Vì sao không sử dụng nước biển để dập tắt các đám cháy rừng ở California?
Khi các đám cháy Palisades và Eaton tiếp tục thiêu rụi miền Nam California, nhiều người đặt câu hỏi liệu có giải pháp nào tốt hơn để dập tắt ngọn lửa hay không?
Ít nhất 24 người đã thiệt mạng và nhiều người mất tích khi ngọn lửa dữ dội tàn phá Nam California, trong những gì mà Thống đốc Gavin Newsom cho biết là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ xét về quy mô và phạm vi thiệt hại.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 12/1 theo giờ địa phương, Thống đốc Newsom cho hay có thể có thêm nhiều trường hợp tử vong hơn nữa trong khi số người mất tích dự kiến sẽ nhanh chóng tăng lên hàng chục người giữa lúc các đội tìm kiếm tiếp tục công việc của họ.
Dự báo thời tiết cho thấy gió mạnh và nguy hiểm vẫn tiếp tục nhiều diễn biến phức tạp vào tuần này, khiến việc dập lửa gặp nhiều khó khăn.
Khi những đám cháy rừng bùng phát dữ dội ở Los Angeles trong tuần trước, các trụ cứu hỏa đã nhanh chóng cạn kiệt. Chính quyền bang California phải mở một cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân.
Trong khi đó, nhiều người đặt câu hỏi tại sao Los Angeles không tận dụng nguồn nước biển dồi dào gần đó để dập lửa?
Thực tế, có thể sử dụng nước biển để dập lửa nhưng vấn đề không chỉ đơn giản là ra bãi biển lấy nước và chuyển đến các sườn đồi của Los Angeles. Việc sử dụng nước biển để dập lửa có một số hạn chế, cả về kỹ thuật, môi trường và những tác động về lâu dài.
Tính ăn mòn của nước biển
Hiện tại các trụ cửu hỏa không thể sử dụng nước biển vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là chúng sử dụng cùng hệ thống đường ống cung cấp nước ngọt cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp. Chi phí lắp đặt hệ thống vòi cứu hỏa nước mặn mới kết nối với máy bơm nước biển sẽ là điều “rất vô lý”.
Các trụ cứu hỏa và nhiều công cụ chữa cháy khác được làm từ kim loại, dễ bị rỉ sét khi tiếp xúc với oxy và nước. Các chuyên gia giải thích rằng, muối trong nước biển khiến quá trình ăn mòn này diễn ra nhanh hơn vì nó hoạt động như một chất điện giải, làm cho sắt mất đi các electron dễ dàng hơn.
Theo các chuyên gia, muối còn làm giảm hiệu quả làm mát của nước, khiến khả năng dập lửa không tối ưu. Cụ thể, muối làm giảm khả năng hấp thụ nhiệt. Nước biển chứa muối và các khoáng chất, làm thay đổi tính chất vật lý của nước. So với nước ngọt, nước biển có nhiệt dung thấp hơn một chút, nghĩa là khả năng hấp thụ và lưu giữ nhiệt lượng bị giảm. Điều này khiến nước biển kém hiệu quả hơn trong việc làm mát bề mặt đang cháy.
“Muối trong nước biển gây hại cho hệ thống bơm và cả kết cấu kim loại của máy bay chữa cháy. Việc làm sạch thiết bị sau khi sử dụng cũng là một thách thức lớn”, Frank Papalia, một chuyên gia an toàn cháy nổ tại Mỹ, giải thích.
Muối trong nước biển cũng có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến đất và hệ sinh thái tại khu vực cháy rừng. Khi lượng muối lớn ngấm vào đất, nó sẽ làm tăng độ mặn, khiến cây cối khó hấp thụ nước và chất dinh dưỡng qua rễ. Điều này làm cho đất trở nên độc hại, kém màu mỡ và giảm khả năng phục hồi.
Theo ông Patrick Megonigal, một nhà sinh thái học tại Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Smithsonian, điều kiện khô hạn ở miền Nam California có thể khiến muối tồn tại lâu trong đất và một số cây có thể không chịu được.
“Các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm của chúng tôi cho thấy muối làm cho đất sét và các hạt khác phân tán và di chuyển trong đất. Những thay đổi trong hóa học và cấu trúc đất có thể kéo dài trong nhiều năm” Megonigal ông cho hay.
Ngoài ra, muối có thể trôi vào các nguồn nước ngọt, đe dọa hệ sinh thái và đời sống động thực vật tại khu vực lân cận.
Papalia cho biết, trong khi nước mặn có thể gây hư hại cơ sở hạ tầng, giết chết động vật hoang dã và gây ra những hậu quả khác, đôi khi đó là sự đánh đổi cần thiết.
Số lượng máy bay chở nước biển hạn chế
Ông Papalia cho biết, trong khi nước biển có thể gây hư hại cơ sở hạ tầng, thiết bị và ảnh hưởng đến môi trường, nhưng đôi khi cũng buộc phải đánh đổi khi cần thiết.
“Trong trường hợp các đám cháy đang bùng phát mạnh và lan rộng như hiện nay việc sử dụng nước biển để dập lửa cũng không phải là điều tệ hại. Vấn đề là chúng ta bị giới hạn về số lượng máy bay có thể bay dập lửa cùng một lúc, quãng đường chúng phải bay và lượng nước chúng có thể chứa”, ông Papalia nói.
Với hơn 60 máy bay, California sở hữu phi đội dân sự lớn nhất thế giới phục vụ công tác chữa cháy. Tuy nhiên, một số máy bay chữa cháy chỉ được thiết kế để mang và phát tán chất chống cháy chứ không phải nước.
Đối với những máy bay có thể mang nước, cũng chỉ có một số ít trong số đó có khả năng lấy nước từ Đại Tây Dương.
Các máy bay CL-415, còn gọi là “Super Scooper”, đã lấy nước từ biển để khống chế đám cháy Palisades, trong khi lính cứu hỏa trên mặt đất cố gắng kiểm soát đám cháy.
Theo công ty phần mềm quản lý hàng không WinAir, những chiếc máy bay trị giá 25 triệu USD này có thể mang theo 6,3 tấn nước. Tuy nhiên, một trong hai chiếc máy bay đã phải ngừng hoạt động tạm thời vì hư hại do va phải một chiếc máy bay không người lái không có giấy phép.
Gió Santa Ana mạnh cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc vì sao các máy bay chữa cháy, bao gồm cả Super Scoopers, không phải lúc nào cũng có thể thực hiện nhiệm vụ thả nước và rải chất chống cháy.
“Nhiễu động không khí phía trên một đám cháy là rất lớn và khi kết hợp với điều kiện gió mạnh, nó có thể gây nguy hại đến tính mạng, khiến việc bay phía trên những đám cháy gần như bất khả thi. Khi gió vượt quá 48km/h, chất chống cháy và nước cũng bay lơ lửng như sương mù chứ không thể rơi xuống như mưa”, người phát ngôn Sở cứu hỏa California cho biết.
Los Angeles có đủ nước để dập lửa không?
Nếu nước biển không phải là lựa chọn tốt nhất để dập lửa, vậy câu hỏi còn lại là liệu Los Angeles có đủ nước để đối phó với các đám cháy hay không?
Nghị sĩ Judy Chu, hạ nghị sĩ đảng Dân chủ đại diện cho các khu vực đang bị ảnh hưởng bởi cháy rừng ở Los Angeles nói rằng, các cơ quan cứu hỏa đã đảm bảo sẽ có “đủ nước” để tiếp tục chiến đấu với các đám cháy dù có những lo ngại về áp lực nước trong khu vực.
Bà cho biết, gió mạnh khiến các đám cháy rất khó dập tắt và khiến các đội cứu hỏa bị quá tải.
“Đây không phải là một sự cố bình thường và nhiều trụ nước cứu hỏa đã phải hoạt động cùng lúc. Cũng có trường hợp nguồn điện dùng để bơm nước đã bị ngắt để không gây thêm các đám cháy khác”, bà Judy Chu nói.