Vì sao lùi thời điểm ban hành quy chuẩn khí thải xe máy 1-2 tháng?

Dự kiến Quy chuẩn Việt Nam về khí thải đối với xe máy dự kiến sẽ được ban hành trong tháng Năm hoặc tháng Sáu tới (thay vì trong tháng 4/2025 theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà).

Nhức nhối ô nhiễm không khí tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Nhức nhối ô nhiễm không khí tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Đại diện lãnh đạo Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ngày 24/4/2025, cho biết dự kiến Quy chuẩn Việt Nam về khí thải đối với xe máy sẽ được ban hành trong tháng Năm hoặc tháng Sáu tới.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 111/TB-VPCP ngày 17/3/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp nghe báo cáo về xây dựng và lộ trình áp dụng các Quy chuẩn Việt Nam về khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành.

Trên cơ sở nghe báo cáo và tình hình ô nhiễm không khí tại các địa phương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương ban hành theo thẩm quyền Quy chuẩn Việt Nam về khí thải đối với xe ôtô đang lưu hành trong tháng 3/2025, ban hành Quy chuẩn Việt Nam về khí thải đối với xe mô tô (xe máy) đang lưu hành trong tháng 4/2025.

Thông tin về việc lùi thời điểm ban hành quy chuẩn khí thải xe máy 1-2 tháng, tại Hội thảo khoa học quốc gia về kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam, diễn ra trong ngày 24/4, Phó Cục trưởng Cục Môi trường - ông Lê Hoài Nam cho rằng tinh thần là các quy định về khí thải sẽ chặt chẽ hơn, có lộ trình áp dụng với từng địa phương, đặc biệt là tại các đô thị lớn đang ô nhiễm nặng như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng theo ông Nam, việc lấy ý kiến cũng đang được Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện tương tự với tiêu chuẩn khí thải ôtô.

Theo Cục Môi trường, việc ban hành quy chuẩn về khí thải xe máy là một trong số những giải pháp để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí đang trở thành vấn đề nhức nhối hiện nay, nhất là tại các đô thị lớn.

Dẫn kết quả quan trắc năm 2024, ông Nam cho hay chỉ số bụi mịn PM 2.5 tại hầu hết các tỉnh thành phía Bắc (như Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Thái Nguyên) đều vượt quy chuẩn.

Trong các nguyên nhân, theo lãnh đạo Cục Môi trường, cũng như các chuyên gia tại hội thảo, hoạt động giao thông (như khí thải, bụi đường) được xếp cao nhất với tỷ lệ đóng góp hơn một nửa so với các nguồn khác như công nghiệp, xây dựng, đốt mở (đốt rơm rạ, rác thải ngoài trời), dân sinh.

Đối với nguồn thải từ phương tiện giao thông, ông Nam cũng cho biết Việt Nam hiện có trên 70 triệu xe môtô, xe máy đăng ký lưu hành, trong đó hơn 45 triệu đang được người dân sử dụng hàng ngày. Theo Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng), xe máy là nguồn phát thải ô nhiễm lớn nhất, nhưng chưa được kiểm soát vì Luật Giao thông đường bộ cũ chưa quy định.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo với tinh thần thúc đẩy việc kiểm soát ô nhiễm không khí, Tiến sỹ Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, nhấn mạnh chất lượng không khí kém là một nguy cơ đáng kể đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, hộ nghèo và những đối tượng ảnh hưởng trực tiếp.

“Nếu không hành động sớm, tác hại đến sức khỏe từ ô nhiễm không khí có thể đe dọa những thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong những thập kỷ gần đây,” Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cảnh báo./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/vi-sao-lui-thoi-diem-ban-hanh-quy-chuan-khi-thai-xe-may-1-2-thang-post1034767.vnp
Zalo