Vì sao Hong Kong vượt Phố Wall trở thành điểm đến IPO hàng đầu thế giới?

Khối lượng niêm yết mới trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong đã tăng vọt gần 8 lần, đạt 14 tỷ USD trong nửa đầu năm nay.

Sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong. Ảnh: Xuân Vịnh/PV TTXVN tại Hong Kong

Sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong. Ảnh: Xuân Vịnh/PV TTXVN tại Hong Kong

Theo kênh CNBC ngày 2/7, tâm lý hào hứng của nhà đầu tư và doanh nghiệp đối với thị trường vốn cổ phần tại Hong Kong (Trung Quốc) đang bùng trở lại, khi nhiều công ty Trung Quốc đổ xô tới thành phố này để huy động vốn, tạo nên một làn sóng sôi động chưa từng thấy trong những năm gần đây.

Theo dữ liệu từ công ty Dealogic, nhờ các thương vụ quy mô lớn và sự hậu thuẫn từ nhà nước thúc đẩy các công ty niêm yết tại sàn Trung Quốc đại lục tìm đến Hong Kong, khối lượng huy động vốn tại đây đã đạt mức cao nhất trong nửa đầu năm kể từ 2021.

Khối lượng niêm yết mới trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong trong nửa đầu năm nay đã tăng gần 8 lần, từ 1,8 tỷ USD (trong cùng kỳ năm 2024) lên 14 tỷ USD. Con số này không bao gồm các thương vụ SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt).

Với đà tăng này, Hong Kong đang trên đường trở thành điểm đến niêm yết lớn nhất thế giới trong năm nay, vượt qua cả Nasdaq và Sở Giao dịch Chứng khoán New York. Dự báo Hong Kong sẽ có tới 100 thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm 2025, với tổng số vốn huy động vượt 25,5 tỷ USD.

Làn sóng IPO này xuất hiện sau thời kỳ dài thị trường Hong Kong ảm đạm vì tâm lý e ngại rủi ro hậu đại dịch và kinh tế tăng trưởng chậm.

Trong nửa đầu năm nay, Hong Kong ghi nhận 43 thương vụ niêm yết mới với tổng số vốn huy động đạt 13,6 tỷ USD, vượt tổng mức huy động trong cả năm 2024.

Trước đó, năm 2023, theo dữ liệu của Sở Giao dịch Hong Kong (HKEX), chỉ có 73 thương vụ niêm yết với số tiền thu được là 5,9 tỷ USD.

Theo ông Steven Sun, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu Trung Quốc tại HSBC, sự trở lại mạnh mẽ của thị trường IPO Hong Kong là kết quả của nhiều yếu tố: chính sách hỗ trợ từ Bắc Kinh, tốc độ niêm yết cổ phiếu loại A chậm lại, thanh khoản dồi dào và lo ngại bị hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch Mỹ. Những điều này khiến các công ty Trung Quốc chuyển hướng sang Hong Kong để huy động vốn.

Ông Sun nói: “Làn sóng IPO ở Hong Kong hiện nay chủ yếu nhờ các công ty song song niêm yết cổ phiếu A trước rồi đến H”. Cổ phiếu A là cổ phiếu niêm yết tại sàn đại lục; còn cổ phiếu H là tại Hong Kong.

Ông bổ sung: “Ngày càng nhiều công ty dùng nguồn vốn này để phục vụ chiến lược toàn cầu hóa”. Nguyên nhân là vì đồng đô la Hong Kong có khả năng chuyển đổi cao hơn so với nhân dân tệ trên thị trường quốc tế.

Chính sách hậu thuẫn từ Bắc Kinh

Hồi tháng 9/2024, giá cổ phiếu Trung Quốc tăng mạnh nhờ nhà đầu tư kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế lớn hơn, qua đó làm thay đổi cái nhìn bi quan trước đó về nền kinh tế nước này.

Đầu năm 2025, sự kiện DeepSeek ra mắt mô hình AI mạnh mẽ nhưng chi phí thấp tiếp tục kích thích đà tăng của cổ phiếu công nghệ Trung Quốc, khi nhà đầu tư đánh giá lại tiềm năng đổi mới sáng tạo của nước này.

Ông Eugene Hsiao, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu Trung Quốc tại công ty Macquarie, nói: “Định giá thị trường nhìn chung đã trở lại mức trung bình lịch sử, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp cần huy động vốn”.

Chốt phiên ngày 2/7, chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã tăng 21% giá trị từ đầu năm đến nay, trở thành một trong những thị trường tăng mạnh nhất toàn cầu.

Niềm tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp cũng được củng cố nhờ dự báo rằng chính quyền Trung Quốc sẽ tung thêm các gói chi tiêu tài khóa để bảo vệ nền kinh tế khỏi các cú sốc thương mại.

Tháng 2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát tín hiệu ủng hộ khu vực tư nhân khi nói với các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu rằng đất nước cần họ để thúc đẩy tăng trưởng.

Chuyển biến này, cùng với việc Bắc Kinh cuối cùng đã cho phép các doanh nghiệp đại lục niêm yết ra nước ngoài, đã giải phóng nhu cầu bị dồn nén, đặc biệt với các doanh nghiệp hướng đến người tiêu dùng và ít bị ảnh hưởng bởi địa chính trị.

Năm 2024, cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc đã công bố loạt biện pháp đẩy nhanh phê duyệt cho các công ty công nghệ trong nước đủ điều kiện niêm yết tại Hong Kong. Các nhà quản lý Hong Kong cũng đã mở “Kênh Doanh nghiệp Công nghệ” vào tháng 5 để hỗ trợ xét duyệt IPO cho các công ty công nghệ và công nghệ sinh học chuyên biệt, nhất là những công ty đã niêm yết ở đại lục.

Ông Perris Lee, Trưởng bộ phận thị trường vốn cổ phần tại Dealogic, nhận định: “Chính sách khuyến khích các doanh nghiệp hàng đầu niêm yết tại Hong Kong đã tiếp thêm sinh lực cần thiết để phục hồi hoạt động IPO tại thành phố này”.

Nhà đầu tư đại lục đổ tiền vào thị trường

Một động lực khác cho đà tăng của thị trường Hong Kong là dòng vốn dồi dào từ nhà đầu tư đại lục, khi họ đổ tiền vào cổ phiếu Hong Kong giữa cơn sốt AI sau đột phá của DeepSeek và các thương vụ IPO quy mô lớn.

Dòng tiền ròng theo hướng Nam qua cơ chế kết nối sàn chứng khoán xuyên biên giới (Stock Connect) đã đạt mức cao kỷ lục trong quý II/2025 kể từ khi cơ chế này được triển khai vào năm 2014.

Điều này khiến nhà đầu tư trong nước chuyển dòng tiền sang cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong, góp phần khiến dòng vốn từ phía Nam chiếm gần một nửa tổng giá trị giao dịch cổ phiếu hàng ngày tại Hong Kong.

Xu hướng niêm yết kép

Những yếu tố kể trên đã thúc đẩy làn sóng các công ty đại lục tìm kiếm thêm cơ hội niêm yết tại Hong Kong, như nhà sản xuất pin Contemporary Amperex Technology (CATL).

Công ty này đã niêm yết tại Thâm Quyến và tiếp tục huy động hơn 5 tỷ USD trong đợt niêm yết thứ cấp tại Hong Kong hồi tháng 5, trở thành thương vụ niêm yết lớn nhất thế giới tính đến nay trong năm 2025.

Trong hơn 200 hồ sơ IPO đang chờ xét duyệt tại HKEX, hơn 40 công ty đã niêm yết tại các sàn đại lục.

Một số công ty nổi bật chọn niêm yết chính tại Hong Kong năm nay gồm các chuỗi trà sữa như Mixue Group, Guming Holding và nền tảng gọi xe Caocao Inc.

Ông Hsiao nói: “Nhu cầu huy động vốn ở nước ngoài, đặc biệt bằng đô la Hong Kong, phản ánh kế hoạch mở rộng ra thị trường quốc tế”.

Trong bối cảnh cạnh tranh trong nước khốc liệt và căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang, Bắc Kinh đã kêu gọi các doanh nghiệp hàng đầu mở rộng toàn cầu và đa dạng hóa địa điểm sản xuất.

Ngoài ra, thị trường Hong Kong cũng cởi mở hơn với các lĩnh vực mới nổi như AI, năng lượng tái tạo, tiêu dùng số và công nghệ sinh học vốn là những lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển của doanh nghiệp Trung Quốc.

Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc cũng khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc coi Hong Kong là điểm đến niêm yết lý tưởng hơn vì lo ngại khả năng bị chính quyền Mỹ buộc hủy niêm yết tại các sàn giao dịch Mỹ.

Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/vi-sao-hong-kong-vuot-pho-wall-tro-thanh-diem-den-ipo-hang-dau-the-gioi-20250703113515764.htm
Zalo