Vì sao đà tiến của Nga ở Ukraine liên tục chậm lại?

Đà tiến chậm lại rõ rệt của lực lượng Nga ở Ukraine từ cuối năm 2024 đến những tháng đầu năm 2025 làm dấy lên câu hỏi liệu đây là động thái có tính toán chiến lược hay vì lý do hậu cần.

Đà tiến giảm mạnh

Hai phân tích độc lập gần đây cho thấy những bước tiến của quân đội Nga tại Ukraine đang giảm đi một cách rõ rệt trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Mỹ nhằm chấm dứt xung đột.

Theo cập nhật tình báo của Bộ Quốc phòng Anh công bố tuần trước, lực lượng Nga chỉ chiếm được khoảng 143km2 lãnh thổ Ukraine trong tháng 3/2025, giảm đáng kể so với 196km2 trong tháng 2 và 326km2 trong tháng 1.

Tốc độ tiến quân của Nga đã giảm dần theo từng tháng kể từ tháng 11/2024, khi lực lượng của nước này chiếm được hơn 700km2.

Nga khai hỏa vào mục tiêu Ukraine, ngày 21/3/2024. Ảnh: BQP Nga

Nga khai hỏa vào mục tiêu Ukraine, ngày 21/3/2024. Ảnh: BQP Nga

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington DC, Mỹ cũng đưa ra nhận định tương tự dù con số có sự khác biệt. ISW ước tính quân đội Nga đã chiếm khoảng 203km2 trong tháng 3, giảm đáng kể so với 354km2 trong tháng 2 và 427km2 trong tháng 1. Các con số này được xác định dựa trên hình ảnh vệ tinh và dữ liệu từ các nguồn mở.

Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra trong những tháng kế tiếp, đà tiến của lực lượng Nga có thể sẽ dừng lại vào đầu mùa hè, trùng với thời hạn mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tự đặt ra về việc đạt được lệnh ngừng bắn.

Sự giảm tốc của Nga là đáng chú ý trong bối cảnh Moscow đã gia tăng đáng kể quy mô lực lượng quân đội từ khoảng 150.000 quân tham gia giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt từ tháng 2-5/2022 lên khoảng 623.000 quân hiện nay.

Theo Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, tướng Oleksandr Syrskii, lực lượng Nga hiện nay đã tăng gấp 5 lần so với khi xung đột mới bùng phát. Ông ước tính, Nga đã tăng thêm từ 120.000 đến 130.000 binh sĩ mỗi năm.

Mặc dù quy mô lực lượng của Nga đã được mở rộng, nhưng những bước tiến mà họ đạt được trên chiến trường lại không tương xứng với số lượng binh sĩ gia tăng. Phần lớn các vùng lãnh thổ mà Nga chiếm được, khoảng 20% diện tích Ukraine, chủ yếu là từ việc sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và các khu vực giành được trong giai đoạn đầu chiến dịch quân sự đặc biệt năm 2022.

Trong khi đó, chiến dịch phản công của Ukraine vào năm 2023 đã giành lại khoảng 20.000 km² lãnh thổ và đến nay Nga vẫn chưa thể chiếm lại những khu vực này.

Tập trung đẩy quân Ukraine khỏi Kursk

Ở khu vực Donetsk, dù Nga đã chiếm được 4.168km2 trong năm 2023, nhưng nó chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ – 0,69% tổng diện tích Ukraine. Điều này cho thấy một thực tế là những thắng lợi quân sự của Nga đang diễn ra rất chậm.

Một điểm đáng chú ý khác là trong khi Nga liên tục tuyên bố giành được các chiến thắng, dù là nhỏ, việc chiếm được các khu vực này lại gặp nhiều khó khăn. Các phân tích từ ISW cho thấy với tốc độ tiến quân hiện tại, Nga sẽ cần đến 2 năm để chiếm hoàn toàn khu vực Donetsk, mục tiêu này sẽ càng trở nên khó khăn hơn khi tốc độ chiếm lãnh thổ của họ tiếp tục giảm trong năm 2025.

Dù đà tiến chậm lại trên chiến trường, quân đội Nga vẫn tiếp tục gia tăng cường độ tấn công kể từ khi các cuộc đàm phán ngừng bắn do Mỹ làm trung gian bắt đầu vào ngày 18/2.

Theo một phân tích của The Telegraph, số lượng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào Ukraine trong tháng 2 đã tăng hơn 50% so với tháng 1. Trong tuần đầu tiên của tháng 3, Nga đã tiến hành một chiến dịch tập trung nhằm đẩy lùi lực lượng Ukraine khỏi tỉnh Kursk.

Ngày 9/4, Moscow tuyên bố chỉ còn 2 khu vực là Gornal và Oleshnya vẫn nằm trong tay lực lượng Ukraine tại Kursk và quân Nga vẫn đang tiếp tục chiến đấu để giành lại lãnh thổ.

Những thành công của Nga ở Kursk trùng với thời điểm Mỹ cắt giảm viện trợ quân sự và thông tin tình báo cho Ukraine, khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn.

Trong tuần qua, quân đội Nga tăng cường lực lượng để tiếp nối thành công ở Kursk bằng cách mở mặt trận mới ở Kharkov và Sumy, hai khu vực ở Đông Bắc Ukraine, giáp biên giới Nga. Tướng Syrskii cho rằng, Nga cũng có thể sử dụng các cuộc diễn tập quân sự chung với Belarus vào mùa thu này để làm vỏ bọc cho việc huy động thêm lực lượng, một chiến thuật mà Moscow từng ử dụng vào cuối năm 2021.

Lý do Nga giảm tốc độ tiến công

Sự chững lại trong đà tiến công của Nga không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà có thể xuất phát từ các lý do mang tính chiến lược và hậu cần.

Một trong những lý do chính có thể là do sự thay đổi trong chiến lược chính trị. Theo các chuyên gia quốc tế, một trong những yếu tố mà Kremlin có thể cân nhắc giảm tiến công là để không làm gia tăng căng thẳng với Mỹ.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giảm bớt viện trợ quân sự cho Ukraine trong thời gian qua, nhưng nếu Nga thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn, điều này có thể tạo ra sức ép để Mỹ khôi phục viện trợ quân sự cho Ukraine. Việc duy trì tình hình ổn định trên chiến trường là một yếu tố quan trọng để tránh việc các nước phương Tây gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, đặc biệt là các loại vũ khí hiện đại và các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Giảm tốc độ tấn công cũng có thể là một phần trong chiến lược của Kremlin nhằm kiềm chế sự can thiệp quân sự sâu hơn của các quốc gia phương Tây. Việc tạm ngừng các đợt tấn công lớn cũng có thể được xem là một cách để không gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ các nước ủng hộ mạnh mẽ Ukraine.

Lý do thứ hai có thể là do quân đội Nga đang gặp khó khăn trong việc duy trì các chiến dịch tấn công liên tục sau thời gian dài chiến đấu.

Theo đánh giá của ISW, qquân đội Nga đã phải đối mặt với tổn thất nặng nề về nhân lực và trang thiết bị trong hơn 3 năm kể từ khi phát động chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.

Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự suy yếu của quân đội Nga là vấn đề hậu cần. Quá trình duy trì và cung cấp vũ khí, đạn dược và các phương tiện chiến đấu cho các lực lượng tác chiến trên chiến trường đã trở thành một thử thách lớn. Sự thiếu hụt trang thiết bị và nguồn lực cho thấy Nga không thể duy trì một chiến dịch tấn công kéo dài mà không gặp phải những khó khăn về mặt chiến lược và hậu cần.

Ngoài ra, các chiến lược tấn công đơn giản không thể duy trì hiệu quả trong một cuộc chiến dài hạn. Quân đội Nga đã mất đi yếu tố bất ngờ trong khi phía Ukraine đã tận dụng các cơ hội để phản công và giành lại những vùng lãnh thổ quan trọng. Điều này cũng khiến các bước tiến của quân Nga bị chậm lại.

Nếu sự chậm lại là một bước lùi mang tính chiến thuật nhằm tránh làm gia tăng căng thẳng với Mỹ và tạo không gian cho đàm phán, Nga có thể đang chủ động “chờ thời điểm thích hợp”. Ngược lại, nếu đây là dấu hiệu cho thấy nội lực quân sự của Nga đang thực sự bị bào mòn, cục diện chiến trường trong mùa hè tới có thể chứng kiến những chuyển biến bất ngờ, đặc biệt nếu Ukraine tận dụng được nguồn viện trợ quốc tế đang quay trở lại.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Al Jazeera, National Interest

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vi-sao-da-tien-cua-nga-o-ukraine-lien-tuc-cham-lai-post1191481.vov
Zalo