Vì sao Israel điên cuồng ném bom và tấn công Syria?

Từ ngày 8/12, không quân Israel gần như không ngừng xâm nhập không phận Syria, tiến hành ném bom quy mô lớn hơn 100 căn cứ quân sự và địa điểm chiến lược của Syria.

Máy bay chiến đấu của không quân Syria bị phá hủy do trúng bom. Ảnh: QQnews.

Máy bay chiến đấu của không quân Syria bị phá hủy do trúng bom. Ảnh: QQnews.

Không có sức kháng cự

Đây là cuộc không kích liên tục và dữ dội nhất của Israel kể từ Chiến tranh Trung Đông lần thứ tư những năm 1970, đồng thời cũng là cuộc tấn công bi thảm và bất lực nhất mà Syria phải gánh chịu.

Sức mạnh quốc gia bao gồm các máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, tên lửa và hàng chục đường hầm nối Syria và Lebanon mà Syria tích lũy xây dựng được qua hàng thập kỷ đều đã bị quân đội Israel cho nổ tung.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz công khai tuyên bố rằng quân đội Israel sẽ "hủy diệt mọi vũ khí chiến lược hạng nặng trên khắp Syria, bao gồm tên lửa đất đối không, hệ thống phòng không, tên lửa đất đối đất, tên lửa hành trình, tên lửa tầm xa và tên lửa đất đối hạm".

 Israel tuyên bố đã xóa sổ hoàn toàn hạm đội của hải quân Syria. Ảnh: QQnews.

Israel tuyên bố đã xóa sổ hoàn toàn hạm đội của hải quân Syria. Ảnh: QQnews.

Tại sao Israel lại ra tay với Syria vào lúc này? Ngoại trưởng Israel Gideon Sa'ar giải thích rằng Israel “phải ngăn chặn những vũ khí quan trọng rơi vào tay những kẻ cực đoan". Ông nói: “Tôi không phải là nhà tiên tri về những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Điều quan trọng bây giờ là thực hiện mọi biện pháp cần thiết trong bối cảnh an ninh của Israel”.

Ngoài các cuộc không kích quy mô lớn, hải quân Israel còn huy động toàn lực và tiêu diệt hàng chục chiến hạm Syria tại các cảng. Hải quân Syria mà chính quyền Assad dày công xây dựng đã bị xóa sổ toàn bộ.

Trên đất liền, quân đội Israel đã mở mặt trận thứ tư. Đây cũng là lần đầu tiên quân đội Israel tiến vào vùng đệm ở Cao nguyên Golan kể từ sau Chiến tranh Trung Đông lần thứ tư.

Bốn mặt trận mà Israel đang tiến hành là: Mặt trận Gaza; Mặt trận Bờ Tây sông Jordan; Mặt trận Lebanon và Mặt trận Syria.

Quân đội Israel hiện đang chiến đấu ở tứ phía. Cảnh tượng mới nhất là xe tăng Israel lao ra khỏi Cao nguyên Golan và tiến vào khu vực do Syria kiểm soát, chiếm quyền kiểm soát nhiều thị trấn của Syria.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mới đây đã thực hiện chuyến đi đặc biệt tới thị sát Cao nguyên Golan và tuyên bố: "Tôi và Bộ trưởng Quốc phòng với sự hoàn toàn ủng hộ của nội các, đã chỉ đạo IDF (Lực lượng Phòng vệ Israel) kiểm soát vùng đệm và các vị trí then chốt xung quanh. Chúng ta sẽ không cho phép bất kỳ thế lực thù địch nào thiết lập được chỗ đứng trên biên giới của chúng ta".

 Thủ tướng Israel Netanyahu (thứ 3, phải qua) tới cao nguyên Golan thị sát. Ảnh: QQnews.

Thủ tướng Israel Netanyahu (thứ 3, phải qua) tới cao nguyên Golan thị sát. Ảnh: QQnews.

Tại sao Israel hành động bất chấp sự phản đối của quốc tế?

Rõ ràng, đây là hành động bất chấp hậu quả của Israel. Một kẻ thù hùng mạnh đã gục ngã trước mặt họ. Israel ném bom hủy diệt tất cả vũ khí và thiết bị quân sự của đối phương theo ý mình mà không sợ bị trả thù.

Nguyên nhân thứ nhất là quân đội Syria đã bị tan rã hoàn toàn, một số lượng lớn vũ khí và trang bị hoàn toàn không được binh lính điều khiển, đương nhiên họ sẽ không bị hỏa lực phòng không ngăn chặn.

 Máy bay của không quân Syria bị phá hủy tại căn cứ. Ảnh: QQnews.

Máy bay của không quân Syria bị phá hủy tại căn cứ. Ảnh: QQnews.

Thứ hai, phe đối lập Syria còn bận tiếp quản chính quyền, ngoại trừ vài lời giận dữ phản đối, dù có tổ chức chống trả cũng không phải là đối thủ của Israel.

Trong 5 cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Trung Đông, hai kẻ thù mạnh nhất của Israel là Ai Cập và Syria. Israel và Ai Cập từ lâu đã có hòa bình, nhưng Israel và Syria luôn trong tình trạng chiến tranh. Giờ đây, Syria bất ngờ sụp đổ. Đây là cơ hội không thể bỏ lỡ đối với Israel.

Sự biến đổi ở Syria cũng đã gây tổn hại lớn đến sức mạnh của Iran. “Vòng cung kháng chiến” không còn tồn tại và nó đã cắt đứt mối liên hệ trực tiếp giữa Iran và Hezbollah ở Lebanon. Israel còn chiếm giữ thêm nhiều vị trí chiến lược hơn. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với Nhà nước Do Thái.

 Một hệ thống phòng không của Syria bị biến thành sắt vụn. Ảnh: QQnews.

Một hệ thống phòng không của Syria bị biến thành sắt vụn. Ảnh: QQnews.

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà Israel lo ngại nhất. Israel dốc toàn lực tiêu diệt nhanh chóng vũ khí, trang bị của quân đội Syria cũng bắt nguồn từ cảm giác lo sợ khủng hoảng.

Phe đối lập lật đổ chính quyền Assad là một nhóm du kích bảo thủ và cực đoan hơn. Lực lượng trụ cột của phe đối lập từng là một phần của Al Qaeda; và thủ lĩnh của phe đối lập, Julani là người đến từ Cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng.

Sự sụp đổ của chính quyền Assad là một thắng lợi cho Israel trong ngắn hạn; nhưng về lâu dài, một chính quyền Syria bảo thủ và cực đoan hơn có thể là điềm xấu với Israel.

Israel cũng không quên những bài học lịch sử sâu sắc và đau đớn. Đứng sau phe đối lập Syria chủ yếu là Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng đằng sau Thổ Nhĩ Kỳ là sự đồng tình của Mỹ và sự hợp tác của Israel.

 Xe tăng của IDF tiến sang đất Syria. Ảnh: QQnews.

Xe tăng của IDF tiến sang đất Syria. Ảnh: QQnews.

Các cuộc tấn công liên tiếp của Israel vào chế độ Assad đã thực sự giúp phe đối lập tiến lên. Chưa kể, nếu Israel không tiêu diệt được Hezbollah và Iran, phe đối lập sẽ không thể dễ dàng tiến vào Damascus.

Nhưng liệu phe đối lập Syria có biết ơn Israel? Sự hận thù quốc gia, xung đột tôn giáo và những vướng mắc lịch sử khiến người Do Thái và người Arab khó có thể hòa giải thực sự. Chưa kể nhiều người trong phe đối lập là những người cực đoan và theo Hồi giáo chính thống dòng Sunni, coi kẻ thù lớn nhất của họ là Mỹ và Israel.

Theo QQnews

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/vi-sao-israel-dien-cuong-nem-bom-va-tan-cong-syria-post180956.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat
Zalo