Vì sao EU và Trung Quốc khó 'hồi sinh' Hiệp định đầu tư?
Pháp, Đức và các tổ chức EU đang mâu thuẫn về việc có nên khôi phục Hiệp định toàn diện về đầu tư với Trung Quốc hay không.
Theo giới truyền thông phương Tây đưa tin, hai quốc gia chủ chốt trong Liên minh Châu Âu hiện cũng đang bất đồng về việc liệu có nên khôi phục Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI) với Trung Quốc hay không.
Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, việc khôi phục Hiệp định CAI là việc làm “ít khẩn cấp hơn” và “không khả thi”. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ủng hộ việc “kích hoạt lại” Hiệp định, vốn đã bị đình trệ ngay sau khi nó được công bố vào cuối năm 2020 sau khi Bắc Kinh áp đặt lệnh trừng phạt đối với một số thành viên của Nghị viện Châu Âu vì những chỉ trích vi phạm nhân quyền.
Trao đổi với POLITICO trên chuyên cơ tổng thống của mình trong chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng này, ông Macron cho biết ông và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận về CAI.
“Tôi đã trò chuyện thẳng thắn với Chủ tịch Tập, vì đây là một quá trình mà cả châu Âu cần phải tham gia. Không có cơ hội để thấy bất kỳ tiến triển nào trong thỏa thuận này chừng nào các thành viên của Nghị viện Châu Âu vẫn còn bị Trung Quốc trừng phạt,” Macron nói với POLITICO.
Bất đồng về CAI chỉ là một ví dụ khác về sự khác biệt trong chính sách của Trung Quốc ở châu Âu. Sau 7 năm đàm phán quanh co, Hiệp định CAI đã được Thủ tướng Đức Angela Merkel gấp rút thông qua vào cuối nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên kéo dài sáu tháng của Đức tại Hội đồng Liên minh Châu Âu vào cuối năm 2020.
Bà Merkel đã tìm cách ký kết thỏa thuận trước khi Washington có thể gây áp lực để ngăn chặn nó, điều này đã gây ra căng thẳng với chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Trên thực tế, từ lâu Đức đã là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất cho CAI do quy mô đầu tư sản xuất của nước này vào Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất ô tô và hóa chất.
Tuy Hiệp định CAI sẽ giúp các công ty châu Âu đầu tư vào Trung Quốc dễ dàng hơn một chút và bảo vệ tài sản trí tuệ của họ ở quốc gia này. Nhưng nhiều người đã chỉ trích các biện pháp bảo vệ người lao động vẫn còn yếu và đặt câu hỏi rằng liệu CAI có thể được thực thi ở mức độ nào.
“Thật ngạc nhiên là ông Scholz vẫn cho rằng đây là một ý tưởng hay, bất chấp bối cảnh đã thay đổi rất nhiều so với vài năm trước,” một quan chức cấp cao của EU cho biết.
Được biết, các nước EU không chỉ chia rẽ về cách tiếp cận CAI mà còn có sự rạn nứt giữa các tổ chức ở Brussels. Với việc các thành viên của mình bị trừng phạt, Nghị viện Châu Âu chắc chắn sẽ từ chối bất kỳ nỗ lực mới nào nhằm phê chuẩn CAI.
Nhưng giống như ông Scholz, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng hy vọng hồi sinh thỏa thuận này. POLITICO trích dẫn nguồn tin giấu tên tại Brussels cho biết, ông Michel đã thảo luận điều này với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, kể cả trong chuyến thăm của cá nhân ông tới Bắc Kinh vào cuối năm ngoái.
Mặc dù vậy, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã cản trở những nỗ lực của ông Michel nhằm đưa thỏa thuận trở lại chương trình nghị sự ở Brussels khi bà Von der Leyen luôn có thái độ hoài nghi về Trung Quốc.
Cụ thể, trong chuyến chuyến công du Trung Quốc với ông Macron, chủ đề về CAI đã “không được đề cập” trong cuộc gặp ngắn giữa bà Leyen với các lãnh đạo Trung Quốc. Bà Leyen cho rằng thỏa thuận này cần phải được “đánh giá lại” trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và phương Tây đang xấu đi.
Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc đã đưa ra lời đề nghị với ông Michel và các nhà lãnh đạo châu Âu có quan điểm thân thiện hơn rằng, Trung Quốc có thể đơn phương dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các thành viên của Nghị viện châu Âu - nhưng chỉ khi có “sự đảm bảo” rằng CAI cuối cùng sẽ được phê chuẩn.
Dự kiến, các ngoại trưởng EU sẽ tổ chức một cuộc họp không chính thức để thảo luận về quan hệ EU-Trung Quốc vào ngày 12/5 tới. Tại cuộc thảo luận đó, EU sẽ tiếp tục đánh giá khi nào chủ đề về thỏa thuận với Trung Quốc lại được đưa lên bàn của Hội đồng châu Âu.
Theo DDDN