Vì sao đại học công lập 'quay lưng' với xét tuyển học bạ
Theo các chuyên gia, điểm học bạ không thực chất, ảo nhiều, theo thời gian học sinh viên không theo kịp chương trình, rơi rụng khiến các đại học thất thu, nên đã dần 'quay lưng' với xét tuyển học bạ.
Trong nhiều năm qua, xét tuyển học bạ là 1 phương thức tuyển sinh của nhiều trường đại học. Chỉ riêng năm 2024 có hàng trăm trường đại học xét tuyển học bạ, kể cả những trường hàng đầu như: Ngoại Thương, Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Luật TP Hồ Chí Minh, Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Sư phạm Hà Nội, Sư phạm TP Hồ Chí Minh…
Tiêu chí xét học bạ chủ yếu là điểm 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12), điểm lớp 11 và lớp 12 hoặc điểm 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12). Hiếm hoi lắm mới có trường sử dụng điểm 6 học kỳ hoặc điểm học bạ chỉ là một tiêu chí xét kết hợp với phương thức khác.
Về chỉ tiêu, đa số các trường đều dành trên 20% cho xét học bạ nhưng có trường dành tới 40% - 50% tổng chỉ tiêu. Có trường xét tuyển học bạ trong nhiều đợt.
Chưa tới mùa tuyển sinh 2025, nhưng nhiều trường đại học công lập tuyên bố bỏ hoặc giảm chỉ tiêu xét tuyển từ học bạ như: Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công Thương, Đại học Nha Trang…
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh - Trường Đại học Công thương TP Hồ Chí Minh cho rằng nhiều trường đại học công lập "quay lưng" với xét học bạ là do điểm học bạ giữa các trường THPT có sự chênh lệch đáng kể, dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá chính xác năng lực thí sinh. Sử dụng học bạ làm tiêu chí xét tuyển có thể gây ra sự thiếu công bằng giữa các thí sinh.
Mặt khác các trường muốn giảm thiểu gian lận và làm đẹp điểm số. “Nhiều trường đại học cho rằng việc sử dụng học bạ trong xét tuyển có thể dẫn đến tình trạng gian lận hoặc làm đẹp điểm số, ảnh hưởng đến tính minh bạch trong tuyển sinh”, ông Sơn nói.
Ngoài ra theo ông Sơn, việc xét tuyển bằng học bạ khiến học sinh chủ quan, chểnh mảng trong học tập và ôn thi tốt nghiệp THPT, ảnh hưởng đến chất lượng. Do vậy, nhiều trường đại học đã chuyển sang các phương thức xét tuyển khác như sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hoặc kết hợp nhiều tiêu chí để bảo đảm chất lượng trong tuyển sinh.
Theo phó giáo sư Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, từ năm 2025, trên góc độ mốc thời gian, với yêu cầu (dự kiến) dùng đủ kết quả học tập cả năm lớp 12 sẽ rất trễ để các trường xét tuyển, rất sát với kỳ thi tốt nghiệp THPT, khả năng không tạo sự hấp dẫn nhiều. Chưa kể, thời điểm học xong và có kết quả học lớp 12, học sinh đang tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT, không nên bị phân tâm về thủ tục giấy tờ đăng ký tuyển sinh.
Quay lưng với học bạ vì 'quá ảo', sinh viên trúng tuyển chất lượng kém
Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng nhiều trường đại học đang “quay xe” với tuyển sinh học bạ vì có nhiều yếu tố mà “cay đắng trải qua rồi mới nhận ra”.
Yếu tố thứ nhất, theo ông Dũng, tuyển sinh theo phương thức học bạ không bảo đảm được chất lượng đầu vào. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy có sự chênh lệch điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ khá lớn.
“Ban đầu việc xét học bạ khá tốt, nhưng sau 1-2 năm triển khai, các trường phổ thông đã tìm cách nâng điểm cho học sinh của mình để các em trúng tuyển vào đại học. Thậm chí có trường có hai bảng điểm, một bảng điểm thật để học sinh biết được trình độ mình, trong khi bảng điểm ghi vào học bạ thì được cộng thêm để các em xét tuyển”- ông Dũng nói và cho rằng, điều này làm cho chất lượng đầu vào đại học kém.
Sinh viên trúng tuyển học bạ không theo kịp sinh viên trúng tuyển điểm thi. Chênh lệch về trình độ khiến việc giảng dạy khó khăn. Nếu ra đề khó cho thí sinh giỏi thì không phù hợp với thí sinh xét bằng học bạ. Sau 1-2 năm sinh viên bắt đầu rơi rụng, ảnh hưởng tới nguồn thu của trường đại học. Những trường coi trọng chất lượng đào tạo thì xét tuyển học bạ không còn phù hợp.
Ông Dũng cũng cho biết từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến siết chỉ có 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm, nên buộc các trường phải bỏ xét tuyển học bạ vì số lượng này không nhiều.