Vì sao đảng cực hữu AfD muốn Đức rời khỏi EU?
Đảng cực hữu AfD của Đức đã tuyên bố trong bản dự thảo tuyên ngôn bầu cử rằng họ muốn rời khỏi EU và đồng euro. Liệu đây có phải là một kế hoạch nghiêm túc hay không và điều này sẽ gây ra hậu quả gì cho Đức và EU?
Trong bản dự thảo tuyên ngôn bầu cử được gửi tới các thành viên trước cuộc bỏ phiếu tại đại hội đảng dự kiến diễn ra vào đầu tháng 1/2025, AfD - đảng cực hữu chủ trương chống nhập cư đã nhắc lại lời hứa của mình trong chiến dịch tranh cử Nghị viện châu Âu vào mùa hè, nhấn mạnh: "Chúng tôi cho rằng Đức cần phải rời khỏi EU và thành lập một cộng đồng châu Âu mới".
Thay cho EU, AfD muốn giới thiệu một liên minh mới bao gồm một thị trường chung, một “cộng đồng kinh tế và lợi ích”. AfD cũng muốn đưa Đức ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và thay thế bằng cái mà họ gọi là "liên minh chuyển nhượng".
AfD muốn Đức tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này — mặc dù thực tế việc rời khỏi EU sẽ không dễ dàng như vậy, vì tư cách thành viên của Đức được neo giữ trong Hiến pháp Đức. Ngay cả khi chính phủ Đức trong tương lai do AfD lãnh đạo có tuyên bố Đức rời khỏi EU, thì về cơ bản điều đó sẽ là vi hiến, vì "Dexit" cũng đòi hỏi đa số 2/3 nghị quốc hội Đức tán thành.
Đã quá muộn cho Dexit hay chưa?
Kế hoạch của AfD thực sự thể hiện sự cứng rắn hơn trong lập trường của đảng này đối với EU. Hồi tháng 2/2024, đồng lãnh đạo của đảng Tino Chrupalla thừa nhận rằng "đã quá muộn" để Đức rời khỏi EU.
Đồng lãnh đạo với ông Chrupalla, bà Alice Weidel đã mô tả Dexit chỉ là "Kế hoạch B" trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times của Anh vào đầu năm nay.
Viện Kinh tế Đức (IW) có trụ sở tại Cologne đã kết luận trong một nghiên cứu vào tháng 5 năm nay rằng, trong vòng 5 năm, việc rời khỏi EU sẽ khiến đất nước thiệt hại 690 tỷ euro (725 tỷ USD), khiến GDP của đất nước giảm 5,6% và điều này đồng nghĩa với việc thị trường sẽ mất 2,5 triệu việc làm. Nghiên cứu của IW cho biết thiệt hại sẽ "tương đương với cuộc khủng hoảng vì Covid-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng cộng lại".
Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức (BVMW) thậm chí còn chỉ trích gay gắt hơn, mô tả kế hoạch của AfD là "tự sát".
Trong một tuyên bố được đưa ra trước cuộc bầu cử Nghị viện EU vào tháng 6/2024, BVMW đã nêu ra tất cả những mặt tích cực mà đồng tiền chung mang lại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ: "Liên minh tiền tệ là sự bổ sung hữu ích cho thị trường chung EU. Thị trường chung EU giúp các công ty thuận lợi hơn đáng kể trong việc bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ ở các quốc gia EU khác. Đồng euro giúp loại bỏ những rủi ro không thể tính toán được đối với các công ty trong thương mại".
Ronald Gläser, người phát ngôn của AfD đã bác bỏ những lo ngại này.
"Đúng vậy, Đức hưởng lợi từ EU, nhưng chúng tôi tin rằng chúng ta sẽ được hưởng lợi nếu đạt được các thỏa thuận khác", Gläser nói với DW. "Khi các nhà kinh tế tuyên bố rằng đó sẽ là một thảm họa kinh tế, thì tất cả những gì tôi có thể làm là hỏi họ rằng liệu họ có phải là những người đã nói rằng châu Âu và Anh sẽ bị ảnh hưởng khủng khiếp không? Tôi có thể nhớ tất cả các kịch bản kinh hoàng xung quanh Brexit, và mọi thứ diễn ra ít nhiều suôn sẻ".
Một báo cáo do Cambridge Econometrics công bố vào tháng 1/2024 cho thấy Brexit đang kìm hãm tăng trưởng và việc làm ở Vương quốc Anh, với ước tính sẽ có ít hơn 3 triệu việc làm tại quốc gia này vào năm 2035.
Bài học từ Brexit
Báo cáo của IW dựa trên việc nghiên cứu tác động của Brexit đối với các khu vực kinh tế của Anh tương tự như các khu vực ở Đức.
"Ước tính của chúng tôi khá thận trọng", giám đốc điều hành IW Hubertus Bardt - đồng tác giả báo cáo cảnh báo. "Chúng ta có thể gánh chịu những tác động nghiêm trọng hơn nhiều vì chúng ta gắn kết chặt chẽ hơn trong EU so với người Anh. Chúng ta dùng đồng euro, điều này có nghĩa là nền kinh tế Đức sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực hơn so với những gì xảy ra Anh”.
Ông Bardt lưu ý: "Đó là một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng có cảnh báo trước. Tất nhiên, nó sẽ gây thiệt hại, đặc biệt cho các công ty phụ thuộc vào thị trường và nhà cung cấp ở những nơi khác trong EU”.
Bất chấp cảnh báo đó, ông Gläser vẫn tin rằng một phiên bản thay thế EU vẫn có thể duy trì thương mại tự do.
"Liệu có chuyện tất cả các công ty và người tiêu dùng ở Italy, Pháp, Thụy Điển hoặc bất cứ nơi nào lại không muốn dùng sản phẩm của Đức nữa chỉ vì chúng ta không còn ở trong EU?", ông Gläser nói. "Thụy Sĩ không ở trong EU và họ vẫn xuất khẩu sang tất cả các quốc gia này".
Tuy vậy, ông Bardt không đưa ra mốc thời gian cụ thể cho kế hoạch của AfD thay thế EU bằng một cộng đồng kinh tế khác.
Lý do AfD có quan điểm chống EU
Dexit trên thực tế không được người dân Đức ủng hộ - một cuộc khảo sát được Quỹ Konrad Adenauer (KAS) – quỹ có liên kết với Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo bảo thủ (CDU) công bố vào đầu năm nay cho thấy, 87% người Đức sẽ bỏ phiếu ở lại EU trong một cuộc trưng cầu dân ý.
Vậy tại sao AfD lại quyết định đưa một biện pháp quyết liệt và không được ủng hộ như vậy vào bản tuyên ngôn tranh cử của mình? Ông Gläser nhấn mạnh rằng việc rời khỏi EU sẽ tốt cho người Đức, bất kể họ có thích hay không: "Chúng tôi không đưa ra chính sách dựa trên các cuộc khảo sát - chúng tôi muốn thực hiện những gì cần thiết và quan trọng".
Wolfgang Schroeder, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Kassel, chỉ ra rằng lập trường của AfD phù hợp với nền tảng của đảng này. AfD ban đầu nổi lên vào năm 2013 với tư cách là một đảng của các nhà kinh tế chỉ trích các gói cứu trợ của EU sau cuộc khủng hoảng đồng euro. Kể từ đó, AfD đã chuyển sang cánh hữu và chống nhập cư, nhưng chủ nghĩa hoài nghi châu Âu vẫn còn đó — mặc dù hiện tại không còn rõ ràng nữa.
"AfD về cơ bản là một đảng theo chủ nghĩa dân tộc", ông Schroeder nói với DW. "Đảng này phản đối toàn cầu hóa. Đối với họ, tất cả các tổ chức quốc tế như EU và Liên Hợp Quốc đều có mục tiêu và giá trị riêng, và do đó là mối nguy hiểm đối với ý chí thực sự của người dân".
Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu AfD có nghiêm túc về đề xuất thay thế EU bằng một loại cộng đồng khác hay không, khi mà điều này sẽ gây ra những “cơn đau đầu” về kinh tế và hiến pháp?
"Chúng ta có thể trả lời theo hai cách", ông Schroeder nhận định. "Một mặt, chúng ta có thể nói rằng họ không có ý nghiêm túc vì họ biết rằng họ đang đại diện cho một vị thế thiểu số, vì vậy họ có thể xây dựng kế hoạch này chỉ để vẽ nên bức tranh về một thế giới khác — họ không mất gì khi nói ra điều đó".
Cá nhân ông Schroeder cho rằng lập trường của AfD là một canh bạc: "Họ đang đặt cược rằng ngày càng có nhiều quốc gia đồng tình với chủ nghĩa hoài nghi châu Âu này, và rằng trong tương lai sẽ có một sự phát triển mới theo hướng Âu Á, với triển vọng kinh tế và chính trị mới".