Vì sao doanh nghiệp vẫn lo ách tắc hàng hóa thông quan?

Các doanh nghiệp vẫn đang lo ngại việc thông quan chiếm rất nhiều thời gian, thiếu hụt địa điểm kiểm tra, vướng mắc kiểm tra chuyên ngành, dẫn đến ách tắc hàng hóa xuất nhập khẩu. Để giảm thiểu chuyện này rất cần những giải pháp đồng bộ từ phía cơ quan quản lý, đơn vị kinh doanh cảng cho đến việc điều chỉnh, cắt giảm bớt thủ tục.

Nói về khâu kiểm hóa container khi thông quan ở cảng Tân Cảng - Cát Lái (Tp.HCM) ông Khánh ở Ban Hải quan thuộc một hiệp hội trong ngành logistics, cho biết bãi kiểm hóa rất chật hẹp và chỉ kiểm được khoảng 25 container/ngày. Trong khi đó, lượng hàng đổ về cảng này có quy mô không dưới 10.000 container.

“Điểm nghẽn” ở Tân Cảng – Cát Lái

Chia sẻ tại buổi đối thoại vào ngày 27/11 giữa Cục Hải quan Tp.HCM với các doanh nghiệp (DN), ông Khánh lưu ý nếu áp dụng các tỷ lệ kiểm hóa như hiện tại thì việc thông quan ở cảng Tân Cảng – Cát Lái chiếm rất nhiều thời gian, thậm chí làm ách tắc hàng hóa rất nhiều trong hoạt động xuất nhập khẩu của DN.

Các DN ở phía Nam vẫn đang lo ngại việc thông quan chiếm rất nhiều thời gian, thiếuhụt địa điểm kiểm tra, vướng mắc kiểm tra chuyên ngành, dẫnđến ách tắc hàng hóa xuất nhập khẩu.

Những ghi nhận mới nhất cho thấy vào thời điểm cuối năm này, lượng hàng hóa xuất khẩu (XK) qua cảng Tân Cảng - Cát Lái có xu hướng tăng mạnh, điển hình là các mặt hàng nông lâm thủy sản, đồ gỗ, mặt hàng dệt may…Và trung bình mỗi ngày, Đội Thủ tục hàng hóa xuất khẩu Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 làm thủ tục cho khoảng gần 2.000 tờ khai xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó có khoảng 1.000 tờ khai XK.

Đứng ở góc độ quản lý, ông Vương Tuấn Nam, Trưởng Phòng Giám sát quản lý (Cục Hải quan Tp.HCM), cho rằng quy mô hàng hóa tập trung ở cảng Tân Cảng - Cát Lái đang chiếm đến 90% hàng hóa khu vực phía Nam (đa phần hàng hóa XK từ các tỉnh thành phía Nam đều qua cảng này). Dĩ nhiên khâu kiểm hóa chỉ chiếm con số nhỏ trong quy mô lượng hàng đổ về cảng với công suất lên đến 6,5 triệu TEU/năm.

Nên nhắc thêm, sản lượng container xuất nhập khẩu thông qua cảng Tân Cảng- Cát Lái hiện đang chiếm 89,5% thị phần sản lượng container xuất nhập khẩu qua các cảng biển trên địa bàn Tp.HCM và chiếm 56,58% cả nước.

Thực tế, tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra thực tế (luồng đỏ) tại cảng này cao hơn mức trung bình, đang là “điểm nghẽn” gây áp lực lớn lên kho bãi, khu vực xếp dỡ và cả các thiết bị kiểm tra thông quan.

Để giải bài toán ách tắc thông quan tại cảng này, ngoài việc mở rộng hạ tầng cảng và cải thiện hiệu suất hoạt động, giới chuyên gia cho rằng cần tận dụng các giải pháp công nghệ thông tin để tăng cường luồng thông tin và thông quan hàng hóa.

Còn theo ông Vương Tuấn Nam, việc kiểm hóa phải xét đến khả năng bố trí kho bãi của đơn vị kinh doanh cảng. Nhất là thời gian qua, không chỉ vấn đề về bãi kiểm hóa mà còn liên quan đến việc bố trí khu vực xếp dỡ, bố trí máy soi và thậm chí là trụ sở làm việc của nhân viên hải quan tại đây cũng đã được đưa ra bàn thảo nhiều lần đối với cảng Tân Cảng - Cát Lái nhằm cải thiện tình hình.

“Thậm chí một số DN Nhật Bản còn phản ánh địa điểm kiểm hóa ngoài trời ở cảng hiện nay không đảm bảo, như kiểm hóa hàng trong lúc trời mưa làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa. Chúng tôi đã yêu cầu Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 làm việc với Tân Cảng - Cát Lái để giải quyết vấn đề này, cũng như làm việc tiếp với đơn vị kinh doanh cảng để đánh giá lại với năng lực bố trí như hiện nay xem khả năng đáp ứng, cải thiện như thế nào”, ông Nam nói.

Chờ những giải pháp đồng bộ

Như lưu ý của vị Trưởng Phòng Giám sát quản lý của Cục Hải quan Tp.HCM, đây không chỉ là câu chuyện riêng của cảng Tân Cảng - Cát Lái về khâu kiểm hóa, mà địa điểm kiểm tra hàng hóa còn là vấn đề “nóng” đã được Cục Hải quan Tp.HCM hai lần kiến nghị lên Tổng cục Hải quan để tháo gỡ khó khăn cho DN. Thậm chí, như khu chế xuất Tân Thuận hay khu chế xuất Linh Trung hay Khu Công nghệ cao Tp.HCM đều không có địa điểm kiểm tra tập trung hàng hóa.

“Như một số DN ở Khu Công nghệ cao Tp.HCM đến mức đang phải chịu cảnh kiểm tra hàng hóa thông quan ở ngoài mặt đường, ảnh hưởng đến giao thông. Việc này không phải của ngành hải quan mà là tầm nhìn trong đầu tư xây dựng, quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất đã không tính đến vấn đề về địa điểm kiểm tra hàng hóa. Cho nên, để giảm tải áp lực cho DN và cơ quan chức năng thì khi quy hoạch khu công nghiệp và khu chế xuất cần chú trọng hơn đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng hải quan ngay từ đầu”, ông Nam chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, nói thêm về việc ách tắc hàng hóa thông quan, ông Khánh cũng cho biết các DN vẫn còn gặp những vướng mắc với hàng quá cảnh trong kiểm tra chuyên ngành của các bộ. Đơn cử như việc quá cảnh mặt hàng phân bón qua Việt Nam vẫn bắt buộc phải xin giấy phép từ Bộ NN&PTNT. Điều này vừa bất cập vừa gây tốn kém thời gian của DN.

Thực tế, trước đây nhiều DN cũng đã phản ánh các giấy tờ quy định đối với hàng quá cảnh hiện nay đang làm mất cơ hội, ưu thế kinh doanh của DN. Họ phải nộp đơn xin giấy phép này và chờ được cấp. Nếu không hoàn thành đúng thời gian, quy định thì việc mất nhiều cơ hội là khó tránh khỏi.

Ngoài ra, xét về khâu chính sách, để tránh ách tắc hàng hóa thông quan, các DN đang quan tâm đến việc sửa đổi, hoàn thiện quy định đối với hoạt động gia công, sản xuất XK, chế xuất tại Thông tư 38/2025/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC. Điểm mới tại dự thảo thông tư là đối với DN ưu tiên, không phải nộp định mức dự kiến hay định mức sử dụng cho cơ quan hải quan nhưng phải xây dựng, lưu trữ, xuất trình khi kiểm tra, thanh tra.

Hơn nữa, các DN mong đợi sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan.

Gần đây, trong bản dự thảo về nghị định mới này, điều làm DN kỳ vọng là Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ quy định tại Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP về “xuất nhập khẩu tại chỗ”. Điều này được cho là sẽ tạo thuận lợi lớn cho phía DN.

Theo đó, việc cắt giảm thủ tục hành chính về “xuất nhập khẩu tại chỗ” sẽ giúp DN giảm thời gian và chi phí. Bởi lẽ, trong 5 năm từ năm 2018-2022 thì trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1,8 triệu tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ. Trong trường hợp bãi bỏ quy định này thì trung bình hàng năm DN tiết kiệm được khoảng 36,7 tỷ đồng (lệ phí hải quan là 20.000đ/tờ khai), chưa kể tiết kiệm được chi phí về thời gian, nguồn lực do phải làm thủ tục hải quan.

Suy cho cùng, nếu thực thi tốt các giải pháp đồng bộ từ phía cơ quan quản lý, đơn vị kinh doanh cảng, nhất là sớm ban hành những chính sách mới hướng đến cắt giảm thủ tục rườm rà và có tính phù hợp với bối cảnh mới, khi đó các DN mới giảm bớt được phần nào mối lo ách tắc hàng hóa khi thông quan.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/vi-sao-doanh-nghiep-van-lo-ach-tac-hang-hoa-thong-quan-1103866.html
Zalo