Vì sao cứ va chạm giao thông lại 'nhảy bổ' vào nhau?
Ẩu đả gây thương tích, hành hung người khác sau va chạm giao thông thậm chí tấn công cả những người can ngăn, vì sao vẫn xảy ra? Thực trạng đáng báo động, gây tâm lý bất an, tổn hại đến sức khỏe, thậm chí cướp đi mạng sống của người tham gia giao thông làm cách nào để chấm dứt?
Liên tiếp các vụ việc nhảy bổ vào nhau, hành hung người khác trong quá trình tham gia giao thông xảy ra gần đây khiến dư luận phẫn nộ.
Ẩu đả gây thương tích, hành hung người khác sau va chạm giao thông thậm chí tấn công cả những người can ngăn, vì sao vẫn xảy ra? Thực trạng đáng báo động, gây tâm lý bất an, tổn hại đến sức khỏe, thậm chí cướp đi mạng sống của người tham gia giao thông làm cách nào để chấm dứt?
Những ngày cuối năm, Tết Nguyên đán đang đến gần nhưng nhiều vụ ẩu đả nghiêm trọng sau va chạm giao thông liên tiếp xảy ra.
Giữa tháng 12 vừa qua, Công an quận 4, TP.HCM đã ra quyết định bắt tạm giam Bùi Thanh Khoa về tội cố ý gây thương tích vì đánh cô gái sau va quệt giao thông.
Ngày 2/1, Công an TP Thủ Đức, TP.HCM ra lệnh bắt giữ người đối với đối tượng Nguyễn Thùy Trang – người đã lao vào đánh chị Võ Thị Bình, nhân viên thực hiện nhiệm vụ chắn barie gác tàu hỏa tại đường Kha Vạn Cân.
Cũng trong ngày 2/1, vợ chồng ông Nguyễn Văn Dũng và bà Bùi Thị Ngọc Anh (cùng ngụ tại Quận 1) bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi đánh đập tài xế xe ôm công nghệ.
Ngày 3/1, Công an TP Đà Lạt triệu tập Đặng Bá Hợi và Nguyễn Đình Cầm để làm rõ vụ đánh nhau giữa giao lộ, gây cản trở giao thông. Một số người xung quanh can ngăn cũng bị các đối tượng này hành hung.
Cách đây vài ngày, Công an tỉnh Bình Dương đã bắt khẩn cấp Lê Văn Hiền vì hành vi hành hung một người đàn ông sau khi xảy ra va chạm giao thông khiến nạn nhân sau đó tử vong do dập não.
Thông tin về các vụ việc này khiến nhiều người tham gia giao thông lo ngại bởi bạo lực sau va chạm giao thông có xu hướng ngày càng gia tăng và phức tạp:
“Mình trực tiếp chứng kiến cảnh người tham gia giao thông va chạm rồi lao vào xô xát, ẩu đả, người đi đường phải vào can ngăn. Có thể là có rất nhiều mà chỉ có một số vụ được quay và đưa lên mạng”
“Nó không phải mới nhưng càng ngày sự việc xảy ra nhiều hơn, họ đang đi giao hàng, họ đang đi công việc rồi họ chỉ giải quyết bức xúc của họ và không nghĩ đến ai hết, không nghĩ đến người khác bị tai nạn, nghĩ đến ùn tắc của xã hội”
“Nó diễn ra từ trước đến nay và gần đây nó có dấu hiệu tăng lên. Lực lượng chức năng triệu tập ngay các đối tượng liên quan thì hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ bởi còn nhiều trường hợp cự cãi, tranh cãi đúng sai trên đường thì chưa có căn cứ nào để xử lý”
Thượng tá Phạm Việt Công, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá, các vụ va chạm giao thông thường là vô ý và không ai mong muốn nhưng các trường hợp ẩu đả vẫn xảy ra do thiếu hiểu biết về pháp luật:
“Từ những hành vi đơn giản hoặc xung đột nhỏ về giao thông, có nhiều trường hợp không có hậu quả gì cả nhưng lại có cách hành xử côn đồ, từ đó gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản. Thường rơi vào các trường hợp thiếu kỹ năng xử lý tình huống, thiếu kỹ năng kiềm chế cảm xúc, không có nhìn nhận và thực hiện nghiêm quy định của pháp luật”
Với những đối tượng có hành vi bạo lực khi tham gia giao thông, thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia về tội phạm học nhận định, sự vào cuộc khẩn trương, kịp thời của cơ quan chức năng có nhiều ý nghĩa trong công tác răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung:
“Răn đe để điều chỉnh lại thái độ, nhận thức của chính các đối tượng đó; những người khác nhìn vào tấm gương bị xử lý cũng rút ra cho mình bài học và có cư xử đúng mực. Thông qua đó kiểm soát cảm xúc của mình, không để cho những cảm xúc, tâm lý nhất thời manh động dẫn dắt dẫn đến các hành động bản năng vi phạm pháp luật”.
Từ tâm lý khi xảy ra va chạm, người tham gia giao thông thường thiếu kiềm chế, mất kiểm soát, mất bình tĩnh, ông Nguyễn Đình Sơn, Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội rằng, nó dẫn tới việc người ta thường đổ lỗi cho nhau. Khi sự việc đến mức căng thẳng, họ chọn bạo lực để giải quyết vấn đề thay vì đối thoại, hòa bình.
Bởi vậy, ông Nguyễn Đình Sơn đề xuất: “Bên cạnh những hình phạt cao để răn đe thì cần có những chiến dịch tuyên truyền về văn hóa ứng xử, để cho người ta biết nhường nhịn, tôn trọng lẫn nhau; hoặc tạo ra những ngày văn hóa tham gia giao thông để khuyến khích cộng đồng. Còn giải pháp từ nguyên nhân xã hội, ví dụ dịch vụ hỗ trợ tâm lý qua những đường dây nóng, rồi khuyến khích cân bằng giữa cuộc sống và môi trường”.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng, sự xuống cấp của văn hóa ứng xử trong xã hội hiện nay là một yếu tố nghiêm trọng. Bởi vậy, bên cạnh việc xử lý vi phạm theo luật, cần bổ sung các chương trình giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao ý thức và kỹ năng ứng xử văn minh:
“Việc chúng ta áp dụng những hình thức như lao động công ích hoặc tham gia các khóa giáo dục bắt buộc, hoặc công khai thông tin xử phạt sẽ giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng và cũng hạn chế những tái phạm. Và việc xây dựng môi trường văn hóa ứng xử văn minh là giải pháp lâu dài và bền vững. Điều này không chỉ cần sự nỗ lực của cơ quan chức năng, mà còn đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội”.
PGS, TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, nếu như người tham gia giao thông thấy trước được hậu quả vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc những hậu quả nặng nề về tính mạng, tài sản thì những vụ ẩu đả, đánh người trên đường sẽ giảm đi:
“Vấn đề vẫn là nhận thức, nhận thức không chỉ bằng tuyên truyền mà ngay trong mỗi gia đình, mỗi cộng đồng phải giáo dục bằng những hành động, những hình ảnh, những quy định cụ thể để khi ra ngoài đường, họ biết họ phải tôn trong luật pháp, tôn trọng tính mạng, sức khỏe của người khác và tôn trọng các quy tắc của cộng đồng”.
Vừa qua, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc xử lý những vụ ẩu đả trên đường do va chạm giao thông, dư luận xã hội cũng lên tiếng mạnh mẽ. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của VOV Giao thông, đây là vấn đề cần những giải pháp cụ thể để răn đe và cảnh tỉnh; ngăn ngừa từ sớm các vụ việc đau lòng, bởi “Bạo lực trong giao thông: Mạnh hay yếu đều thua”.
Một tài xế mô tô đã đập vỡ kính ô tô ở TP. HCM; hai vợ chồng hành hung tài xế xe công nghệ; một tài xế xe tải bị hành hung ngay trước mặt con nhỏ ở Bình Phước… Thậm chí, sau va chạm xe máy xảy ra tại Bình Dương, một người đã bị hành hung giữa đường, dẫn đến chấn thương nặng và tử vong sau đó vài ngày.
Liên tiếp xảy ra các vụ việc ẩu đả, bạo lực sau các vụ va chạm giao thông vẫn diễn ra thường xuyên, bất chấp những nỗ lực không ngừng của cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền và áp dụng các biện pháp xử lý mạnh mẽ ngay sau khi bị hại trình báo cơ quan chức năng, hoặc được đăng tải trên mạng xã hội, song điều đó cho cũng thấy những hành vi này không chỉ gây nguy hiểm cho các bên liên quan mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự xã hội.
Vậy tại sao vấn đề này vẫn tiếp diễn?
Bạo lực sau va chạm giao thông thường xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt nhưng bị kích động bởi sự mất kiểm soát cảm xúc. Một cú va quệt xe, một lời nói thiếu kiềm chế, hay đơn giản là cái nhìn “không vừa mắt” cũng có thể trở thành lý do để bùng phát xung đột. Nhiều vụ việc đã được ghi nhận, trong đó các bên không chỉ dùng lời nói mà còn sử dụng vũ lực, thậm chí đã có trường hợp dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này nằm ở sự coi thường tính mạng con người, coi thường những quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của người khác. Mặc dù quyền con người đã được quy định trong Hiến pháp, song một số người vẫn bất chấp, sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn mà không màng đến hậu quả. Họ không chỉ xem nhẹ tính mạng người khác, coi thường pháp luật mà còn xem nhẹ cả chính bản thân mình.
Bên cạnh đó, một bộ phận người tham gia giao thông không nhận thức rõ về hậu quả pháp lý của hành vi bạo lực. Một số tường hợp, nhiều người không đủ bình tĩnh để giải quyết tình huống một cách hòa nhã, dẫn đến những hành động bộc phát, thiếu suy nghĩ.
Đặc biệt, trong một số trường hợp, việc phớt lờ, không can thiệp từ những người xung quanh khi ẩu đả làm cho hành vi bạo lực càng mặc nhiên, công nhiên, không kịp thời được ngăn chặn.
Bởi vậy, việc cơ quan chức năng xử lý quyết liệt và nhanh chóng đối với các các vụ bạo lực giao thông thời gian qua đã mang lại nhiều tác động tích cực. Trước hết, các biện pháp xử lý nghiêm minh như truy tố hình sự, phạt tù, hoặc phạt tiền nặng… sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng không ai có thể đứng ngoài vòng pháp luật. Điều này giúp ngăn chặn các hành vi bạo lực trong tương lai. Bên cạnh đó, khi cơ quan chức năng can thiệp kịp thời, các bên liên quan sẽ cảm thấy được bảo vệ và tôn trọng, từ đó giảm nguy cơ tự giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.
Đặc biệt, các chiến dịch tuyên truyền gắn liền với những biện pháp xử lý thực tế sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn về hậu quả về pháp lý, đạo đức và hậu quả về kinh tế khi giải quyết mâu thuẫn giao thông bằng hành vi bạo lực.
Tuy vậy, để các biện pháp này đạt hiệu quả cao, cần phải đảm bảo rằng chúng được thực hiện một cách nhất quán, không có sự thiên vị hay bỏ qua những vụ việc nhỏ lẻ.
Về lâu dài, để giảm thiểu bạo lực giao thông, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội và chính mỗi người dân. Cần tăng cường giáo dục ý thức giao thông cho người dân, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về quyền và trách nhiệm khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, có thể triển khai các đội tuần tra lưu động, có mặt nhanh chóng tại hiện trường khi xảy ra va chạm để kịp thời can thiệp và giải quyết; Lắp đặt thêm camera giám sát giao thông để ghi lại và làm bằng chứng trong các vụ việc, giúp xử lý khách quan hơn. Cùng với việc ghi nhận bằng chứng, cần áp dụng các hình phạt nặng đối với hành vi bạo lực, đặc biệt là những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng với đó, công khai thông tin về các trường hợp vi phạm để làm gương, tạo sức ép dư luận để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật. Khi người dân nhận thấy việc xử lý của lực lượng chức năng là kịp thời, công minh, sẽ góp phần giảm thiểu các hành vi bạo lực bộc phát, từ đó xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh, tôn trọng pháp luật và trân trọng tính mạng con người.