Vì sao đàn ông ít khi ốm nhưng thường nặng hơn phụ nữ?
Việc sinh ra với giới tính sinh học là nam hay nữ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nguy cơ mắc một số loại bệnh, cách bệnh biểu hiện và tiến triển. Sự khác biệt này chủ yếu là do tác động của giới tính đến cơ thể chúng ta.
Có một định kiến về giới đã ăn sâu vào tiềm thức xã hội, cho rằng đàn ông là phái mạnh, bởi vậy, họ có sức khỏe tốt hơn phụ nữ. Nghĩa là những người đàn ông hiếm khi bị ốm vặt. Ngay cả khi bị ốm, họ cũng có triệu chứng nhẹ hơn và nhanh hồi phục hơn so với phụ nữ.
Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Khi đàn ông ốm, họ thực sự ốm nặng hơn phụ nữ và tiến hóa có lý do để lập trình cơ thể họ trở nên như vậy.
Nam giới và nữ giới khác nhau về nhiễm sắc thể giới tính và gen di truyền trên đó. Phụ nữ có hai bản sao của nhiễm sắc thể cỡ trung bình (được gọi là X). Nam giới chỉ có một nhiễm sắc thể X đơn và một nhiễm sắc thể Y nhỏ chứa ít gen hơn.
Theo đó, phụ nữ có lợi thế hơn do có hai nhiễm sắc thể X - nếu một nhiễm sắc thể này thất bại thì đã có cái kia bù lại. Nhiều gen ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch nằm trên nhiễm sắc thể X nên phản ứng miễn dịch của phụ nữ thường tốt hơn nam giới. Vì vậy chỉ có một nhiễm sắc thể X là một bất lợi "với những căn bệnh rất hiếm gặp thường liên quan đến nhiễm sắc thể X".
Ngoài ra, testosterone đóng một vai trò trong xu hướng nam giới tham gia vào hành vi chấp nhận rủi ro. Nhưng estrogen của phụ nữ lại có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tim, đột quỵ và chứng mất trí nhớ cho đến khi phụ nữ bước sang tuổi 50.
Do vậy, nam giới có nhiều khả năng mắc một số bệnh hơn nữ giới.
Cảm cúm
Một khảo sát trên tạp chí Nuts, tuần báo lớn nhất dành cho nam giới Anh Quốc, cho thấy nam giới bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi virus cảm lạnh.
Những người đàn ông báo cáo khi bị ốm vặt, họ thường mất trung bình ba ngày mới hồi phục. Trong so sánh, con số ở phụ nữ chỉ là một ngày rưỡi.
Những người đàn ông cũng chi nhiều tiền mua thuốc hơn khi họ bị ốm, trung bình 18,34 Bảng Anh so với 12,03 Bảng Anh của phụ nữ.
Ngay cả với bệnh cúm, những người đàn ông nhiễm virus cũng có khả năng nhập viện cao hơn phụ nữ, theo các nghiên cứu trên Tạp chí Dịch tễ học Hoa Kỳ theo dõi dịch cúm mùa từ năm 2004 đến năm 2010 ở Hồng Kong và từ năm 1997 đến năm 2007 ở Mỹ.
Trong khi đó, một nghiên cứu trên tạp chí BMJ, Y học Anh Quốc cho thấy nam giới thực sự trải qua các triệu chứng tồi tệ hơn phụ nữ khi họ cùng mắc một chủng virus đường hô hấp.
U hắc tố
U hắc tố là một loại ung thư da mà nhìn bề ngoài khá giống với nốt ruồi. Tuy nhiên, u hắc tố lại phát triển lớn dần qua thời gian, có màu sắc bất thường và có hình dạng không đối xứng giữa 2 bên.
Tiếp xúc với tia cực tím từ ánh nắng mặt trời là nguyên nhân chính gây u hắc tố. Nam giới thường có ý thức bảo vệ da khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời kém hơn phụ nữ, chẳng hạn họ ít che chắn hay dùng kem chống nắng. Đây là một phần nguyên nhân vì sao nam giới dễ bị ung thư da hơn.
Ngoài ra, cấu trúc da của nam giới không chỉ dày hơn phụ nữ mà còn ít mỡ, nhiều collagen, protein elastin giúp da đàn hồi hơn. Chính điều này sẽ khiến da dễ bị tổn thương do tia cực tím hơn.
Bệnh gout
Gout là loại viêm khớp xảy ra khi lượng axit uric tích tụ nhiều trong cơ thể, dẫn đến sự hình thành các tinh thể sắc nhọn ở trong các khớp, nhất là khớp ngón chân cái, khiến người bệnh thường xuyên gặp phải những cơn đau dữ dội, khó khăn trong di chuyển, vận động.
Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Scientific Reports phát hiện nam giới dễ mắc gout hơn phụ nữ là do cơ thể phụ nữ có hormone estradiol. Đây là một loại estrogen được sản xuất ở buồng trứng, có khả năng ức chế enzyme sản xuất axit uric trong gan. Nhờ đó, nồng độ axit uric và nguy cơ bị gout của phụ nữ đều giảm.
Sỏi thận
Khi nồng độ các khoáng chất như canxi, oxalat và axit uric trong nước tiểu quá cao sẽ dẫn đến tình trạng lắng đọng thành sỏi thận. Nghiên cứu trên chuyên san Nephrology Dialysis Transplantation phát hiện nam giới không chỉ có nguy cơ cao bị sỏi thận mà triệu chứng và cảm giác đau đớn do bệnh gây ra cũng có xu hướng nghiêm trọng hơn phụ nữ.
Một trong những giả thuyết các nhà khoa học đưa ra là hormone nam testosterone đã tác động đến nồng độ oxalat trong nước tiểu, từ đó làm tăng khả năng hình thành sỏi thận.