Vì sao không đưa bảo vật quốc gia ngai vàng vua Nguyễn vào lồng kính bảo vệ?

Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và chuyên gia giải thích lý do không đưa bảo vật ngai vàng vua Nguyễn vào lồng kính để bảo vệ.

Sau sự việc gã đàn ông lẻn vào khu vực cấm, phá hoại ngai vua triều Nguyễn, nhiều người thắc mắc tại sao không đưa bảo vật quốc gia này đặt trong lồng kính cường lực để bảo vệ, hoặc sử dụng bản sao của bảo vật phục vụ trưng bày.

Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, ý kiến đưa ngai vua triều Nguyễn vào trong lồng kính từng được ra bàn luận. Qua xem xét, nghiên cứu, phương pháp này không phù hợp vì bảo vật quốc gia là hệ thống từ trên xuống dưới, việc che chắn sẽ ảnh hưởng đến không gian di sản.

Ngai vua triều Nguyễn là bảo vật quốc gia, tính độc bản, thể hiện quyền uy tối thượng của vương triều. (Ảnh: Lê Hoàng)

Ngai vua triều Nguyễn là bảo vật quốc gia, tính độc bản, thể hiện quyền uy tối thượng của vương triều. (Ảnh: Lê Hoàng)

"Trong Điện Thái Hòa, nếu dựng hàng rào cao 1,8m sẽ làm mất đi tính nguyên trạng và giá trị không gian. Quần thể di tích Cố đô Huế rất rộng lớn, vì vậy mọi phương án bảo vệ, trưng bày hiện vật đều phải được xây dựng sao cho vừa tuân thủ quy định pháp luật, vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn", ông Hoàng Việt Trung nói.

Cũng có đề xuất nên trưng bày bản sao thay vì hiện vật thật, nhưng ông Trung nói làm như vậy sẽ làm mất đi ý nghĩa thực sự của việc trưng bày. Việc này còn cần không gian lưu trữ bản gốc, kinh phí làm bản sao rất lớn và hiện chưa có quy định hay luật cụ thể. Nếu pháp luật có quy định rõ ràng thì có thể thực hiện.

18 năm gắn bó với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (1990 - 2007), cũng là người trực tiếp viết hồ sơ đề nghị công nhận ngai vàng triều Nguyễn là Bảo vật quốc gia, TS Trần Đức Anh Sơn (nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) - thông tin, mọi chi tiết của chiếc ngai vàng, từ kích thước tới những điểm chạm khắc tinh xảo hay hình ảnh "long vân khánh hội", ông đều từng tự tay khảo tả để đưa vào hồ sơ. Ông rất sốc và buồn lòng khi nghe tin về sự cố ngai vua triều Nguyễn bị phá hoại.

Ông cũng nhận được nhiều câu hỏi vì sao không lắp thiết bị bảo vệ ngai vàng, như tủ kính cường lực chẳng hạn. Trưng bày hiện vật trong chính Điện Thái Hòa, cũng như trong điện thờ các vua là hình thức tái hiện lịch sử, nên hiện vật trong các di tích này luôn được trưng bày giống như được bài trí, thờ tự trước đây. Vì thế không thể để ngai vàng trong tủ kính cường lực.

TS Sơn cũng từng đi thăm cung điện của hoàng đế nhà Thanh ở Cố cung Bắc Kinh, thăm tẩm thờ các vua nhà Minh trong Minh thập tam lăng ở ngoại ô Bắc Kinh, thăm cung điện các vua triều Joseon ở Gyongbokgung và Changdoekgung ở Seoul. Thăm cung điện của Thiên hoàng Nhật Bản ở Kyoto. Ông nhận thấy không nơi nào sử dụng tủ kính cường lực để bảo vệ ngai vàng của các bậc đế vương. Việc ngai vua triều Nguyễn được trưng bày mà không có tủ kính bảo vệ, cũng tương tự hình thức trưng bày ở những nơi kể trên là hoàn toàn hợp lý và hợp lệ.

Để tránh các sự cố tương tự với ngai vua triều Nguyễn, TS Trần Đức Anh Sơn cho rằng, không cho du khách thâm nhập vào nội Điện Thái Hòa, mà giữ khách ở bên ngoài. Mở ba ô cửa lớn ở mặt tiền để du khách đứng trên thềm tiền cung điện, có hàng rào ngăn cách và nhìn vào bên trong. Phương án này cũng nên làm tương tự với Thế Miếu (di tích quan trọng khác trong Đại Nội Huế - PV) và những điện thờ các vua Nguyễn ở các lăng.

"Tất cả cung điện mà tôi từng tham quan ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp đều giữ khách ở bên ngoài các chính điện trong hoàng cung của họ...", TS Trần Đức Anh Sơn nói.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nên tổ chức lại tuyến tham quan trong nội thất Điện Thái Hòa, và cả Thế Miếu, thành tuyến tham quan bắt đầu từ bậc thềm tiền điện, đi vào chái hữu của Điện Thái Hòa, dẫn ra hậu điện rồi ra ngoài, không cho du khách thâm nhập nội thất chính điện.

Điện Thái Hòa nơi đặt ngai vua triều Nguyễn. (Ảnh: Nguyễn T.A Phong)

Điện Thái Hòa nơi đặt ngai vua triều Nguyễn. (Ảnh: Nguyễn T.A Phong)

Trung tâm cũng nên áp dụng cách thức mà cung điện Potsdam, cung điện Versailles và nhiều bảo tàng trên thế giới áp dụng. Đó là dùng cảm biến (sensor) để kiểm soát du khách cố tình thò tay, thò đầu qua vạch/ dây/ hàng rào ngăn cách khu vực tham quan với khu vực trưng bày.

Khi du khách thò tay hay thò đầu qua vạch thì cảm biến sẽ phát thanh báo động để cảnh báo du khách dừng lại, nhân viên bảo vệ lập tức có mặt để can thiệp. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng du khách đột nhập vào khu vực cấm mà nhân viên bảo vệ không biết.

Trưa 24/5, ngai vua triều Nguyễn bị Hồ Văn Phương Tâm (SN 1983, nơi ở hiện tại quận Bình Tân, TP.HCM) lẻn vào phá hoại. Ngai bị kẻ này bẻ phần tựa tay bên trái và đập phá làm phần tựa tay gãy ra thành nhiều mảnh vỡ. Tâm đang bị Cơ quan CSĐT Công an TP Huế tạm giữ hình sự để phục vụ công tác điều tra.

Sau sự việc, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chỉ đạo Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đưa ngai vua triều Nguyễn về lưu giữ, bảo quản tại kho cổ vật. Đồng thời, đơn vị này đưa ngai phục chế đến trưng bày tại Điện Thái Hòa phục vụ du khách.

Về ngai vàng bị hư hỏng, thời gian tới Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức thành lập Hội đồng đánh giá tình trạng hiện vật, xây dựng phương án bảo quản, xử lý hiện vật báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định của Luật Di sản Văn hóa.

NGUYỄN VƯƠNG

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-sao-khong-dua-bao-vat-quoc-gia-ngai-vang-vua-nguyen-vao-long-kinh-bao-ve-ar945349.html
Zalo