Vì sao cựu chủ tịch Bình Thuận cùng các đồng phạm bồi thường hơn 308 tỉ đồng?

Cựu chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phê duyệt giá đất được xây dựng trái quy định của pháp luật

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao truy tố cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương; Nguyễn Ngọc, cựu phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận cùng 15 bị can khác về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Một góc Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Ảnh: NLĐO

Một góc Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Ảnh: NLĐO

Theo cáo trạng, năm 2013, Công ty cổ phần Rạng Đông nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Công ty Regent International Overseas Corp tại Công ty TNHH MTV Golf và Câu lạc bộ golf Phan Thiết với giá 2,5 triệu USD. Công ty Rạng Đông kế thừa toàn bộ quyền, lợi ích của chủ đầu tư và dự án sân golf Phan Thiết tại khu đất diện tích 620.656m2 thuộc phường Phú Thủy, TP Phan Thiết, Bình Thuận và xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất golf sang đất ở đô thị.

Năm 2014, Thủ tướng Chính Phủ có công văn về việc điều chỉnh sân golf Phan Thiết. UBND tỉnh Bình Thuận đã điều chỉnh đầu tư từ dự án sân golf Phan Thiết thành dự án khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết. Ngày 10-4-2015, ông Lê Tiến Phương ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng diện tích 363.5236m2 đất xây dựng cơ sở thể dục, thể thao sang đất ở đô thị.

VKSND cáo buộc cựu chủ tịch tỉnh Bình Thuận và các bị can tại những sở, ngành, đơn vị liên quan đã có sai phạm trong việc xây dựng, thẩm định phương án giá đất, phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất…, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước.

Cáo trạng đánh giá, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Các bị can với các vai trò khác nhau đã cố ý làm trái nhiệm vụ được giao trong quy trình xây dựng, thẩm định phương án giá đất; thống nhất sử dụng kết quả xác định giá đất… Hành vi của các bị can gây thiệt hại hơn 308 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước.

Bị can Lê Tiến Phương khi còn tại vị

Bị can Lê Tiến Phương khi còn tại vị

Tại cơ quan điều tra, cựu chủ tịch tỉnh Bình Thuận thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phê duyệt giá đất được xây dựng trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước. Theo bị can Lê Tiến Phương vì mong muốn đẩy nhanh tiến độ phê duyệt giá đất, sớm thu tiền sử dụng đất cho ngân sách nhà nước, để dự án nhanh chóng triển khai, tạo điểm nhấn cho du lịch của thành phố, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương mà bị can đã phạm tội. Ngoài ra, phương án giá đất tại dự án cũng đã được làm đi làm lại nhiều lần nên bị can không muốn đùn đẩy trách nhiệm phê duyệt giá đất cho người kế nhiệm.

Bị can Nguyễn Ngọc khai nguyên nhân phạm tội của bị can là do áp lực công việc khi Chủ tịch UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ phê duyệt giá đất, sớm thu tiền sử dụng đất cho ngân sách nhà nước để dự án nhanh chóng được thực hiện, tạo điểm nhấn cho du lịch của TP Phan Thiết, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định hành vi phạm tội của 17 bị can là nguyên nhân trực tiếp gây thất thoát cho nhà nước số tiền trên, Công ty Rạng Đông đang được hưởng số tiền này. Trong quá trình điều tra, Công ty Rạng Đông đã nộp 90 tỉ đồng khắc phục một phần hậu quả.

Viện kiểm sát cho rằng, số tiền hơn 308 tỉ đồng là tiền chênh lệch giữa kết quả định giá của hội đồng định giá cấp Chính phủ với quyết định phê duyệt giá đất của UBND tỉnh Bình Thuận. Nguyên nhân là do các yếu tố giả định trong phương án giá đất của các hội đồng định giá khác nhau, không phải là hậu quả, thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị can gây ra. Do đó, không có căn cứ buộc các bị can phải khắc phục trong vụ án.

Ngoài bị can Lê Tiến Phương, một số bị can khác là nguyên lãnh đạo cũng bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, gồm: Nguyễn Ngọc (cựu phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận), Xà Dương Thắng (cựu giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, cựu bí thư Huyện ủy Bắc Bình), Hồ Lâm (cựu giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận), Đỗ Ngọc Điệp (cựu chủ tịch UBND TP Phan Thiết), Nguyễn Văn Phong (cựu phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận), Lê Quang Vinh (cựu bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quý), Nguyễn Văn Phong (cựu phó giám đốc Sở Tài chính, nguyên Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh Bình Thuận)…

Nguyễn Hưởng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vi-sao-cuu-chu-tich-binh-thuan-cung-cac-dong-pham-boi-thuong-hon-308-ti-dong-196241127130413149.htm
Zalo