Vì sao không cấm sóng nghệ sĩ Việt lệch chuẩn?
Xoay quanh câu chuyện 'phong sát', 'cấm sóng' các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức lối sống hay thuần phong mỹ tục, nhiều chuyên gia ủng hộ việc có biện pháp xử phạt bằng việc hạn chế hình ảnh, sự xuất hiện của các nghệ sĩ vi phạm trên các phương tiện truyền thông cũng như các sự kiện, hoạt động biểu diễn.
Không dùng cụm từ "phong sát", "cấm sóng"
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ngày 5/5, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử (PTTH&TTĐT) Lê Quang Tự Do cho biết tại một số nước như Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp như “phong sát”, "cấm sóng" nghệ sĩ có vi phạm về pháp luật, đạo đức lối sống hay thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, Việt Nam không áp dụng các biện pháp này.
Lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT khẳng định việc thực hiện "cấm sóng" hay “phong sát” được thực hiện theo căn cứ pháp lý. Tại Việt Nam, các hoạt động bị cấm của công dân được quy định cụ thể trong văn bản pháp luật. Vì vậy, cơ quan quản lý hướng tới biện pháp “mềm” bằng việc hạn chế hình ảnh, sự xuất hiện của các nghệ sĩ vi phạm trên các phương tiện truyền thông cũng như các sự kiện, hoạt động biểu diễn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) đã soạn dự thảo quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, KOLs (người có tầm ảnh hưởng) có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Dự thảo được gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và đang chỉnh sửa hoàn thiện.
Trước đó, tại tọa đàm Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ - Likeday tổ chức ngày 19/4, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) cho biết Cục Nghệ thuật biểu diễn làm việc với các bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ TT&TT để đưa ra quy chế phối hợp nhằm giảm tác động tiêu cực của các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.
Ông Trần Hướng Dương cho rằng không nên dùng "phong sát", "cấm sóng" vì những từ ngữ này chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam.
“Nếu ứng xử của cá nhân gây tác động lớn, biện pháp áp dụng có thể là hạn chế hoạt động, thậm chí mạnh tay nữa. Cơ quan quản lý đang đề xuất các giải pháp, cân nhắc việc giảm sức ảnh hưởng nếu nghệ sĩ vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục…”, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn chia sẻ.
Lãnh đạo Cục NTBD khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ, với một mục yêu cầu riêng về cách hành xử trên không gian mạng.
Không cấm nhưng hạn chế hình ảnh
Xoay quanh câu chuyện xử phạt các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức lối sống hay thuần phong mỹ tục, nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đồng tình với việc xử nghiêm những người có hành vi vi phạm.
"Nếu không đưa ra những điều bị cấm đoán, đôi khi nghệ sĩ sẽ trượt dài trên những sai phạm của mình", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư nói.
Nghệ sĩ, người của công chúng luôn có lượng lớn người hâm mộ, vì vậy khi họ biểu diễn trên khấu, ứng xử ngoài đời, mọi hành vi, lời nói của họ đều ảnh hưởng đến xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
Tuy nhiên, một số nghệ sĩ chưa nhận thức được sứ mệnh của mình mà lợi dụng sự yêu thích, thần tượng của giới trẻ để phát ngôn thiếu cân nhắc, thậm chí có những hành vi lệch chuẩn, vi phạm đạo đức, trái thuần phong mỹ tục.
"Thực tế, mỗi người đều có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế xã hội, tuy nhiên nếu nghệ sĩ không thể tự ý thức, điều chỉnh, lúc này cần đến sự điều chỉnh đến từ những quy định, quy ước. Nếu không đưa ra những điều bị cấm đoán, đôi khi nghệ sĩ sẽ trượt dài trên những sai phạm của mình", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật T.Ư chia sẻ với Tiền Phong.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định phải xem xét kỹ lưỡng để đưa ra những hình phạt hợp lý tránh những hệ lụy không mong muốn, đồng thời đảm bảo tính nhân văn trong quản lý.
Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội PGS.TS. Bùi Hoài Sơn đề xuất xây dựng các chương trình đào tạo, hỗ trợ nghệ sĩ để họ hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc truyền tải thông tin đến khán giả và cộng đồng.
Công chúng thực tế cũng đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh hành vi của nghệ sĩ. Bởi những hành vi như không chia sẻ, thích, tẩy chay những sản phẩm độc hại, những hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược lại với giá trị đạo đức cộng đồng trở thành áp lực rất lớn đối với các nghệ sĩ, buộc họ phải thay đổi hành vi của mình.
Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn NSƯT Trần Ly Ly trước đó khẳng định với Tiền Phong rằng quy trình xử lý được xây dựng theo hướng đảm bảo sự công khai, khách quan.
“Đây là sự phối hợp liên bộ, của nhiều cơ quan liên quan để thẩm định về nội dung, tư tưởng… nhằm xác định sai phạm. Tổ chuyên trách quyết định thời gian hạn chế xuất hiện trên truyền thông hay hạn chế tham gia các hoạt động biểu diễn theo mức độ vi phạm, mức độ ảnh hưởng với cộng đồng”, bà Trần Ly Ly chia sẻ.
Sau khi quy trình trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, KOLs có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục được ban hành, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan, chủ động kiểm tra, giám sát các đơn vị, địa bàn về công tác hoạt động nghệ thuật biểu diễn.