Làm đêm theo giờ Mỹ, sống ngày ở Việt Nam

Theo chuyên gia, xu hướng làm việc online cho doanh nghiệp nước ngoài ngày càng phổ biến, sẽ tái định hình thị trường lao động Việt Nam, cho thấy chiến lược của công ty quốc tế.

Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành BeriS, công ty tư vấn giải pháp doanh nghiệp bền vững
Cựu Giám đốc điều hành TalentView Việt Nam, công ty tư vấn xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng trong khu vực ASEAN

Xu hướng làm việc từ xa cho các doanh nghiệp nước ngoài bùng nổ mạnh mẽ tại Việt Nam từ đại dịch Covid-19. Trước đại dịch, hình thức này đã tồn tại, nhưng chỉ là một ngách nhỏ.

Covid-19 phần nào chứng minh tính khả thi của làm việc từ xa trên quy mô toàn cầu, mở ra cánh cửa cho nhân sự tại Việt Nam tiếp cận thị trường lao động quốc tế mà không cần phải di cư. Sau đại dịch, xu hướng này không những duy trì, mà còn được củng cố, trở thành một phần không thể thiếu của bức tranh thị trường lao động hiện đại.

Xu hướng bùng nổ

Số liệu trong Báo cáo Lực lượng Lao động Hiện đại 2025 của TalentView chỉ ra xu hướng làm việc linh hoạt, bao gồm làm việc từ xa cho công ty nước ngoài, phát triển mạnh mẽ.

55% nhân tài chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm mới trong năm qua thông qua các kênh trực tiếp và đáng tin cậy như trang web công ty (46%), JobStreet (40%) và LinkedIn (28%). Điều này cho thấy sự chủ động của nhân sự trong việc tìm kiếm các cơ hội phù hợp, không bị giới hạn bởi địa điểm địa lý, mở rộng ra nhiều thị trường như Bắc Mỹ, Australia, Anh, Hàn Quốc...

Theo quan sát của tôi và dữ liệu từ các báo cáo liên quan, nhân sự làm việc online cho doanh nghiệp nước ngoài thường ở các lĩnh vực như Công nghệ Thông tin, Digital Marketing, Thiết kế, Ngân hàng/Tài chính/Bảo hiểm, FMCG/Bán lẻ/Bán hàng trực tiếp/Thương mại điện tử, Dịch vụ Gia công Quy trình Kinh doanh (BPO) và Chăm sóc sức khỏe.

Đây là các ngành ít phụ thuộc vào sự hiện diện vật lý, có thể thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số và yêu cầu chuyên môn sâu.

 Các ngành như IT, marketing số, thiết kế hay BPO dẫn đầu xu hướng làm việc từ xa cho doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh minh họa: Pavel Danilyuk/Pexels.

Các ngành như IT, marketing số, thiết kế hay BPO dẫn đầu xu hướng làm việc từ xa cho doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh minh họa: Pavel Danilyuk/Pexels.

Theo tôi, xu hướng trên hoàn toàn có khả năng tái định hình thị trường lao động trong nước. Về lý do chính dẫn đến thay đổi này, tôi cho rằng sự linh hoạt và khả năng cân bằng cuộc sống là động lực lớn nhất.

Sau đại dịch, nhiều nhân sự trải qua sự tự do và khả năng tự chủ khi làm việc từ xa. Báo cáo Lực lượng Lao động Hiện đại 2025 của TalentView chỉ ra rằng “sự cân bằng và linh hoạt định hình trải nghiệm làm việc ngày nay”. Người lao động không còn muốn bị gò bó bởi 8 tiếng ở văn phòng hay phải vật lộn với tình trạng kẹt xe hàng ngày.

Ngoài ra, làn sóng này cũng đem đến cơ hội phát triển toàn cầu. Nhân sự Việt Nam có thể tham gia các dự án phức tạp, công nghệ tiên tiến mà trước đây chỉ nằm trong tầm với của những người làm việc tại các trung tâm kinh tế lớn trên thế giới.

Cuối cùng, nhu cầu phát triển các kỹ năng quốc tế cũng là một nguyên nhân lớn. Làm việc trong môi trường đa văn hóa buộc nhân sự phải rèn luyện tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp liên văn hóa và thích nghi với quy trình, tiêu chuẩn làm việc chuyên nghiệp của thế giới. Điều này góp phần nâng cao mặt bằng kỹ năng và nhận thức của toàn bộ nguồn nhân lực.

Ngoài ra, các công ty trong nước cũng phải nâng cao khả năng cạnh tranh về môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ và cơ hội phát triển để giữ chân nhân tài, thay vì đánh mất họ vào tay doanh nghiệp nước ngoài.

Doanh nghiệp quốc tế tái định hình thị trường lao động Việt

Tôi nhận thấy các doanh nghiệp nước ngoài có nhiều lý do chiến lược rõ ràng khi đầu tư vào nguồn nhân lực Việt Nam.

Thứ nhất, mức lương cho nhân sự có kỹ năng tương đương ở Việt Nam thường thấp hơn đáng kể so với các nước phát triển. Điều này giúp họ tối ưu hóa chi phí vận hành.

Thứ hai, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, năng động và khả năng thích nghi nhanh với công nghệ mới, vì thế phù hợp với một số vị trí đặc thù.

Thứ ba, việc tuyển dụng từ xa giúp họ giảm bớt gánh nặng về khoản thuê văn phòng, trang thiết bị, điện nước và các chi phí hành chính liên quan đến quá trình vận hành một văn phòng vật lý tại Việt Nam.

Thứ tư, doanh nghiệp có thể tăng nhận diện thương hiệu quốc tế khi có nhân viên tại nhiều quốc gia, giúp đa dạng hóa đội ngũ, mang lại các góc nhìn và ý tưởng mới mẻ từ các nền văn hóa khác nhau.

Cuối cùng, tôi cũng quan sát thấy môi trường pháp lý tại Việt Nam ngày càng khuyến khích đầu tư nước ngoài. Đây là cơ hội lớn để các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế mạnh dạn tuyển dụng ở Việt Nam.

 Để giữ chân nhân tài, doanh nghiệp trong nước phải nâng chuẩn môi trường làm việc và đãi ngộ. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Để giữ chân nhân tài, doanh nghiệp trong nước phải nâng chuẩn môi trường làm việc và đãi ngộ. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng xu hướng này có khả năng phát triển mạnh mẽ trong 3-5 năm tới. Đây không phải là trào lưu nhất thời, mà là một phần của sự dịch chuyển cấu trúc toàn cầu trong cách các doanh nghiệp vận hành và tuyển dụng. Điều này mang lại những ý nghĩa sâu rộng và tích cực cho thị trường lao động trong nước.

Nâng tầm nhân lực Việt Nam: Áp lực cạnh tranh từ các công ty quốc tế buộc nhân sự Việt liên tục học hỏi, nâng cao trình độ, đặc biệt là tiếng Anh và các kỹ năng làm việc theo chuẩn quốc tế. Làm việc trực tiếp với các tập đoàn đa quốc gia là cách nhanh nhất để nhân sự Việt tiếp cận và làm chủ các công nghệ, quy trình tiên tiến nhất, từ đó góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế số Việt Nam.

Cải thiện thu nhập và điều kiện làm việc: Để cạnh tranh với công ty nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước buộc phải nâng cao mặt bằng lương, cải thiện chính sách phúc lợi và môi trường làm việc, mang lại lợi ích trực tiếp cho người lao động.

Đa dạng hóa cơ hội nghề nghiệp: Nhân sự không còn bị giới hạn bởi biên giới địa lý, mở ra nhiều lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở thích và năng lực cá nhân.

Thay đổi tư duy quản lý: Các công ty Việt Nam có khả năng học hỏi được nhiều từ mô hình quản lý từ xa hiệu quả của tập đoàn quốc tế, từ đó nâng cao năng lực quản lý và phát triển văn hóa doanh nghiệp.

Tôi nhận thấy đây là một tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy tiềm năng to lớn của nguồn nhân lực Việt Nam khi được đặt vào đúng vị trí, từ đó có cơ hội phát triển.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/lam-dem-theo-gio-my-song-ngay-o-viet-nam-post1567862.html
Zalo