Vì sao Công Phượng dị biệt vẫn kém xa Supachok?
Công Phượng sở hữu nhiều phẩm chất đặc biệt, nhưng anh lại không thể thành công ở J-League như Supachok.
Công Phượng là cầu thủ ra nước ngoài nhiều nhất của bóng đá Việt Nam. Anh đã đến Mito Hollyhock (Nhật Bản), Incheon United (Hàn Quốc), Sint-Truiden (Bỉ) và Yokohama FC (Nhật Bản). Tuy nhiên, cả bốn chuyến đi ấy đều không mang lại dấu ấn thực sự. Đặc biệt là lần gần nhất tại Yokohama FC, Công Phượng chỉ thi đấu 3 trận ở Cúp Quốc gia với tổng thời gian ra sân hơn 80 phút, còn lại hoàn toàn vắng mặt ở cả J-League 1 và J-League 2.

Công Phượng không thể thành công ở J-League như Supachok.
Ngược lại, Supachok Sarachat – cầu thủ Thái Lan lại là trụ cột tại CLB Consadole Sapporo. Anh đã chơi gần 60 trận ở J-League 1 và ghi được 9 bàn thắng. Mùa giải 2025, Supachok tiếp tục gây ấn tượng với 1 bàn thắng và 1 kiến tạo chỉ sau vài vòng đấu đầu tiên ở J-League 2.
Thể lực là điểm khác biệt
Supachok từng thẳng thắn chia sẻ: “Thi đấu tại J-League 2 thực sự rất khó khăn, bởi giải đấu này đòi hỏi thể lực cao hơn cả kỹ thuật cá nhân. Tôi từng gặp nhiều khó khăn ở giai đoạn đầu, nhưng hiện tại thể trạng của tôi đã đạt trạng thái tốt nhất”.
Lời nói ấy như một chiếc gương phản chiếu thất bại của Công Phượng. Dù anh sở hữu kỹ thuật cá nhân nổi bật, khả năng rê bóng và xử lý tinh tế, nhưng thể lực luôn là điểm yếu cố hữu của anh. Ở một giải đấu đòi hỏi tốc độ, sức mạnh và sự bền bỉ như J-League, kỹ thuật là chưa đủ. Một cầu thủ có thể chơi hoa mỹ, nhưng nếu không đủ thể lực để theo kịp cường độ suốt 90 phút, anh sẽ bị đào thải. Đó là điều đã xảy ra với Công Phượng.

Công Phượng có điểm yếu về thể lực.
Nhiều pha bóng của Phượng mang tính biểu diễn hơn là hiệu quả, bởi sau vài tình huống đột phá, anh dường như không còn đủ sức để tiếp tục di chuyển với cường độ cao. Còn Supachok thì ngược lại. Có thể không quá nổi bật về kỹ thuật, nhưng sự lì lợm, nền tảng thể lực vững vàng và tinh thần thi đấu kiên cường giúp Supachok trụ lại và phát triển ở môi trường khắc nghiệt.
Tinh thần và khả năng thích nghi
Không chỉ thể lực, Supachok còn cho thấy một điểm mạnh khác: tinh thần chiến đấu và sự bền bỉ. Anh nhấn mạnh rằng 6 tháng đầu tiên ở J-League là giai đoạn khó khăn nhất, vì phải cạnh tranh suất đá chính với các cầu thủ bản địa vốn đã quen thuộc với văn hóa và yêu cầu chuyên môn tại Nhật.

Supachok đang là trụ cột của Sapporo.
“Đôi khi việc không được ra sân thường xuyên khiến chúng ta suy nghĩ quá nhiều và trở nên căng thẳng. Do đó, kiểm soát trạng thái tinh thần là điều vô cùng quan trọng”, Supachok chia sẻ.
Đó cũng là điều Công Phượng chưa làm được. Khi không được thi đấu, anh mất dần tự tin. Khi không có cơ hội thể hiện, anh cũng thiếu sự bứt phá để thay đổi tình thế. Ở môi trường cạnh tranh khốc liệt như J-League, nếu không đủ mạnh mẽ về tinh thần, cầu thủ dễ rơi vào vòng xoáy sa sút và dần bị loại bỏ.
Đó là bài học lớn cho các cầu thủ trẻ Việt Nam nếu muốn vươn ra biển lớn.