Vì sao kết quả kinh doanh của Sabeco đi lùi?
Thương vụ mua lại Bia Bình Tây (Sabibeco) làm phát sinh chi phí tài chính và gia tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, trong khi Sabeco vẫn phải hơn 900 tỷ đồng cho quảng cáo, khuyến mại.

Nửa đầu năm, Sabeco đã chi 900 tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo và khuyến mại nhằm thúc đẩy doanh số. Ảnh: Sabeco.
Theo báo cáo tài chính quý II/2025, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (HoSE: SAB) ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.804 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2024.
Lợi nhuận gộp của nhà sản xuất bia đi ngang ở mức 2.448 tỷ đồng, chủ yếu nhờ cải thiện biên lợi nhuận gộp từ 30,2% lên 36%.
Kỳ vừa qua, các chi phí vận hành đều tăng. Đáng kể nhất là chi phí tài chính tăng gần gấp đôi lên hơn 15 tỷ đồng, hay chi phí quản lý tăng 36% lên 239 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ thuế và chi phí, Sabeco báo lãi sau thuế 1.251 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của chủ thương hiệu Bia Sài Gòn đạt 12.615 tỷ đồng, giảm 17%. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.050 tỷ đồng, giảm gần 13%.
Giải trình về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, Sabeco cho biết tình trạng doanh thu thuần thấp hơn cùng kỳ chủ yếu do sự sụt giảm sản lượng vì thời điểm Tết khác nhau (tháng 1/2025 so với tháng 2/2024), cạnh tranh gay gắt trên thị trường và việc Bia Bình Tây (Sabibeco) trở thành công ty con kể từ ngày 3/1 khiến thuế tiêu thụ đặc biệt tăng theo.
Kết quả kinh doanh cũng chịu ảnh hưởng từ việc thu nhập lãi tiền gửi giảm và chi phí tài chính tăng phát sinh từ thương vụ mua lại Sabibeco.
Mặt khác, để cải thiện tình hình kinh doanh, nhà sản xuất bia hàng đầu Việt Nam vẫn chịu chi hàng trăm tỷ đồng cho các chiến dịch khuyến mại và quảng cáo. Tính riêng nửa đầu năm, Sabeco đã chi hơn 900 tỷ đồng phục vụ hoạt động này, giảm 13% so với cùng kỳ.
Năm nay, Sabeco đặt mục tiêu 44.819 tỷ đồng doanh thu và 4.835 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với kế hoạch, công ty hoàn thành lần lượt 40% và 42% chỉ tiêu cả năm.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của chủ Bia Sài Gòn giảm nhẹ so với đầu năm xuống 33.200 tỷ đồng. Đáng chú ý, chiếm 65% tổng tài sản là các khoản tiền gửi ngân hàng, qua đó mang về cho công ty hơn 490 tỷ đồng lãi tiền gửi trong nửa năm.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả ghi nhận ở mức hơn 10.300 tỷ đồng, tăng 15%. Phần lớn nợ là các khoản thuế phải nộp Nhà nước, cổ tức phải trả. Trong khi đó, nợ vay chỉ khoảng 350 tỷ đồng.
Vừa qua, Sabeco đã chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức đợt 2 năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 30%. Thời gian thanh toán dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7, tổng giá trị chi trả vượt 3.900 tỷ đồng cho gần 1,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành.
Trước đó, Sabeco đã tạm ứng cổ tức đợt 1 hồi tháng 1 với tỷ lệ 20%. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn tất việc chia cổ tức tiền mặt cho năm tài chính 2024 ở mức tổng cộng 50%.
Sabeco nằm trong nhóm hiếm hoi duy trì chính sách cổ tức bằng tiền mặt ổn định và hào phóng suốt gần một thập kỷ qua. Từ năm 2016 đến nay, công ty luôn chia cổ tức đều đặn mỗi năm với tỷ lệ 30-50% bất kể biến động thị trường.
Theo kế hoạch, tỷ lệ chia cổ tức cho năm tài chính 2025 vẫn được giữ ở mức 50%.