gia đang phản ứng như thế nào trước hạn chót này?

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang Asia Times, Mỹ đang yêu cầu 4 điều từ tất cả các đối tác thương mại, trong khi lại đưa ra rất ít sự nhượng bộ.
Yêu cầu chính của chính quyền Tổng thống Trump là cân bằng lại thương mại hàng hóa song phương giữa Mỹ và các quốc gia khác. Các quốc gia có thặng dư thương mại - nghĩa là họ xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn giá trị nhập khẩu từ Mỹ - sẽ được khuyến khích nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ và/hoặc xuất khẩu ít hơn sang Mỹ .
Mỹ cũng đang thúc đẩy các quốc gia xóa bỏ một loạt "rào cản phi thuế quan" có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Washington. Những rào cản này được trích từ báo cáo tháng 3/2025 của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) và bao gồm nhiều hành vi "không công bằng", từ thuế giá trị gia tăng đến các tiêu chuẩn an toàn sinh học (chẳng hạn như những tiêu chuẩn mà Australia áp dụng cho hàng nhập khẩu nông sản).
Các hạn chế đối với các dịch vụ thương mại kỹ thuật số, chẳng hạn như quy tắc mặc cả truyền thông của Australia hay thuế dịch vụ kỹ thuật số, cũng phải được xóa bỏ cùng với thuế đối với các công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ. Hôm 1/7, Canada đã bãi bỏ một loại thuế dịch vụ kỹ thuật số mới đối với các công ty như Google và Meta sau khi ông Trump đình chỉ các cuộc đàm phán thương mại.
Các quốc gia cũng phải đồng ý giảm sự phụ thuộc vào đầu vào từ Trung Quốc trong bất kỳ hoạt động xuất khẩu nào sang Mỹ.
Nhìn chung, đây là những điều kiện khó khăn để bất kỳ chính phủ nào chấp nhận nếu không đảm bảo được điều gì đó đổi lại.
Ai nắm giữ các quân bài?
Tổng thống Trump thích nói rằng Mỹ nắm giữ "tất cả các quân bài" trong các cuộc đàm phán thương mại.
Hiện không rõ chính xác có bao nhiêu quốc gia đang đàm phán các thỏa thuận song phương với Washington, nhưng tờ Asia Times cho rằng có từ 10 đến 18 quốc gia là "mục tiêu" ưu tiên.
Nhóm 1 bao gồm những quốc gia phải chịu mức thuế quan đối ứng lớn, do họ không nắm giữ các lá bài và có quyền đàm phán hạn chế. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc nhượng bộ. Hầu hết đây là các nước đang phát triển, một số nước phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ, bao gồm cả những nước nghèo nhất như Bangladesh, Lesotho.
Nhóm 2 bao gồm các quốc gia "giữ quân bài" hoặc có một số mức độ đòn bẩy. Một số quốc gia, chẳng hạn như Canada, Nhật Bản, Ấn Độ và EU, sẽ đảm bảo được những nhượng bộ hạn chế của Mỹ mặc dù họ có thể dùng đến biện pháp trả đũa để buộc phải có kết quả này. Theo các cuộc thảo luận với chính phủ và các nguồn học thuật của chúng tôi, có vẻ như Nhật Bản và Ấn Độ sẽ không trả đũa - nhưng Canada đã từng làm như vậy trước đây và EU có thể sẽ làm như vậy.
Thủ tướng Australia, Anthony Albanese ban đầu cho biết ông sẽ không đàm phán và đã nhắc lại rằng thuế quan qua lại của Mỹ "không phải là hành động của một người bạn".
Tuy nhiên, chính phủ Australia đang khôn ngoan tìm cách củng cố các quân bài đàm phán của mình, chẳng hạn như tạo ra một khu dự trữ chiến lược khoáng sản quan trọng. Các nhà hoạch định chính sách cũng đang nhắc nhở Mỹ về quyền tiếp cận thuận lợi của họ đối với cơ sở hạ tầng quân sự của Australia, điều này có thể rất cần thiết cho bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào giữa Mỹ với đối thủ địa chính trị.
Trung Quốc thuộc Nhóm 3. Chính phủ Trung Quốc quyết tâm không lùi bước trước Washington như họ đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Cái gọi là "Thỏa thuận giai đoạn 1" đã được ký kết nhưng ngay lập tức bị lãng quên ở Bắc Kinh.
Bắc Kinh có một số lá bài, đáng chú ý là sự thống trị của các khoáng sản quan trọng đã qua xử lý và các sản phẩm phái sinh của chúng, đặc biệt là nam châm, và Mỹ không có các lựa chọn cung cấp thay thế ngắn hạn.
Sau khi Trung Quốc mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đất hiếm và khoáng sản quan trọng, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, buộc hãng Ford phải cho ngừng hoạt động một số nhà máy.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Mỹ, Kevin Hassett cho biết có thể sẽ có thêm một số thỏa thuận thương mại được ký kết trước ngày 8/7.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump có khả năng sẽ làm suy yếu hoặc hủy bỏ các thỏa thuận này khi thay đổi ý định.
Vương quốc Anh, sau khi công bố một thỏa thuận thương mại với Mỹ cho phép tiếp cận khá thuận lợi thị trường xuất khẩu ô tô và thép, đã phải chứng kiến nhà lãnh đạo Mỹ tăng gấp đôi thuế thép lên 50%, và tái áp mức thuế 25% lên hàng hóa Anh.
Đó cũng là lý do tại sao các quốc gia thường ký kết những hiệp định thương mại có tính ràng buộc và được điều chỉnh bởi luật pháp quốc nội cũng như quốc tế.
Nhiều quốc gia hiện đang chờ kết quả của các cuộc chiến pháp lý tại Mỹ nhằm xác định liệu tổng thống hay quốc hội có quyền áp đặt thuế quan đơn phương và hy vọng vào khả năng Tòa án Tối cao phán quyết rằng Tổng thống Trump không thể tự ý thay đổi thuế suất.
Chính phủ Nhật Bản mới đây đã tuyên bố tạm dừng các cuộc đàm phán sau khi Mỹ yêu cầu Tokyo tăng chi tiêu quốc phòng.
Tổng thống Trump hôm 29/6 gợi ý rằng ông sẽ chỉ đơn giản là gửi thư đến các quốc gia để thông báo mức thuế suất. “Tôi sẽ gửi thư, thế là chấm hết thỏa thuận thương mại”, ông nói.
Điều này không phải là tín hiệu tốt cho các quốc gia đang đàm phán thiện chí. Nhiều khả năng các mức thuế sẽ được tái áp đặt, và các cuộc đàm phán song phương sẽ kéo dài sang tháng 9 hoặc lâu hơn nữa, như Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã tuyên bố.
Một điều nữa là, ngay cả chính phủ Mỹ cũng có giới hạn về năng lực xử lý quá nhiều cuộc đàm phán cùng lúc. Các đối tác thương mại thuộc nhóm 2 sẽ ngày càng phải thử thách giới hạn chính trị của chính họ. Và phần còn lại của thế giới thì chỉ biết trông chờ vào một phán quyết thuận lợi từ Tòa án Tối cao Mỹ về quyền của Tổng thống, một phán quyết có thể chẳng bao giờ đến.