Vì sao Hương Khê ngập lụt nặng dù lượng mưa chưa phải đột biến?

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh Trần Đức Bá lý giải xung quanh việc ngập lụt, thiệt hại nặng ở huyện Hương Khê những ngày qua so với các đợt trước.

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh Trần Đức Bá.

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh Trần Đức Bá.

- PV: Ông có thể thông tin thêm về đợt mưa từ ngày 28 - 31/10 trên địa bàn tỉnh?

Ông Trần Đức Bá: Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp đới gió đông tầng thấp, trên địa bàn Hà Tĩnh có mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa đo được tính từ 19h ngày 28/10 đến 19h ngày 31/10 tại các trạm thủy văn trên địa bàn tỉnh dao động từ 150 – 350 mm. Riêng 2 huyện Vũ Quang, Hương Khê, lượng mưa đo được từ 450 – 550 mm. Đặc biệt, tại huyện Hương Khê, lượng mưa lên tới 550 – 580 mm.

Video: Cuộc sống của người dân vùng bị cô lập bởi nước lũ ở Hương Khê

Mưa lớn kéo dài đã khiến lũ trên các sông lên nhanh, gây ra ngập lụt tại một số địa phương như: Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc. Mưa lũ cũng gây ra tình trạng sạt lở bờ sông, sạt lở đất, hư hỏng công trình, hạ tầng, ảnh hưởng hoa màu, cây trồng vụ đông tại nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh.

Ngoài gây ra tình trạng ngập lụt, thiệt hại về tài sản, mưa lũ phức tạp đã khiến 2 người tử vong, 1 người mất tích. Các nạn nhân đều trú ở huyện Hương Khê.

Trường Mầm non Hương Thủy bị nước lũ vây tứ phía.

Trường Mầm non Hương Thủy bị nước lũ vây tứ phía.

- PV: Với tổng lượng mưa từ 550 – 580 mm, có phải đây là đợt mưa lớn nhất từ đầu năm tới nay ở huyện Hương Khê không, thưa ông?

Ông Trần Đức Bá: Với lượng mưa từ 550 – 580mm trong 4 ngày (28 – 31/10), rõ ràng đây là lượng mưa khá lớn. So với các đợt mưa trước đó, đơn cử như đợt mưa từ ngày 24 – 27/9, trạm thủy văn Hương Trạch đo được là 572 mm thì lượng mưa trong đợt này tại huyện Hương Khê cũng chỉ tương đương, dù lớn nhưng chưa phải quá đột biến.

Trường hợp lượng mưa như vậy so với tình hình ngập lụt ở huyện Hương Khê diễn biến phức tạp trong những ngày qua, rõ ràng có thể thấy là lũ lên nhanh, mức độ ngập lụt cũng nghiêm trọng hơn rất nhiều. Dù chưa có thống kê chính thức nhưng có thể thấy, Hương Khê là địa phương ở Hà Tĩnh chịu thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua.

Nhà dân ở xã Hà Linh (Hương Khê) bị nước lũ tràn vào.

Nhà dân ở xã Hà Linh (Hương Khê) bị nước lũ tràn vào.

- PV: Ông có thể lý giải vì sao với lượng mưa chưa quá đột biến như vậy nhưng tình hình mưa lũ ở Hương Khê lại diễn biến phức tạp?

Ông Trần Đức Bá: Ở các đợt mưa trước đó tại huyện Hương Khê thì mưa phân bố theo vùng, nghĩa là nơi này mưa lớn nhưng nơi khác lượng mưa vừa phải hoặc mưa nhỏ, lượng mưa phân tán nên ngập lụt cũng chỉ xảy ra cục bộ tại một số vùng.

Với đợt mưa từ ngày 28 – 31/10, mưa lớn diễn ra với diện rộng, trải đều khắp các nơi, gần như tất cả các xã, thị trấn ở huyện Hương Khê ghi nhận lượng mưa trên 450mm, thậm chí một số nơi từ 550 – 580mm.

Dù lượng mưa không đột biến nhưng vì nơi nào cũng mưa lớn, tổng chung lại khiến lượng mưa ở huyện Hương Khê lớn. Mưa lớn diện rộng cùng với việc đặc điểm địa hình của Hương Khê như một thung lũng lòng chảo khiến mưa lũ thêm phần phức tạp. Mưa lớn, lũ trên sông Ngàn sâu lên nhanh, gây ra tình trạng ngập lụt. Đồng thời, cũng dẫn tới việc nước rút chậm, gây khó khăn trong quá trình khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Hồ Ngàn Trươi góp phần giảm thiểu thiệt hại cho huyện Vũ Quang và vùng phụ cận.

Hồ Ngàn Trươi góp phần giảm thiểu thiệt hại cho huyện Vũ Quang và vùng phụ cận.

- PV: Vì sao lượng mưa tại huyện Vũ Quang khá lớn, cũng gây ra khá nhiều thiệt hại nhưng so với huyện Hương Khê, mức độ ngập lụt ít nghiêm trọng hơn, thưa ông?

Ông Trần Đức Bá: Trong đợt mưa từ ngày 28 – 31/10, Vũ Quang cũng là địa phương có lượng mưa lớn với lượng mưa đo được tại trạm thủy văn lên tới trên 450mm. Mưa lớn, lũ trên sông Ngàn Sâu lên nhanh cũng gây ra tình trạng ngập lụt, sạt lở ở nhiều nơi trên địa bàn huyện này. Tuy nhiên, nhìn chung, mức độ ngập lụt và thiệt hại ở huyện Vũ Quang không phức tạp như ở huyện Hương Khê. Điều này xuất phát từ việc tác dụng cắt lũ của hồ chứa nước Ngàn Trươi, thuộc dự án hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang. Trong đợt mưa lớn này, hồ Ngàn Trươi đã “cắt lũ” gần 273 triệu m3 nước.

Trường hợp không có hồ Ngàn Trươi, không chỉ có các xã vùng hạ của huyện Vũ Quang, mà cả huyện Đức Thọ, tình hình mưa lũ sẽ diễn biến phức tạp, khó lường.

Công an xã Điền Mỹ (Hương Khê) dùng thuyền hỗ trợ người dân bị đau ốm tới bệnh viện điều trị khi các tuyến giao thông bị nước lũ chia cắt.

Công an xã Điền Mỹ (Hương Khê) dùng thuyền hỗ trợ người dân bị đau ốm tới bệnh viện điều trị khi các tuyến giao thông bị nước lũ chia cắt.

- PV: Ông có thể cho biết thêm về tình hình thời tiết Hà Tĩnh những ngày tới?

Ông Trần Đức Bá: Đợt mưa lớn này cơ bản đã kết thúc. Từ ngày 1/11 trở đi, thời tiết trên địa bàn tỉnh tốt dần lên. Trong các ngày 2 - 5/11, thời tiết ở Hà Tĩnh phổ biến không mưa, có ngày hửng nắng. Thời tiết tốt, việc khắc phục hậu quả ngập lụt tại các địa phương như: Vũ Quang, Hương Khê... cũng sẽ thuận lợi hơn.

Từ ngày 6 – 8/11, khả năng có một đợt không khí lạnh ảnh hưởng tới thời tiết Hà Tĩnh. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiều khu vực ở Hà Tĩnh có mưa rào và dông. Ngoài đợt không khí lạnh này, trong tháng 11, dự kiến sẽ có thêm 3 đợt không khí lạnh ảnh hưởng tới thời tiết Hà Tĩnh. Tuy nhiên, nhìn chung, nửa đầu tháng 11, thời tiết trên địa bàn tỉnh vẫn khá tốt. Thời tiết mưa lạnh có thể xuất hiện vào tuần cuối tháng 11.

- PV: Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Chi

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nong-nghiep/vi-sao-huong-khe-ngap-lut-nang-du-luong-mua-chua-phai-dot-bien/256579.htm
Zalo