Vì sao Hà Nội quá tải dịch vụ công?
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND về tổ chức hoạt động chi nhánh Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội. Theo đó, Hà Nội đã tổ chức 12 chi nhánh Trung tâm Phục vụ hành chính công. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động của các chi nhánh này cho thấy không hiệu quả.
Trung tâm phục vụ hành chính công số 11 ở huyện Thanh Trì, Hà Nội những ngày này luôn trong tình trạng quá tải. Khu nhà này chừng 100m2 gồm có cả tầng 1 và tầng 2 để phục vụ nhân dân, song vẫn quá tải. Nhân viên trung tâm phải chặn cửa ra vào để không cho người dân vào trong bởi bên trong cũng kín người.

Quá tải dịch vụ công ở chi nhánh huyện Thanh Trì
Để được vào bên trong, người dân ở đây phải xếp hàng từ 3, 4 giờ sáng và tự ghi vào danh sách, dán tờ giấy lên cửa và đến giờ làm việc, nhân viên mở cửa lấy đọc tên theo danh sách người dân tự ghi.

Nhân viên dịch vụ hành chính công gọi tên người dân vào làm thủ tục
Trao đổi với phóng viên, ông N.T.T ở huyện Thanh Trì cho biết, đã đi 3, 4 ngày nhưng vẫn phải đi về, vì ở đây không phát số và trung tâm chỉ xử lý được từ 80-120 hồ sơ, còn nếu nhiều hơn là họ không nhận, vì thế ai cũng muốn được nộp nên đều đi từ đêm hoặc sáng sớm.

Quá tải tại Trung tâm phục vụ hành chính công số 11 ở huyện Thanh Trì, Hà Nội
Ghi nhận tại Trung tâm phục vụ hành chính công số 7 ở quận Hà Đông cũng vậy, tình trạng tương tự, lộn xộn, mất trật tự vì người đến sau ghi trước, hoặc ghi đè vào tên của nhau.
Nhân viên chi nhánh quận Hà Đông đọc tên người dân xếp hàng vào làm thủ tục
Theo khảo sát của phóng viên, tình trạng quá tải dịch vụ công của Hà Nội hiện nay xảy ra ở nhiều khu vực như Trung tâm Phục vụ hành chính công ở phố Võ Chí Công, chi nhánh huyện Thanh Trì, chi nhánh quận Hà Đông, chi nhánh quận Nam Từ Liêm.

Hàng trăm người phải đi về vì quá tải và không còn số xếp hàng
Chị N.T.T công tác tại một ngân hàng cho biết, không chỉ quá tải trong việc nộp hồ sơ mà việc nhận kết quả cũng bị chậm 2, 3 ngày. Đáng nói, đến nộp hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm phục vụ hành chính công không được, không lấy được số thì tình trạng đăng ký online trên iHanoi cũng tương tự, kể cả đăng ký nộp và nhận kết quả hệ thống toàn báo lỗi. Tình trạng này diễn ra nhiều ngày nay.

Ảnh chụp màn hình của 2 nhân viên ngân hàng do không làm thủ tục online được
Theo ghi nhận, thực tế, mỗi điểm giải quyết thủ tục hành chính công hiện nay chỉ đáp ứng được từ 80 – 120 hồ sơ ở tất cả các lĩnh vực, trong khi nhu cầu thực tế mỗi ngày của người dân ở một điểm cũng đã lên đến 200, 300 hồ sơ riêng trong lĩnh vực đất đai, chưa kể các lĩnh vực khác như đăng ký kinh doanh, cấp phép…
Trong khi Trung tâm phục vụ hành chính công thì quá tải thì một địa điểm khác của Hà Nội trước đây phục vụ rất tốt nhu cầu của người nay lại đóng cửa, vắng tanh không một bóng người.

Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội vắng bóng người vì không còn sử dụng
Theo ghi nhận của phóng viên, việc quá tải của Trung tâm phục vụ hành chính công có mấy nguyên nhân sau.
Thứ nhất, trước khi thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công, nhu cầu của người dân được giải quyết thủ tục hành chính ở 31 điểm gồm (30 quận huyện và tại điểm Sở Nông nghiệp và Môi trường trên phố Hoàng Đạo Thúy). Nhưng nay chỉ còn 12 điểm. Đáng nói, những điểm này quá bé về diện tích không đáp ứng về không gian.
Thứ hai, trước đây, việc xử lý hồ sơ liên quan đến đất đai là do Văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận và xử lý nên có chuyên môn, được xử lý nhanh, chuyên nghiệp, giải tỏa ách tắc, nay chuyển toàn bộ việc tiếp nhận, nhập dữ liệu này cho nhân viên hành chính công. Vì mới được tiếp nhận công việc nên dẫn đến tình trạng nhập hồ sơ chậm, sai do hồ sơ liên quan đến đất đai là rất phức tạp.
Thứ ba, việc nhập, nhận hồ sơ ở Trung tâm phục vụ hành chính công, song toàn bộ hồ sơ lại chuyển về bộ phận chuyên môn ở phố Hoàng Đạo Thúy dẫn đến việc di chuyển hồ sơ làm tăng thêm thời gian và chi phí, dẫn đến trả kết quả cho người dân dẫn đến chậm, muộn.
Theo ghi nhận của phóng viên, việc thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công hiện nay, mỗi chi nhánh có từ 4 đến 8 cửa tiếp nhận nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu của người dân, trong khi trước đây, mỗi chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại các quận, huyện chỉ có 1 cửa nhận hồ sơ và 1 cửa trả hồ sơ nhưng mọi việc vẫn trôi chảy thì thành phố Hà Nội cần xem lại có nên phình ra 1 bộ máy mới nhưng không giải quyết được nhu cầu cho người dân hay không?