Vì sao Mỹ quyết định hồi sinh tiêm kích F-5E?

Vào ngày 30/4, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo rằng họ sẽ chi 58,8 triệu đô la để nâng cấp hệ thống và thiết bị điện tử hàng không cho máy bay F-16 và F-5 của Hải quân Mỹ.

Việc nâng cấp những dòng chiến đấu cũ này sẽ giúp hải quân Mỹ có được phi đội tiêm kích hạng nhẹ nhanh nhẹn để dùng huấn luyện.

F-5 là một máy bay nhỏ hơn, đơn giản hơn được Northrop thiết kế vào những năm 1950 như một máy bay chiến đấu nhẹ, tiết kiệm chi phí để xuất khẩu.

Mặc dù không còn là máy bay chiến đấu tiền tuyến của Mỹ, phiên bản nâng cấp F-5E Tiger II và các biến thể của nó vẫn đóng vai trò quan trọng đối với các chương trình huấn luyện của hải quân Mỹ.

Với hai động cơ, tốc độ tối đa Mach 1.6 và thiết kế được tối ưu hóa cho sự nhanh nhẹn, F-5E chủ yếu được sử dụng như một máy bay tấn công trong các cuộc tập trận như các cuộc tập trận do các đơn vị Phi đội tiêm kích hỗn hợp (VFC) của hải quân tiến hành.

Các máy bay phản lực này mô phỏng máy bay đối phương, chẳng hạn như MiG-29 của Nga hoặc J-10 của Trung Quốc, cung cấp chương trình huấn luyện thực tế cho các phi công Mỹ.

Chi phí vận hành thấp và khả năng cơ động của F-5E khiến nó trở nên lý tưởng cho vai trò này, mặc dù đã cũ.

Hải quân vận hành một phi đội F-5E tại các căn cứ như căn cứ không quân hải quân Fallon, Nevada, nơi có chương trình TOPGUN nổi tiếng.

Nơi đây, hải quân Mỹ sẽ sao chép các chiến thuật của đối phương để rèn luyện kỹ năng của các phi công Mỹ.

F-5E Tiger II là đối thủ của tiêm kích MiG-21, loại tiêm kích hạng nhẹ của Mỹ này được chính các chuyên gia Liên xô đánh giá cao khi nhận được một số chiếc từ Việt Nam chuyển giao sau chiến tranh.

Đại tá Vladimir Kandaurov, một trong ba phi công thử nghiệm lái chiếc F-5E khi vừa tiếp xúc với máy bay đã cực kỳ ấn tượng với thiết kế buồng lái của chiến đấu cơ này.

Vị phi công Liên Xô này đánh giá nó tốt ở khả năng thân thiện với phi công, có cả bàn đạp phanh, trong khi máy bay Liên Xô lại không có tiện ích này lúc đó.

Chuyên gia Liên Xô qua nghiên cứu thử nghiệm cũng đánh giá rằng, trong cận chiến quần vòng, F-5E Tiger II giành được nhiều thắng lợi hơn trước MiG-21.

Có được ưu thế này là do F-5E có sự cơ động dễ dàng của một máy bay nhỏ nhẹ, với thiết kế khí động học tốt, hệ thống điều khiển ngắm bắn hiệu quả

F-5E có phi hành đoàn một người, chiều dài của máy bay là 14,4 m, sải cánh 8,13 m, chiều cao 4,08 m.

F-5E có trọng lượng rỗng 4.349 kg, trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 11.187 kg.

Máy bay được trang bị hai động cơ J85-GE-21B có lực đẩy khô 15,5kN, khi đốt tăng lực lần hai là 22,2 kN.

Với hai động cơ này giúp F-5E đạt tốc độ bay 1.700 km/h, tầm bay 3.720 km, bán kính chiến đấu 1.405 km.

Tổng số vũ khí mang theo lên tới 3.200 kg trong đó chúng có thể triển khai tên lửa không đối không, rocket và các loại bom nhỏ.

Mỹ đã sản xuất khoảng 1.400 chiếc F-5E và F-5F (mẫu hai chỗ ngồi để huấn luyện) và đã xuất khẩu tới khoảng 30 quốc gia trên thế giới.

Đến ngày nay, vài trăm chiếc vẫn còn tồn tại trong không quân nhiều nước trên thế giới. Iran thậm chí đã sao chép thành công chiến đấu cơ này và đặt tên là Kosar.

Việt Hùng

Theo Bulgarianmilitary

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-my-quyet-dinh-hoi-sinh-tiem-kich-f-5e-post610577.antd
Zalo