Vì sao đòn tấn công mới của Iran 'xuyên thủng' hệ thống phòng không tối tân của Israel?
Hệ thống phòng không của Israel được xem là một trong những hệ thống hiện đại nhất thế giới, nhưng một số chuyên gia cho rằng hệ thống đó không phải không có hạn chế.
Video "mưa" tên lửa Iran trút xuống lãnh thổ Israel. Nguồn: Warleak - Military Blog
Theo Telegraph, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết Iran đã bắn khoảng 180 tên lửa trong một đợt tấn công trên không quy mô lớn vào Israel đêm 1/10. Truyền thông Israel sau đó đưa tin, nhiều trong số tên lửa Iran sử dụng là tên lửa siêu vượt âm Fattah-2.
Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, phát ngôn viên của IDF, xác nhận, hệ thống phòng không Israel đã đánh chặn phần lớn số tên lửa. Tuy nhiên, một số vẫn lọt qua được nhiều lớp hệ thống tên lửa đất đối không đánh chặn của Israel.
Video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy những vệt sáng lao xuống mặt đất và cầu lửa bùng lên sau đó kèm theo âm thanh lớn.
Điều này làm dấy lên câu hỏi liệu lần này Iran có đánh bại thành công một trong những hệ thống phòng không mạnh nhất thế giới hay không.
Dù các nhà phân tích lưu ý rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận, nhưng vẫn có một số dấu hiệu đáng chú ý khi đánh giá hiệu suất của hệ thống phòng không Israel so với lần Iran tấn công vào tháng 4 năm nay.
Đội cứu hộ tìm kiếm tại hiện trường một tên lửa Iran rơi trúng trường học ở miền trung Israel tối 1/10/2024. Ảnh: Reuters
Thời điểm tấn công
Vào tháng 4, cuộc tấn công của Iran đã được báo trước đủ lâu.
Israel và các đồng minh Mỹ, Anh cùng một số nước châu Âu có đủ thời gian (1 tuần) để chuẩn bị triển khai chiến đấu cơ và tàu chiến để giúp đánh chặn loạt vũ khí của Iran.
"Cuộc tấn công lần này có phần bất ngờ hơn”, ông Samuel Hickey, thuộc Trung tâm Kiểm soát Vũ khí và Không phổ biến vũ khí (trụ sở ở Mỹ), nhận định.
Vũ khí tiên tiến hơn
Trong cuộc tấn công quy mô lớn đầu tiên của Iran vào Israel hồi tháng 4, Tehran sử dụng kết hợp khoảng 300 tên lửa và máy bay không người lái (UAV).
Mặc dù tổng số vũ khí được bắn ra lớn hơn số lượng tên lửa vào tối 1/10, cuộc tấn công hồi tháng 4 chủ yếu sử dụng tên lửa hành trình và UAV.
"Iran khi đó sử dụng tên lửa hành trình, tốc độ bay chậm hơn tên lửa siêu vượt âm, và UAV tự sát, dễ bị chiến đấu cơ Israel bắn hạ", ông Hickey phân tích.
Ở lần tấn công mới, Iran sử dụng tên lửa siêu vượt âm, có thể bay với tốc độ siêu thanh trên Mach-5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh). Điều này gây khó khăn cho chiến đấu cơ và các hệ thống phòng không của Israel khi đánh chặn.
Tiết kiệm tên lửa
Tên lửa Iran trút xuống thành phố Tel Aviv của Israel tối 1/10/2024. Ảnh: Getty
Theo Guardian, việc bắn nhiều tên lửa đạn đạo như vậy trong vài phút cũng thể hiện ý định nghiêm túc của Iran nhằm áp đảo hoặc làm kiệt quệ hệ thống phòng không của Israel.
Phòng thủ trên không là một lĩnh vực tốn kém.
Theo Telegraph, một ước tính cho thấy cuộc tấn công của Iran hồi tháng 4 đã khiến Israel và các đồng minh tiêu tốn khoảng 1,1 tỷ bảng Anh (1,5 tỷ USD) để ngăn chặn.
Ngoài ra, Israel còn gặp vấn đề về việc số lượng tên lửa đánh chặn có hạn. Các nỗ lực của phương Tây nhằm giúp Ukraine bảo vệ các thành phố khỏi các cuộc oanh tạc của Nga đã tiêu hao đáng kể nguồn tên lửa đánh chặn của phương Tây.
Cả Israel và Ukraine phần lớn phụ thuộc vào Mỹ về tên lửa đánh chặn, vì vậy Israel buộc phải lựa chọn.
"Chúng ta vẫn chưa biết Israel đã quyết định đánh chặn bao nhiêu tên lửa. Nhưng một số tên lửa của Iran có thể rơi xuống các khu vực không gây nhiều thiệt hại cho tính mạng con người hoặc cơ sở hạ tầng của Israel... thì quân đội Israel có thể sẽ quyết định để chúng rơi xuống," ông Hickey nhận định.
Những quyết định như vậy có thể giúp Israel tiết kiệm tên lửa đánh chặn để dự phòng cho các cuộc tấn công tiếp theo vào lãnh thổ của họ, ông Hickey nói thêm.